Nguyễn Minh Thành - Nguyễn Quang Huy - Trương Tân - "Đừng gọi đó là nghệ thuật" hay Giới hạn của nghệ thuật là không có giới hạn?

Triển lãm Don’t Call It Art là triển lãm trưng bày một số tác phẩm được chọn lọc từ bộ lưu trữ cá nhân của nghệ sĩ và nhà nghiên cứu người Đức, cô Veronika Radulovic. Triển lãm quy tụ sự góp mặt của ba nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Trương Tân với những bức tranh lạ thường, ấn tượng. Đây là ba họa sĩ ngôi sao, tiêu biểu cho tính mới mẻ và sự phá cách trong nghệ thuật của thời kỳ Đổi Mới giai đoạn những năm 1990. Triển lãm được mở ở không gian đậm chất phố cổ Hà Nội – Mơ Art Space đã đem đến cho người thưởng lãm và người yêu nghệ thuật cái nhìn toàn diện về một giai đoạn phát triển rực rỡ của mỹ thuật Việt Nam giai đoạn thế kỷ 20.

Bài viết bởi Linh Di cho Ticketgo
Ghi rõ nguồn khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép


Không gian trưng bày và trình diễn nghệ thuật sắp đặt trong triển lãm "Don't Call It Art" 

 

Tính ngẫu hứng hữu hình, sự sắc sảo và táo bạo trong nghệ thuật đi cùng với chất liệu và phương pháp sáng tác đã tạo nên sự độc đáo trong các tác phẩm của họ. Trong phần lớn các tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Trương Tân đơn thuần chỉ sử dụng chất liệu giấy dó truyền thống của Việt Nam, cùng bút lông, mực tàu, cọ và màu nước. Tựu trung, những thử nghiệm và biểu đạt thẩm mĩ của họ đã đưa họ trở thành những ngôi sao của nền nghệ thuật non trẻ và độc lập nổi lên ở Hà Nội vào đầu những năm 1990, đến ngày nay, họ vẫn mang một sức ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.

"Trong nghệ thuật, mọi thứ đều không có giới hạn"

Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy và Trương Tân là nhóm những nghệ sĩ đầu tiên trong luồng gió Đổi Mới những năm 1990, muốn khám phá quyền tự do mới và theo đuổi con đường nghệ thuật của riêng mình. Họ tìm kiếm những biểu đạt thẩm mỹ vượt xa những gì được quảng bá và cho phép tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong nước. Nghệ sĩ chủ yếu sử dụng giấy Dó – tiết kiệm, kín đáo và dễ vận chuyển – cùng bút lông và màu nước, đơn giản chỉ vậy. Những thử nghiệm dị thường đã ra đời như vậy, chẳng phải trong studio lớn mà chỉ vỏn vẹn trong căn hộ nhỏ cùng thuê trên phố Hàng Chuối. Ba ngôi sao của giai đoạn Mỹ thuật Đổi mới những năm 1990 được tái hiện quá trình hoạt động nghệ thuật rực rỡ và huy hoàng của họ trong ấn phẩm Don't Call It Art, họ có cách biểu hiện nghệ thuật khá kỳ lạ khi lấy biểu cảm của khuôn mặt và cơ thể người làm trọng tâm biểu hiện, những hình thù dáng người kỳ quái cùng lối diễn siêu thực và có phần bản năng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà sưu tập trong và ngoài nước. Họ tìm kiếm những biểu đạt thẩm mỹ vượt xa những gì được quảng bá và cho phép tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong nước. Vì vậy, ba họa sĩ này được xem là thế hệ nghệ sĩ tiên phong, chịu khó phá cách trong một giai đoạn mà xã hội Việt Nam vẫn chưa "chịu" cởi bỏ những xiềng xích của tư duy và lề lối xã hội cũ. 


Những tác phẩm tiêu biểu trong bộ lưu trữ cá nhân của nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic 

Song, bất chấp danh tiếng vang dội, hầu hết các tác phẩm của họ vẫn chưa được biết đến, ngoại trừ một số mang tính biểu tượng và các sáng tác sau này. Việc lưu trữ và bảo tồn những lát cắt của lịch sử nghệ thuật Việt Nam giai đoạn đó – bao gồm áp phích, ảnh chụp, bản cắt báo, video trình diễn, bản vẽ và tranh vẽ, những bức ảnh chụp vội mang đậm tinh thần thời đại – khó có thể thực hiện nếu thiếu đi sự đóng góp to lớn của Veronika Radulovic. Bà là nghệ sĩ người Đức sống ở Hà Nội những năm 1993 – 2005 và vào thời điểm ấy là gương mặt không thể thiếu trong nền nghệ thuật non trẻ này. Với gần 1000 tác phẩm và tranh, kho lưu trữ nghệ thuật cá nhân của Veronika Radulovic là bộ sưu tập lớn nhất về loại hình này trên toàn thế giới và là nhân chứng lịch sử độc đáo cho giai đoạn nhiều biến chuyển này. 

Tác phẩm khắc họa gương mặt "Bà Tây" Veronika Radulovic

Toàn bộ các tác phẩm của lần triển lãm này đều là tác phẩm trên giấy dó. Giấy dó vốn được xem là một chất liệu quen thuộc của các nghệ sĩ giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ kinh tế thị trường. Họa sĩ cho rằng khi vẽ trên giấy là khi người nghệ sĩ thật lòng nhất với bản thân mình nhất.


Những quán karaoke và xe cộ ồn ào, bệnh AIDS và chủ nghĩa tư bản, Phật giáo và đồng tính luyến ái, vẻ hào nhoáng của các thương hiệu phương Tây đặt trong bối cảnh một đất nước vừa vực dậy sau chiến tranh, nghèo nàn và lạc hậu – tác phẩm của các nghệ sĩ như Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Trương Tân trực diện song vẫn đầy tính nội hàm, có bức xúc nhưng vẫn không kém phần hòa nhã. Tác phẩm của họ đại diện cho một xã hội đang trên đà thay đổi, đánh dấu sự khởi đầu của một nền nghệ thuật mới, sự khởi đầu của nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Với những bức tranh, những màn trình diễn và sắp đặt chưa từng xuất hiện trong nước, họ đã trở thành những ngôi sao của nền nghệ thuật non trẻ và độc lập nổi lên ở Hà Nội vào đầu những năm 1990. Các tác phẩm của họ không chỉ có chỗ đứng trong bộ sưu tập của các bảo tàng hàng đầu như Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và Phòng trưng bày Quốc gia Singapore, Quỹ Solomon R. Guggenheim New York hay Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka; mà ngay cả những cuộc khảo sát lịch sử nghệ thuật gần đây ở Việt Nam cũng tôn vinh tên tuổi của họ như những người đặt nền móng đầu tiên cho nghệ thuật đương đại trong nước. Với ba họa sĩ chính bao gồm “Nguyễn Minh Thành”, “Nguyễn Quang Huy”, “Trương Tân”, triển lãm “Don’t Call It Art” kể lại câu chuyện về những ngày đầu của ba nghệ sĩ, từ đó soi chiếu vào một giai đoạn ít được nhắc tới – giai đoạn 1990, thập kỷ mở đầu cho nghệ thuật đương đại ở Hà Nội.

 

Khai mạc triển lãm tại Sàn Art - TP. Hồ Chí Minh

 

Về nghệ sĩ Veronika Radulovic

Được biết tới như một trong những nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam sau thời kỳ ‘Mở cửa’, Veronika Radulovic từng là giảng viên tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1995 tới 2005 và có mối quan hệ mật thiết với các nghệ sĩ đương đại Việt Nam thời kỳ này. Với vai trò kết nối giữa Đức và Việt Nam, Veronika đã tổ chức và thực hiện nhiều triển lãm và dự án hợp tác về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại cả hai quốc gia. Hiện bà sống và làm việc tại Berlin, Đức.

Veronika Radulovic lần đầu tiên đến Hà Nội vào đầu những năm 1990 để nghiên cứu nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Từ năm 1994 đến 2005, cô là giảng viên quốc tế đầu tiên của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được tài trợ bởi DAAD (Cơ quan Trao đổi Học thuật Đức). Hợp tác với nhiều tổ chức và bảo tàng khác nhau ở Đức, cô đóng vai trò là một cầu nối quan trọng giữa nghệ thuật đương đại Đức và Việt Nam, đồng thời cô còn là giám tuyển của một số triển lãm lớn.

 

Nghệ sĩ người Đức Veronika Radulovic trong triển lãm "Don't call it art" được tổ chức bởi Sàn Art (TP. Hồ Chí Minh)

Họa sĩ Nguyễn Minh Thành

Tiểu sử

Nguyễn Minh Thành sinh năm 1971 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Đại học Mỹ thuật Hà Nội) năm 1996, thuộc thế hệ nghệ sĩ tiên phong đầu tiên của Việt Nam. Trong giai đoạn 1990 – 2000, anh đã thử nghiệm nhiều phương pháp sáng tạo nghệ thuật ít truyền thống hơn, bao gồm trình diễn, sắp đặt, và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền nghệ thuật đương đại và thử nghiệm ở Hà Nội sau này. Sáng tác của Nguyễn Minh Thành thường là tự họa khuôn mặt của chính mình. Minh Thành là người thích cuộc sống trầm lặng. Gương mặt hiền, mang nét trẻ thơ của họa sĩ này thường ẩn hiện trong nhiều tác phẩm của anh. Lấy cảm hứng từ Phật giáo và chủ yếu sử dụng mực tàu, màu nước trên giấy dó, các tác phẩm chân dung đượm buồn của Minh Thành là kết quả của những chuyến du hành tâm linh và thiền định, nhằm tìm kiếm vẻ đẹp, sự hài hoà và sự yên bình tuyệt đối, tạo dấu ấn bằng việc sử dụng những gì dường như chân dung tự họa trong những khám phá mang tính tâm linh và thiền định. 

 Tác phẩm của Nguyễn Minh Thành trong ấn phẩm "Don't Call It Art"

Quan tâm đến các quan niệm về sự ràng buộc và thoát tục của Phật giáo, sử dụng chủ yếu mực in và màu nước của Trung Quốc trên giấy dó thủ công của Việt Nam, Nguyễn Minh Thành khám phá chủ đề về mối quan hệ gia đình trong các lĩnh vực xã hội, triết học và tâm lý thông qua những bức chân dung về chính anh và mẹ anh. Các sáng tác của Nguyễn Minh Thành từng được trưng bày rộng rãi trong nước và quốc tế, và được đưa vào nhiều bộ sưu tập công cộng và tư nhân, bao gồm Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Queensland (Brisbane, Úc), Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka (Nhật Bản), Chương trình Nghệ thuật của Ngân hàng Thế giới, và Bộ sưu tập Nghệ thuật Đương đại Việt Nam Post Vidai (Thụy Sĩ).

 

Nghệ thuật sắp đặt và trình diễn trong tranh của Nguyễn Minh Thành

 Khuôn mặt của chính họa sĩ Nguyễn Minh Thành trong các sáng tác của anh

Phong cách nghệ thuật

Các bức vẽ và tranh màu nước của Nguyễn Minh Thành hầu hết là chân dung tự họa và soi chiếu nội tâm, với hình ảnh anh cuộc tròn trong gió, hay thu mình sau chấn song lồng sắt. Những chú ếch nhỏ, cũng như các motif động vật khác gợi cho chúng ta nhớ đến vùng nông thôn. Ở một số tác phẩm, anh cũng xuất hiện với những dáng vẻ khác nhau: khi thì e dè trong trang phục giản dị; khi thì chải chuốt với bộ vest và cà vạt; hoặc đôi khi, như một kẻ lập dị bận quần sooc và áo khoác lông thú.

 

"Với tôi, lời chưa nói là lời muốn nói, cũng là lời còn lặng câm; lời, có thể chưa bao giờ và không bao giờ được nói" 

Những bộ cánh lộng lẫy này dường như là sự ngụy trang đầy chủ ý cho cuộc sống đô thị mới của anh, và cũng là sự phản ánh đầy mỉa mai về bản thân của một chàng trai trẻ đang cố gắng tạo dấu ấn tại một thành phố lớn – đặc biệt là khi ấy, anh vẫn chưa chắc chắn về chỗ đứng của mình (cả với tư cách là một nghệ sĩ, hay một người trưởng thành) trong một xã hội đang trên đà thay đổi nhanh chóng.

"Tôi tin bên trong mi con người tn ti mt v đẹp thc và hoàn ho – chúng ta không th nhìn thy nó nhưng chúng ta cm nhn được nó. Tôi mun nhn nh mi người rng trong tâm ta có mt s tĩnh mà t đó, mi th s khi đầu" – Nguyễn Minh Thành

 

Họa sĩ Nguyễn Quang Huy

Tiểu sử

Nguyễn Quang Huy sinh năm 1971, tại Hà Tây, Việt Nam. Anh hoàn thành chương trình học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, và cùng với Nguyễn Minh Thành, anh là người đi đầu trong những thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật nổi lên ở Hà Nội vào đầu những năm 1990. Sử dụng chủ yếu màu nước, mực và dầu, Nguyễn Quang Huy được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm “màu xanh”, thường là chân dung và phong cảnh khổ lớn, tái hiện giai đoạn sáng tác của anh về người H’mong cư trú ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam.

Chịu ảnh hưởng của triết lí Phật giáo và tình cảm anh dành cho vùng đất và con người nơi đây, các bức tranh của anh không chỉ khắc họa khía cạnh văn hóa, vẻ thơ mộng nơi vùng núi phía Bắc, cũng như nét đẹp của những người phụ nữ bản địa, mà còn bày tỏ lòng kính trọng tới mẹ anh nói riêng và hình tượng người mẹ nói chung. Nguyễn Quang Huy đã tổ chức triển lãm cá nhân tại Việt Nam, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Phần Lan, Thái Lan, Úc, Hà Lan, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Các tác phẩm của anh nằm trong bộ sưu tập thường trực của Phòng trưng bày Quốc gia Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka (Nhật Bản), Chương trình Nghệ thuật của Ngân hàng Thế giới và Bộ sưu tập Nghệ thuật Đương đại Việt Nam Post Vidai (Thụy Sĩ).

 

 

Phong cách nghệ thuật

Đối với Nguyễn Quang Huy, một bức tranh không phải là phương tiện cho những cuộc đàm phán phức tạp hay cho sự khám phá bản thân. Thay vào đó, chúng giúp anh ngày càng tiến gần hơn tới những ý niệm mà bản thân đã gắn bó trong suốt một thời gian dài, mà giờ đây, đã sẵn sàng để hiện hữu trong một hình thức mới: chủ yếu là những hình ảnh về sự kết nối, trí tuệ mà anh đã tiếp nhận từ tư tưởng Phật giáo, và nay – trong thời đại bùng nổ Internet – lại mang nhiều tầng ý nghĩa mới. Ngay cả những dạng, hình giống như chữ cái xuất hiện trong các tác phẩm sau này của anh vẫn là một bí ẩn không thể đọc hiểu. Chúng dường như đại diện cho vô số ý nghĩa vẫn đang chờ được giải mã.

 

 Họa sĩ Trương Tân

Tiểu sử

Trương Tân sinh  năm 1963 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1989, nơi anh từng làm trợ giảng và là giảng viên từ nă 1989 đến 1997 trước khi dành toàn thời gian cho việc sáng tác.


Trong bối cảnh những năm đầu Đổi mới (1985) và chính sách tự do hóa thị trường, phong trào lãng mạn hóa quá khứ dần trỗi dậy tại Việt Nam. Về phần mình, Trương Tân đã từ bỏ chủ nghĩa hàn lâm thời kỳ ấy để chuyển sang tập trung tìm hiểu sự phức tạp của tâm lý con người và hoàn cảnh xã hội. Thông qua hội họa, trình diễn, sắp đặt, điêu khắc, gốm sứ, anh đã thách thức quy ước xã hội, cũng như nghiên cứu các chủ đề và bản sắc cũng như tự do ngôn luận.

 

Nghệ thuật trình diễn và sắp đặt bởi nghệ sĩ Trương Tân

Trương Tân đặt ra những câu hỏi liên quan tới định kiến lâu đời ảnh hưởng đến xã hội truyền thống Việt Nam, khảo sát bản sắc dân tộc và sự giao thoa của nó với định kiến giới. Tập trung vào cảm tính của bản thân, tác phẩm của anh khám phá nhận thức về đồng tính luyến ái trong một thế giới bảo thủ.

Các triển lãm nhóm nổi bật của Trương Tân bao gồm: Singapore Triennial (2008), Fukuoka Asian Art Triennial (Nhật Bản 2009), Kết nối: Kunstszene Việt Nam, Gallery Berlin (2010) và ifa Gallery Stuttgart (2011), Đàm phán về quê hương, lịch sử và quốc gia: Hai thập kỷ nghệ thuật đương đại ở Đông Nam Á 1991 – 2010, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (2011); và 8 nghệ sĩ đương đại Việt Nam, Bùi Gallery, Hà Nội (2012).

Phong cách sáng tác

Những tác phẩm của Trương Tân hàm chứa sự khám phá về tính dục của bản thân. Dù giữ nguyên hình thái, song cơ thể con người trong tranh anh đã được thu gọn, chỉ còn là những đường viền – khi uốn cong, mổ xẻ, khi vặn xoắn, đến khi chỉ còn lại cái đầu không thay đổi – như một tuyên ngôn đầy tự tin về bản thân, về cái Tôi trong nghệ thuật: một “sự xuất quỹ” can đảm. Bởi đồng tính luyến ái, dù cho không phải bất hợp pháo, nhưng vẫn bị coi là “bất bình thường”, là điều cấm kỵ trong xã hội Việt Nam thời ấy. Tuy nhiên, Trương Tân đã mượn chính xu hướng tính dục của mình làm đòn bẩy để mở rộng vốn biểu đạt trong nghệ thuật. Anh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam khám phá, thích nghi và phát triển hơn nữa các loại hình nghệ thuật mới như nghệ thuật trình diễn và sắp đặt”. 


Nghệ thuật sắp đặt trong thế giới nghệ thuật Trương Tân (Ấn phẩm "Don't Call It Art)

Trương Tân là một nghệ sĩ có tầm nhìn, một nhân vật nổi loạn của thập kỷ 90. Người luôn gây ngạc nhiên và không ngừng tự làm mới mình. Họa sĩ, nghệ sĩ sắp đặt, nghệ sĩ trình diễn. Trương Tân luôn đồng thời là người chỉ lối và kẻ tìm đường. Anh được ca tụng và bêu riếu. Anh được và mất, nhưng: anh luôn chịu tất cả mọi rủi ro. Anh như một người tạo trò chơi. Và không chỉ thế. Anh ưa trò ấy. Không chuyến đi nào với sinh viên lại vắng mặt bộ bài. Lớp học ở Đại học mỹ thuật đôi khi trông như sòng bài. Chỗ nào cũng chỉ thấy các quân bài. Mọi vất vả vô nghĩa với người mẫu khỏa thân và cảnh núi non đều bị quên đi.

Trò chơi là dạng tuyệt đối của xa xỉ và tự do, và chuyện người chơi bài – ở đây là nghệ sĩ chơi bài hoặc sinh viên mỹ thuật chơi bài – vốn bị thế giới xung quanh coi là “quân lười lao động“, chẳng động chân động tay, chỉ ngồi đợi dịp may hoặc tình cờ, qua đó bỏ phí thời gian sống quan trọng của mình và theo đuổi những lý tưởng sai lầm, nay chẳng còn ý nghĩa gì cả.

 

Những tác phẩm của Trương Tân mang tư tưởng đổi mới của thời đại Mỹ thuật Yết Kiêu những năm 90

Trương Tân luôn có vị thế cách xa hẳn với những kẻ nhảy vào cuộc chơi với mục tiêu duy nhất là: làm thế nào để thành triệu phú một cách nhanh nhất và dễ nhất? Rõ ràng ý tưởng ấy dễ lôi cuốn, làm người ta nghiện và thậm chí có thể khiến ta chơi gian. Nhưng có phải là người chơi thực sự không làm được trò trống gì? Và liệu có phải sự liên tục giằng co của ngẫu nhiên lại chính là tiền đề quan trọng nhất cho nghệ sĩ, khả dĩ khiến họ nhận ra các con đường khác nhau, cũng như phát triển các khả năng và cấu trúc mới? Chỉ có yếu tố trò chơi mới có khả năng công phá chuẩn mực truyền thống, vì nó có sức mạnh đảo lộn ghê gớm và không kiềm chế nổi./.

Nghệ thuật trình diễn sắp đặt của Trương Tân được trình chiếu trong kho lưu trữ của nghệ sĩ Veronika Radulovic

-------

Thông tin từ  BTC:

Triển lãm "Don't Call It Art"

Nghệ sĩ: Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Trương Tân

Trưng bày tác phẩm từ kho lưu trữ nghệ thuật của Veronika Radulovic.

Các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn những năm 1990 - giai đoạn quan trọng mở đầu nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Thời gian: 19/11/2022 – 31/12/2022

Địa điểm: Mơ Art Space – Tầng B3, số 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội