Triển Lãm: Nát Giỏ Còn Bờ Tre 2020

Thông tin từ ban tổ chức:

Khai mạc: 07/11/2020

Triển lãm: 09:00 – 21:00, 08/11 – 14/11/2020

Địa điểm: Gallery Hải An, Tầng 4, nhà sách Hải An, 2B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1,TP. Hồ Chí Minh.

------------

Người thợ dầu dùng chính chiếc rìu cũ từng chặt phá cây rừng ngày xưa, nay bằng một vài nhát cắt mỏng vừa đủ chuẩn xác cứa vào vết thương cũ của cây dầu, dùng lửa hơ vào vết thương đó, cây lập tức tiết ra thứ nhựa đùng đục, đóng vũng ngày đêm để rồi ba ngày sau, người thợ dầu lại lầm lũi đi gom múc và lấy về thứ dầu rái hảo hạng dùng để thắp sáng, chống thấm bảo vệ ghe thuyền.

Đó là cách mà những người thợ dầu rái khai thác dầu hàng trăm năm nay, cũng là cách mà rừng dầu rái còn tồn tại diệu kỳ khi nạn phá rừng nghiêm trọng diễn ra khắp nơi.

Ngày nay, nhu cầu dầu rái không còn nhiều vì các phụ phẩm chiết xuất từ dầu mỏ ưu việt tiện dụng hơn đã thay thế, thì rừng dầu cũng có nguy cơ bị biến mất một ngày không xa. Như các những bóng tre dần biến mất khỏi làng quê Việt Nam vậy. Thợ dầu rái Quảng Nam bao đời nay truyền nhau ngân nga một câu như sau: “Ai ơi đừng lấy thợ dầu Cái chưn (chân) chai ngắt cái đầu đen thui.” ( ca dao) Và đó cũng là một trong nhiều trải nghiệm mà nghệ sĩ Trung Nghĩa đã cùng trải qua cùng đội thợ già ở Quảng Nam, những lão ông này là những người làm đủ nghề để mưu sinh, họ đã từng là những người khai thác gỗ, thợ dầu rái, nông dân… mang trong mình những kĩ năng và sở trường nhất định về mây tre. Bằng sự tiếp cận kiên nhẫn, Trung Nghĩa đã thuyết phục các lão ông để cùng nhau họ ngồi xuống, bàn bạc, truyền cảm hứng cho nhau, dùng các vật liệu mây trong rừng dầu, tre gai gò cực bền và tốt, cứt trâu, đất sét, dầu rái… kết hợp lối xử lý truyền thống, cùng làm việc trong hơn ba năm để thành hình bộ tác phẩm mây tre đan kì công tỉ mỉ cho triễn lãm mang tên “Nát giỏ còn bờ tre”.

Trong các văn ngôn dẫn chứng và các phái sinh từ đời sống, câu “Nát giỏ còn bờ tre” có khi là “Nát giỏ còn tre”, ví dụ “Phận người nát giỏ còn tre/ Phận ta nát gỗ nhánh nè cũng không” – ca dao. Đôi khi còn có các dị bản như “Nát phên còn tre”, “Nát vỏ còn bờ tre”, “Nát giậu còn bờ tre”…, ví dụ “Giậu kia rách nát hãy còn bờ tre” – ca dao. Nhưng ở đây chúng tôi chọn câu “Nát giỏ còn bờ tre”.

Bộ ấn phẩm ART REPUBLIK và ấn phẩm của triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre’, cùng các tác phẩm sẽ được bày bán tại triễn lãm. Một phần tiền thu được sẽ được trích để xây dựng lại các khu vệ sinh trong các trường học, các đồ dùng học tập cho trẻ em vùng sâu vùng xa tại Quảng Nam.

Mời bạn đăng ký vào form để tham dự triển lãm miễn phí:

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.