Thông tin từ ban tổ chức:
Khai mạc: 17:00, Thứ Hai 28/02/2022
Triển lãm: 09:00 – 12:00 & 13:30 – 17:00, 28/02- 19/03/2022
Địa điểm: VICAS Art Studio, Sảnh nhà A, VICAS, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
---------------------------
Ở giữa thế kỷ trước, nghệ sỹ vĩ đại người Pháp Jean Dubuffet đã khám phá, sưu tầm và cổ súy cho một trường phái nghệ thuật đặc biệt, đó là “những tác phẩm được tạo ra từ sự đơn độc và từ những thôi thúc sáng tạo thuần túy và đích thực – nơi mà những lo lắng về cạnh tranh, sự hoan nghênh và sự thăng tiến của xã hội không can thiệp…”
Ông gọi đó là Art Brut (hay còn được gọi là Outsider Art), sau này trở thành một thuật ngữ chuyên dụng về một loại nghệ thuật thị giác mà theo định nghĩa ban đầu là:
1. Được sáng tạo bởi những con người có cấu trúc tâm thần khác biệt, nhẹ là những người trầm cảm, tự kỷ, nặng là mắc bệnh tâm thần
2. Những người này chưa bao giờ được học hoặc hướng dẫn về mỹ thuật, hay nói cách khác họ không cần học mà vẫn có thể biểu thị được những gì đang “chạy” trong não họ theo cơ chế nào đó (chụp ảnh, máy in hay phóng chiếu)
3. Họ nằm bên lề thị trường nghệ thuật (chưa bao giờ trực tiếp tham gia vào việc mua bán các tác phẩm của mình).
Có thể phân những người này thành 2 nhóm:
+ Nhóm 1 là nhóm hướng ngoại, họ làm tác phẩm theo cơ chế máy ảnh, chỉ nhìn sự vật một lần, lướt qua rồi nhớ và vẽ lại như máy in
+ Nhóm 2 là nhóm hướng nội: nhìn thấy những hình ảnh, chuyển động bên trong bản thân mình và phóng chiếu nó thành tác phẩm. Đa phần các tác phẩm art brut nổi tiếng được tuyển chọn ở nhóm này, cá nhân tôi cũng thấy nhóm này hay hơn vì nó cho chúng ta hiểu hơn thế giới khác với thế giới của chúng ta.
Tôi rất có ý thức đi tìm những nghệ sỹ Việt Nam của dòng nghệ thuật này và nếu có thể sẽ giúp họ làm những triển lãm mà tôi tin là sẽ rất bổ ích và thú vị. Thật may, tôi đã tìm thấy một tác giả mà tôi cho là hay của dòng nghệ thuật này. Đó là một cô gái xinh đẹp, có học thức (đang theo học khoa tiếng Ý, Đại học Hà Nội), nhưng có chút vấn đề về giao tiếp xã hội (khó khăn khi biểu thị suy nghĩ của mình bằng lời nói, e ngại tiếp xúc,…). Cô gái này chưa học vẽ bao giờ và tranh của cô ấy là những tác phẩm thuộc nhóm 2, tip người hướng nội.
Có thể nói 52 bức tranh trừu tượng trong triển lãm này là những bộc bạch nội tâm của cô gái trẻ này, chúng khá đa dạng về trạng thái tâm lý cũng như những cảm xúc tương ứng. Đó là sự phóng chiếu những trạng thái tâm lý bên trong của cô ấy: Sự lửng lơ, mơ hồ khi cảm nhận về thời gian, sự chênh vênh trong cảm nhận về không gian, những nỗi sợ hãi, căng thẳng, đôi khi là tuyệt vọng bị dồn nén, những trạng thái mờ giữa quá khứ và tương lai, sự rối loạn, cuồng loạn ngấm ngầm và những vết sẹo tinh thần, sự bất lực khi muốn điều gì đó mà không nói ra được, không làm được, và dĩ nhiên là cả những cảm xúc, trạng thái tích cực như yêu thương, phấn khích….v.v
Mỹ Linh vẽ trước hết là để giải tỏa những gì bị dồn nén bên trong, để đối thoại với chính mình và đó cũng có thể coi như một cách thức tự trị liệu tinh thần cho bản thân cô ấy. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc cô ấy muốn vẽ thế nào thì vẽ, bất kể các tiêu chí mỹ thuật đương thời ra sao. Các bức tranh của Mỹ Linh có chất lượng nghệ thuật cao, dù ở dạng thiên về các mảng màu hay dạng thiên về đường nét thì màu sắc được phối rất riêng biệt và điêu luyện, những tương tác màu trong tranh của cô ấy (dù gam màu lạnh lay nóng) luôn tạo ra được ấn tượng lấp lánh, lóe sáng. Điều này bất cứ họa sỹ trừu tượng chuyên nghiệp nào cũng có thể nhận thấy và vị nể.
Để phòng chống dịch Covid-19, các bạn nhớ tuân thủ nguyên tác 5K theo hướng dẫn của Bộ Y Tế khi tham gia triển lãm.
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.