Một triển lãm về ánh sáng trong sơn mài truyền thống của họa sĩ NGUYỄN TUẤN CƯỜNG

Thông tin từ ban tổ chức:

Khai mạc / Opening: 15:00 thứ 5, 24/10/2024

Trưng bày / The show: 24/10 - 24/11/2024

Thời gian / Time: 10:00-18:00 | Monday-Sunday

Vào cửa tự do / Free entry.

Địa điểm: Art 30 Gallery, 30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

_________________

Đối với Nguyễn Tuấn Cường, đời sống của sơn mài gắn chặt với ánh sáng và bóng tối.

Ý thức này, với hoạ sĩ, không đến từ phía hàn lâm. Nó khởi điểm từ một tuổi thơ phụ việc sơn mài trong xưởng hoạ. Những tiếp xúc thẩm mỹ ban đầu vô cùng tự nhiên và trong trẻo này, theo thời gian, đã ngấm ngầm “đắc thế” trở thành một thứ “cội rễ” trong hành trình hội hoạ của hoạ sĩ.

Những thực hành sơn mài của Nguyễn Tuấn Cường trong nhiều năm qua, kể từ khi tốt nghiệp ĐH Mĩ thuật công nghiệp, đều hiển lộ các ám ảnh từ ánh sáng và bóng tối. Ta có thể đọc thấy rất rõ điều này, qua vài đề tài hiếm hoi mà hoạ sĩ theo đuổi đã rất lâu, như tĩnh vật góc bếp, tĩnh vật bát cổ, phong cảnh Hà Giang, hay gần đây nhất là tĩnh vật đèn dầu. Tất cả những đối tượng mà hoạ sĩ thể hiện trong tranh đều được đặt trong tham chiếu của sáng – tối. Ánh sáng không chỉ đến từ mảng sáng, mà còn đến từ cả mảng tối, là một trong những lợi thế đặc thù của chất liệu sơn mài. Kĩ thuật lót vàng dưới nền sơn ta đã giúp sức cho mảng tối cũng toả sáng, và cũng giúp hoạ sĩ rộng cửa hơn trong việc điều tiết sắc độ của mảng sáng. Sắc âm của sơn ta quyện với sắc trầm của hoạ sĩ, khiến cho tranh của anh luôn vương vấn nét hoài hương và tính cổ điển.

TRĂNG CỐ QUẬN là khởi đầu cho một đề tài mới của Nguyễn Tuấn Cường. Sau 25 năm thể hiện ánh sáng dưới sắc âm của mảng tối, hoạ sĩ đã bứt mình ra, thể nghiệm thứ ánh sáng của mảng sáng. Ánh sáng của trăng, của đèn, của hoàng hôn hay bình minh, thậm chí là của sương sớm và của mưa đêm trong series này, đều là mối bận tâm duy nhất của Tuấn Cường. Những lớp sơn ta mỏng mảnh chồng lấp khiến bước chuyển sắc độ đạt mức vi tế, và kiến tạo những hiệu ứng động của màu theo góc mắt người xem. Tuấn Cường vẽ chậm, vẽ mỏng, cho dù có vẽ mảng sáng thì mảng sáng đó cũng đều mang sắc âm, như là sự hắt bóng của những nguồn sáng ngoài tranh mang lại. Vận động này giữ tính chủ đạo trong mạch sáng tác của hoạ sĩ.

Từ những tĩnh vật nhỏ bé như đèn dầu, bát cổ, quả thị quả na, Tuấn Cường dần bước ra với những phong cảnh đã bắt đầu mang dáng dấp của đại tự sự. Tính đối thoại cũng vì thế mà vượt ra khỏi những lời thầm thĩ cá nhân, bắt đầu tiệm cận với những câu chuyện đại cục hơn trong sự va đập giữa cảnh vật và ánh sáng, giữa ánh sáng và bóng tối. Những đụng chạm âm thầm này đã hoàn thành được sứ mệnh “người kể chuyện” của mình, để kể về những cảnh sắc hoài hương, để cảm nhận thời gian từ chốn cũ, và cũng để nhắc tới những đối thoại bấy lâu nay giữa truyền thống và đương đại trong sơn mài. Ánh trăng đêm xanh lơ trong Nỗi Nhớ Phật Tích, ánh sương vụ vàng vọt trong Trên Đỉnh Non Yên, và ánh mưa đêm liêu trai trong Lạc Thuỷ như là sự hoài vọng về những niềm tín ngưỡng linh thiêng, về sự chở che vỗ về của những bề trên cao xanh đối với ngàn vạn cuộc đời người bé mọn ở chốn nhân gian này. Cũng ở đây, tính đương đại trong bút pháp được bày tỏ bằng cách xử lý màu sắc và ánh sáng: bình minh bừng cháy trong Giấc Mơ Đại Việt, bóng tối tụng ca trong Trước Cửa và Sau Thềm, màu sắc hợp lưu trong Đỏ Xanh Và Vàng. Dù chạm đến vấn đề bút pháp to tát nhưng series này vẫn khá nhẹ nhõm và nhiều cảm xúc, có lẽ là bởi cá nhân hoạ sĩ chưa từng cố gắng “đặt vấn đề”, anh ta chỉ đang bộc lộ những trầm tích mà cuộc đời thuần nhất sơn mài của anh ta mang đến. TRĂNG CỐ QUẬN, bởi thế, không chỉ là ánh sáng và bóng tối, mà còn là suy tư trầm mặc của một hoạ sĩ sơn mài.

Trân trọng giới thiệu!

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.