Triển lãm: Thấu Cảm Hư Không

Nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày sinh đại danh hoạ Piet Mondrian và 110 năm lần đầu ra mắt nhóm Kỵ sĩ xanh (Der Blaue Reiter), Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) tổ chức trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng ở định dạng số từ ba hoạ sĩ kinh điển thuộc trường phái Trừu tượng: Piet Mondrian, Paul Klee và Wassily Kandinsky, với chủ đề “Thấu cảm hư không”.

Thông tin từ ban tổ chức:

Triển lãm: 10:00 – 21:00, (thứ ba đến chủ nhật)

Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), B1 – R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

------------------------------

Piet Mondrian (1872 – 1944) là nghệ sĩ người Hà Lan tiên phong về nghệ thuật trừu tượng, đã thử nghiệm nhiều phong cách từ chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Chấm điểm (Pointillism), chủ nghĩa Lập thể cho tới khi thành hình những tác phẩm trừu tượng hình học tối giản khắt khe nhất. Đồng sáng lập nhóm De Stijl (nghĩa là Phong cách trong tiếng Hà Lan), Mondrian đã mở rộng các nguyên tắc của trừu tượng và sự tối giản hoá từ hội hoạ và điêu khắc sang cả kiến Trúc, đồ hoạ và thiết kế công nghiệp. Từ Hà Lan tới Mỹ và sau này là khắp thế giới, Piet Mondrian được biết tới với những tác phẩm đặc trưng bởi những đường thẳng và những màu tối giản đỏ, vàng, đen. Trong triển lãm này, người xem sẽ lần lượt được chiêm ngưỡng sự biến đổi từ chủ nghĩa Chấm điểm trong tác phẩm “Hải đăng ở Westkapelle” (1909-1910) tới các thể nghiệm về bố cục trong thập niên 1910s và sau cùng là các tác phẩm danh tiếng nhất như “Bố cục II với màu Xanh, Đỏ và Vàng” (1930) hay series “Thành phố New York” những năm 1940s.

Song song với sự phát triển trường phái Tân Tạo hình – như cách Mondrian mô tả tác phẩm của mình ở Hà Lan, Wassily Kandinsky (hoạ sĩ người Nga, 1866 – 1944) và Paul Klee có nhiều điểm chung giữa sự biến đổi từ chủ nghĩa Biểu hiện, Lập thể và Siêu thực tới chủ nghĩa Trừu tượng. Năm 1911, Kandinsky thành lập nhóm Der Blaue Reiter (Kỵ sĩ xanh) và chính thức ra mắt ấn bản đầu tiên năm 1912, từ đó kêu gọi thêm nhiều thành viên trong đó có Paul Klee, trở thành hai trong số ít những nghệ sĩ đặt nền móng cho nghệ thuật trừu tượng. Nếu như Paul Klee có Những bài giảng Những viết lách về Hình thức và Lý thuyết thiết kế (Schriosystem zur Form und Gestaltungslehre), được xuất bản bằng tiếng Anh với tên gọi Paul Klee Notebooks, được coi là quan trọng đối với nghệ thuật hiện đại, thì tác phẩm “Về cái tinh thần trong nghệ thuật – On the Spiritual in Art của Kandinsky” được xuất bản tháng 12 năm 1911 và cho đến ngày nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm quan trọng về lý thuyết và triết học nghệ thuật. Trong khi các tác phẩm của Paul Klee dễ dàng nhận biết bởi những bản hình khối màu như “Ma thuật cá” (1925), “Lâu đài và mặt trời” (1928), “Phố chính và vỉa hè” (1929) thì Wassily Kandinsky lại lôi cuốn thị giác của người xem bởi hình học, màu sắc và những đường nét nội tâm linh hoạt, lúc nhẹ nhàng sâu sắc thuần tuý lúc chồng chất rợn ngợp tới choáng váng, có thể kể đến như “Bố cục VII” (1913), “Bức hoạ với chấm đỏ” (1914), hay “Cung bậc mừng vui” (1923) và “Trời xanh” (1940).

Lấy cảm hứng từ tên cuốn sách Seeing The Invisible – Thấu Cảm Hư Không của triết gia nổi tiếng người Pháp Michel Henry viết về tác phẩm của Wassily Kandinsky, trưng bày định dạng số “Thấu cảm hư không” lần này mang đến gần 80 tác phẩm hiển thị dưới dạng ảnh tĩnh và động chất lượng cao được trình chiếu trên nhiều thiết bị kĩ thuật số sẽ mang đến một cách tiếp cận và trải nghiệm mới mẻ cho người xem về nghệ thuật trừu tượng.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện