Thông tin từ ban tổ chức:
10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy, 22/12/2022 – 04/02/2023
Đóng cửa các ngày lễ: 15:00 ngày 24/12, đóng cửa ngày 25 & 26/12 và từ 31/12 đến 02/01
29 – 31 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, TP HCM.
---------------------
Galerie Quynh hân hạnh được trưng bày triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng ‘Kìa non non, nước nước, mây mây’ tại một ngôi nhà có kiến trúc thuộc địa toạ lạc tại số 29 – 31 Tôn Thất Thiệp. Tồn tại từ thế kỷ XIX, ngôi nhà này từng là nhà khách của ngôi đền Hindu Sri Thendayuthapani nằm phía đối diện. Triển lãm này, tiếp nối triển lãm ‘Đối Cảnh’ của Hà Mạnh Thắng tại phòng tranh vào năm ngoái, mang đến 16 tác phẩm thể nghiệm thể hiện niềm say mê không ngừng của anh với tính vật chất, thời gian và những cuộc tái viếng lịch sử, di sản văn hoá.
Triển lãm mượn ý thơ trong bài ‘Hương Sơn Phong Cảnh Ca’ của Chu Mạnh Trinh — một danh sĩ thời nhà Nguyễn, miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên. Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng khi anh khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
Trong một lần đến tham quan Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, tác giả bắt gặp chiếc văn bia đá cổ có niên đại từ thời nhà Tuỳ (581 – 618). Bia đá, thông thường đóng vai trò đặc biệt trong việc ghi chép lịch sử, thường được do các danh sĩ có chữ viết đẹp khắc lên. Nó gánh theo sức nặng lịch sử văn hoá — những tính chất mà theo nghệ sĩ, giúp nó “sống sót, trường tồn theo thời gian với số phận của mình.” Hà Mạnh Thắng đã sử dụng phom dáng của chiếc văn bia cổ như một phản ánh về sự trường tồn và yếu tố phi thời gian cho các tác phẩm lần này.
Thay vì đá, “bia” của Thắng giờ đây được làm từ sự kết hợp giữa lụa, vải toan và sự phức hợp trong các vật liệu khác nhau để anh tạo nên tác phẩm. Tác giả nhìn chúng không chỉ là những chất liệu, mà dưới dạng những bề mặt thiên biến vạn hoá, tuỳ theo cách kết hợp các chất liệu được phủ lên trên. Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt sẽ thay đổi dựa trên sự chuyển động của ánh sáng trên bề mặt khi quan sát góc nhìn từ mặt sau. Mỗi tấm khung mica được xử lý mờ đi trên cả hai bề mặt, làm dịu đi nhiều sự hiện diện của lụa và đặc tính trong xuyên sáng của nó. Cách xử lý đó, theo sử gia nghệ thuật Nora Taylor quan sát, đã ‘hoá lụa thành đá’, làm người ta phải nhìn nhận lại bản chất kép của chất liệu này:
“Làm thế nào lụa có thể vừa trong suốt vừa mờ ảo? Vừa nhẹ như lông vũ, vừa trông nặng như đá? Bản chất kép của vũ trụ được bộc lộ như hai thế đối lập âm và dương. Tương đồng với Cung Thạch, tranh của Thắng mang đến cho chúng ta một cách khác để chiêm ngưỡng thế giới ở dạng vi mô.”
Từng tấm bia của Hà Mạnh Thắng gợi lên phong cảnh lấy cảm hứng từ những tứ thơ kinh điển thời Đường, thời Tống ở Trung Quốc, và thời Nguyễn ở Việt Nam cho tới nhà thơ giai đoạn cận đại là Tản Đà mà anh yêu thích. Hình ảnh trong thi ca cổ có tính ước lệ, thời gian và không gian đồng hiện với thời gian của người đọc. Các ý thơ trường tồn với sự xói mòn của thời gian. Với Thắng, chúng là những yếu tố được tồn tại như một dạng vật chất phi thời gian
Các tác phẩm nằm trong loạt ‘Đối Ảnh’, mang dáng vóc của điêu khắc và hàm chứa ý nghĩa như một hiện vật lịch sử. Khi đặt trên những chiếc bàn gỗ mô phỏng theo kiểu bàn truyền thống thời nhà Nguyễn, chúng biến không gian căn nhà cổ đường Tôn Thất Thiệp thành nơi đối thoại của di sản và nghệ thuật. ‘Kìa non non, nước nước, mây mây’ nằm trong loạt tác phẩm ‘Vòng tròn Thời gian’ (2016 — đang tiếp diễn) của anh, thể hiện sự gắn bó của Thắng trong việc khám phá sự trường tồn và tính phi thời gian trong nghệ thuật. Đó là nơi một tác phẩm có khả năng phản chiếu quá khứ, khơi gợi tâm trí và tiềm thức hoặc những ký ức đã tan biến.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.