Triển lãm Ma trận | Matrix Exhibition

Triển lãm Ma trận | Matrix Exhibition - Triển lãm cá nhân của Nguyễn Sơn.

 

Thông tin từ ban tổ chức: 

MA TRẬN

Triển lãm cá nhân của Nguyễn Sơn

Khai mạc: 17:00, Thứ Tư, ngày 28.10.2020

Triển lãm: 28.10- 15.11.2020

Giờ mở cửa: Thứ Hai – Chủ nhật, (Sáng: từ 9h00 – 12h00; Chiều: từ 13h30- 17h00)

Địa chỉ: VICAS Art Studio, Sảnh nhà A, VICAS, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội

Miễn phí vào cửa

Ma trận là một thuật ngữ toán học, không phải là lĩnh vực thuộc hiểu biết của tôi, tuy nhiên tôi hiểu được tinh thần căn bản của tác giả khi muốn sử dụng thuật ngữ này làm tên cho cuộc triển lãm:

Thứ nhất, công nghệ số là đặc trưng của thời đại chúng ta đang sống, nó tác động tích cực cũng như tiêu cực đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, trong đó có cả lĩnh vực nghệ thuật. Người nghệ sỹ cần đối diện trước thực tế ấy, không thể vờ như mình đang sống ở thời tiền công nghiệp để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chẳng liên quan gì đến thời đại anh ta đang sống.

Thứ hai, trong ngôn ngữ thông thường, ma trận là sự kiểm soát những bế tắc, rối loạn, hỗn tạp, xung đột để tìm ra giải pháp tích cực và hữu hiệu cho cuộc sống. Ma trận của Nguyễn Sơn trong sáng tạo nghệ thuật là kiểm soát những xung đột nội tâm bằng những cảm xúc tích cực.

Về phương diện nghệ thuật, có thể chia toàn bộ sáng tác của Nguyễn Sơn thành hai giai đoạn:

Giai đoạn đầu, anh vẽ sơn dầu hay acrylic trên toan như bao họa sỹ khác, tranh của anh có hơi hướng tân biểu hiện, đôi khi có pha siêu thực, đôi khi lấn sang chủ nghĩa vị lai. Dòng tranh này thể hiện trình hội họa của anh ở mức khá cao, nếu anh tiếp tục con đường này cũng sẽ là một họa sỹ có đẳng cấp và có thị trường.

Giai đoạn hiện nay, anh làm tranh với chất liệu chính là các mảng bo mạch phế thải và màu acrylic. Dòng này chắc chắn là kén khán giả hơn nhưng lại có đóng góp mới cho hội họa Việt Nam.

Có hai đặc điểm trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Sơn mà tôi muốn giới thiệu:

1. Khi anh làm tranh ở giai đoạn thứ hai, tranh của anh đã thoát khỏi việc phản ánh (dù vô tình hay hữu ý) cái gì đó, mà anh bị hút theo những gợi ý, những logic và cái thẩm mỹ của vật liệu chính, đó là các bo mạch điện tử. Từ một miếng bo mạch ngẫu nhiên, anh phát triển nó thành một hình thù nào đó và đổ màu lên đó sao cho có logic, hợp lý và thẩm mỹ (theo tư duy và cảm xúc của anh). Cách làm nghệ thuật này thoát khỏi quan niệm truyền thống về chức năng nghệ thuật dựa vào cặp phạm trù “cái phản ánh và cái được phản ánh”, tức là nghệ sỹ chỉ quan tâm đến sự vận động nội tại của chính đối tượng anh ta đang tác động. Và tác phẩm, bản thân nó (cái phản ánh) đã tạo nghĩa, nó không nhất thiết phải phản ánh cái gì trong tự nhiên, trong cuộc sống. Đây là một đặc điểm quan trọng của nghệ thuật đương đại

2. Với nghệ sỹ này, quá trình làm ra tác phẩm cũng gây hứng thú không kém gì, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả kết quả. Nguyễn Sơn tâm sự: “làm tranh kiểu này đầy khoái cảm như bị say, quên đi nắng nóng, mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn, mùi ô nhiễm…” và “cứ xong bức nào thì lại cuốn kỹ cất đi, đến khi nào cần đến mới giở ra”. Đây cũng là một điểm làm tôi ngưỡng mộ người họa sỹ này: Làm nghệ thuật trước hết là để giải phóng năng lượng sáng tạo cho bản thân, không phải vì mục đích tiền bạc hay cái gì đó cao siêu. Nghệ thuật thuần túy có thể xuất hiện ở những người nghệ sỹ như thế này.

VICAS Art Studio rất hân hạnh được đồng hành với kiến trúc sư- họa sỹ Nguyễn Sơn trong triển lãm cá nhân MA TRẬN.

Hà Nội ngày 12 tháng 9 năm 2020

TS. Bùi Quang Thắng

Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện