Triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”

Đã là người Việt, đặc biệt là người Hà Nội, ai cũng quen thuộc với những “đặc sản” của xứ sở Bắc Bộ này, là 36 phố phường, là hương cốm vòng xen lẫn với mùi chuối chín, là tô phở cay nồng sáng sớm chớm se lạnh của đầu mùa thu, là hương hoa sữa nồng nàn trong gió, là tiếng chuông chùa ngân nga văng vẳng, là hồ Gươm xanh như mái tóc thiếu nữ, hay tiếng rao đêm ì xèo qua từng con ngõ nhỏ?...

Triển lãm “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội” đang diễn ra tại Stop And Go Art Space - 88 Lý Tự Trọng, Phường 2, TP. Đà Lạt sẽ cho công chúng yêu nghệ thuật có cơ hội nhìn lại những khoảnh khắc đẹp và đắt giá về văn hóa hàng rong của người Hà Nội thông qua lăng kính của các nhiếp ảnh gia.

 

Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) kết hợp cùng đơn vị tổ chức Stop And Go Art Space ra mắt khán giả Đà Lạt Triển lãm với tên gọi “Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội”.

Triển lãm giới thiệu một tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi mười lăm sinh viên Trường mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis trong khoảng từ năm 1925 đến 1929. Các nghệ sỹ khắc họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố thủ đô, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng…

Những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng được tôn vinh qua một sắp đặt đầy tính tương tác. Công chúng Đà Lạt sẽ có cơ hội sống lại bầu không khí của những ngày xưa cũ khi băng qua chiếc cầu thời gian, được kết thành từ 32 bức ảnh đen trắng vô cùng đặc sắc.

Khung cảnh cuộc sống thường nhật của người Hà Nội hiện ra qua các hộp đèn hay những bức tranh được trình chiếu. Âm thanh từ những tiếng rao nhịp nhàng của những người bán hàng dạo cũng sẽ góp phần đánh thức ký ức về những hương vị thuở xưa. Một sự kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa duyên dáng, làm phảng phất mùi hương của sự luyến nhớ, hoài niệm về một Hà Nội cổ giữa lòng thành phố sương.

Trong cái tịch tĩnh của đêm muộn phố thị, chỉ có tiếng bước chân rảo bước nhanh trên mỗi con đường và vài tiếng rao đêm. Chỉ cần có vậy, bao kỷ niệm xưa cũ của mỗi người con Hà thành lại ùa về trong ký ức tuổi thơ, có điều, nó ấm lòng đến lạ trong cái giá lạnh của tiết trời mùa đông.

Giáo sư văn học Kevin Bowen, giảng viên Đại học Massachusetss, đồng thời cũng là một nhà thơ, từng sống và viết nhiều về Việt Nam, đã từng có dịp bày tỏ về gánh hàng rong như sau:

“Thật nuối tiếc biết chừng nào khi vẻ đẹp ấy một ngày sẽ không còn nữa. Tôi đã đến Hà Nội hàng chục lần. Tôi muốn sống trong tinh thần của những gì đã làm nên Hà Nội”. Đấy có phải là một phần “hồn” của Hà Nội – mảnh đất kinh kỳ gây ấn tượng với du khách quốc tế hay không? Tôi nghĩ chắc mỗi chúng ta đều đã có câu trả lời cho riêng mình rồi.

Tôi cũng từng thấy nhiều hình ảnh về “gánh hàng rong” của Việt Nam, mà đặc trưng nhất là hàng rong Hà Nội trên các tạp chí nước ngoài. Nhiều du khách còn thổ lộ, họ cảm thấy bình yên khi nhìn thấy các bà, các chị đội nón, gánh trên vai gánh hàng rong. Hay một đôi bạn, ngồi ăn quà bên gánh hàng rong. Bình yên và thật Việt Nam, thật Hà Nội.


Văn hóa Tràng An vốn chẳng phải thứ gì ghê gớm quá, mà nó được tạo nên bởi chính những bức tranh dung dị của cuộc sống, của thói quen sinh hoạt thường nhật của con người nơi đây, và hàng rong cũng là một hình thái như thế”.

 

Triển lãm sẽ khai mạc lúc 16h00 ngày 07/01/2023 tại Stop And Go Art Space - 88 Lý Tự Trọng, Phường 2, TP. Đà Lạt.