Thông tin từ ban tổ chức:
THÔNG TIN TRIỂN LÃM
– Địa Điểm: Wiking Salon, 72 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
– Ngày triển lãm: 23.12.2023 – 04.02.2024
– Khai mạc: 23.12.2023, từ 18:00 đến 21:00, dành cho khách mời
– Thời gian tham quan: 09:00 – 19:00.
– Triển lãm mở cửa miễn phí với link đăng ký trước theo khung giờ nhằm mục đích đảm bảo trải nghiệm thưởng lãm cho người xem. Mời đăng ký tại đây.
__________
Triển lãm “Giao biên” là một cuộc khám phá về các khái niệm liên quan đến biên trong bối cảnh xã hội đương thời. Biên ở đây không chỉ là các ranh giới hữu hình mà còn bao hàm các hệ tư tưởng vô hình. Với công nghệ tiên tiến, giao thương và hội nhập văn hóa thông qua toàn cầu hóa, các giới hạn hữu hình đã bị vượt qua. Những chuẩn mực và giá trị của xã hội đương đại bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau gây ra bởi con người: kinh tế, chính trị, môi trường, hiện đại hóa, văn hóa đại chúng, sự bùng nổ của công nghệ, v.v.. Trong trạng thái bất định với các lằn ranh giới dường như liên tục xóa mờ và tái lập, giữa truyền thống và đổi mới, giữa quá khứ và hiện tại, giữa trọng tâm và ngoại vi, giữa thế giới thực và ảo, con người bị cuốn vào vòng xoay của “thực tại mới” một cách vô thức hay ý thức.
Sử dụng đường chân trời làm điểm xuất phát, Nguyễn Thúy Hằng mời chúng ta tham gia vào một cuộc hành trình sâu sắc, nơi thiên nhiên đối thoại với trải nghiệm của con người và phong cảnh trở thành cửa ngõ dẫn đến các cõi song song. Cảm giác tịch liêu của tồn tại nhỏ bé của con người với thiên nhiên trong tranh cô là sự trở về với cội nguồn bản thể, với tạo hình và pa-lét tối giản như thể gọt đi những chấp niệm khôn kham để nhẹ bước thênh thang.
Nhịp nhàng với mực nhuộm và màu nước theo lớp lang trên nền lụa, Nguyễn Thị Châu Giang chiêm nghiệm về chu kỳ sống của tự nhiên và thế giới quan của phụ nữ. Loại bỏ xiêm y, hình tượng khỏa thân gợi nhớ sự mong manh và thuần khiết của phụ nữ Á Đông, đồng thời tượng trưng cho sự cởi mở, phóng khoáng và tự do nhằm bộc lộ sức mạnh nội tại của họ trong xã hội hiện đại. Đối diện với bánh xe thời gian, sự trùng lặp trong tạo hình tái hiện sự chuyển giao của thế hệ, nơi các giá trị và ý thức hệ được cân bằng giữa việc gìn giữ thuần phong mỹ tục song song với việc cải tiến hội nhập.
Các hình đại diện “avatar” của Dương Thùy Dương mô phỏng sự lựa chọn phong phú của cá nhân mỗi người trong cuộc sống hiện đại, khi chọn lọc định danh “cái tôi hoàn hảo” của bản thân trên một chiều không gian mới. Đối diện với viễn cảnh văn hóa đại chúng và công nghệ đã thấm sâu vào cuộc sống, những hình tượng phóng chiếu được thay đổi với nhiều định dạng, nhiều mục đích khác nhau xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo; đồng thời gợi lên câu hỏi “liệu có sự tồn tại của sự thật duy nhất”.
Trong khi đó, chủ thể trong tranh của Nguyễn Quốc Dũng lại là lát cắt của cuộc sống đời thường của những người bị gạt ra ngoài lề của xã hội hiện đại. Anh đóng khung các khoảnh khắc cho chúng ta nhìn thấy cuộc sống của những người nhập cư thường bị ngó lơ. Khung tranh của anh là lăng kính trực diện buộc khán giả phải đối mặt, đồng thời lại có sự hoán đổi của chủ thể khi chính những người ở rìa xã hội, trở thành trung tâm của tác phẩm và đang nhìn chằm chằm lại người xem.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm phản ánh sự giao thoa giữa các yếu tố khác nhau của xã hội đương đại. Các tác phẩm trải dài từ hiện thực, ảo ảnh đến trừu tượng, phản ánh trạng thái chênh vênh đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống. Những tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng, Dương Thùy Dương, Nguyễn Thị Châu Giang và Nguyễn Quốc Dũng đều làm dấy lên những tầng lớp phức tạp của trải nghiệm con người trong thế giới đang đổi thay liên tục, và cung cấp cho người xem một cái nhìn sâu sắc về bản chất của cuộc sống, giúp họ phản ánh sự tồn tại của những thứ hữu hình và vô hình trong cuộc sống.
Triển lãm bao gồm 36 tác phẩm tranh với nhiều chất liệu: sơn dầu trên toan, màu nước và mực trên lụa, màu nước trên giấy và chì than trên giấy. Các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2023. Triển lãm lẫn này cũng là dịp công bố tác phẩm lụa có kích thước lớn nhất của họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, với kích thước lên đến 2 mét.
___________
Về nghệ sĩ
Nguyễn Thị Châu Giang (s.1975) tại Hà Nội và tốt nghiệp chuyên ngành tranh sơn dầu tại Đại học Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh năm 1998. Thực hành nghệ thuật của cô bao gồm văn chương, hội họa, biểu diễn và sắp đặt. Châu Giang trung thành với kỹ thuật vẽ lụa truyền thống nhiều lớp của các danh họa, đồng thời thổi làn gió đương đại, mới mẻ và phóng khoáng. Ngôn ngữ nghệ thuật của cô đề cập đến vai trò truyền thống của giới và sự thay đổi của phụ nữ trong bối cảnh xã hội phụ hệ tại Việt Nam.
Nguyễn Thúy Hằng (s.1978) tại Tp. Hồ Chí Minh, là một nghệ sĩ thị giác, nhà thơ và nhà văn, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh năm 2002. Nguyễn Thúy Hằng tinh thông cả về văn chương và nghệ thuật thị giác, với trải nghiệm lớn lên ở Việt Nam thời hậu chiến, và quá trình tu nghiệp và thực hành ở phương Tây và Việt Nam. Tâm tư từ những dòng văn mà cô là tác giả được tô điểm bởi yếu tố huyền bí và hỗn loạn, phản ánh lên cả những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của cô một cảm giác cô độc của thân phận con người trong xã hội Việt Nam tiệm cận với thế giới.
Dương Thùy Dương (s.1979) tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và thiết kế Burg Giebichenstein – CHLB Đức năm 2009; hiện sống và làm việc ở Berlin, CHLB Đức. Thụ hưởng nền văn hóa và mỹ thuật của hai quốc gia, nghệ thuật thị giác của Thùy Dương luôn là cuộc đối thoại của của bản sắc, ý niệm Đông phương và Tây phương. Những tác phẩm sơn dầu của cô ẩn nhiều tầng lớp, với nhiều kỹ thuật được xử lý tạo nên hiệu ứng ảo giác đều mang lại cảm giác như đang thắc mắc về niềm tin của con người chúng ta vào những câu chuyện siêu hình như Sáng tạo, Tiến hóa, Tình yêu, Sự sống và Cái chết.
Nguyễn Quốc Dũng (s.1983) tại ĐăkLăk, hiện sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh. Quốc Dũng tốt nghiệp chuyên ngành tranh sơn dầu tại Đại học Mỹ Thuật Tp. HCM năm 2014. Tác phẩm của Quốc Dũng đóng khung lại những khoảnh khắc, mở ra một cửa sổ nhìn vào cuộc sống hàng ngày, khắc họa chân dung đầy cảm thông nhưng trực diện của những người nhập cư hay chuyển giới, của những nhóm bị gạt sang lề, thường hay bị ngó lơ trong xã hội. Tạo hình nhân vật của anh hoàn toàn không theo chuẩn mực vẻ đẹp lý tưởng, mô tả chân thực và phản ánh cuộc sống thực tế trong những lát cắt thời gian ngưng đọng.
Về Wiking Salon:
Wiking Salon là một không gian trải nghiệm nghệ thuật, nơi kết nối những người bạn, đối tác có cùng sứ mạng và đam mê phát triển hệ sinh thái nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.
( Nguồn Wiking Salon )