Triển lãm tranh ALO 1981 của nhóm 7 họa sĩ cùng sinh năm "con gà"

Triển lãm Tranh “Alo 1981” là triển lãm nhóm của 7 họa sĩ cùng sinh năm 1981: Bùi Hoàng Dương, Chu Viết Cường, Lê Minh Đức, Nguyễn Thùy Dương, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Tuấn Tú và Vương Duy Khoái. Những họa sĩ này với 7 phong cách biểu đạt, cách thể hiện khác nhau nhưng cùng chung một đam mê nghệ thuật và đều hướng đến hành trình phấn đấu không ngừng nghỉ trong nghệ thuật đã tìm được tiếng nói chung và khẳng định được mình trong triển lãm ALO 1981. Triển lãm ALO 1981 độc đáo cũng vì thế, triển lãm được rất nhiều các nghệ sĩ đồng nghiệp đến tham dự và mong chờ sự xuất hiện các tác phẩm của 7 họa sĩ tài năng trong triển lãm. 

 Triển lãm là sự hội tụ của 7 gương mặt họa sĩ tài năng cùng sinh năm 1981 

 

Không gian trưng bày triển lãm 

Họa sĩ Chu Viết Cường say mê với đề tài phong cảnh và chuyên thể hiện trên bề mặt sơn mài. Anh chia sẻ những ngày tháng sinh viên gắn bó với sơn mài truyền thống là nguồn cảm hứng lớn lao để anh thể hiện đề tài thiên nhiên, phong cảnh thơ mộng, hoang sơ, bình dị nhưng lại vô cùng lôi cuốn, làm đầy vẻ hung vĩ và ngoạn mục của cảnh vật.

 

 

Họa sĩ Bùi Hoàng Dương là một điểm sáng của hội họa đương đại Việt khi anh trung thành với đề tài tín ngưỡng, tâm linh trong văn hóa của người Việt. Trong triển lãm lần này, họa sĩ Bùi Hoàng Dương đã lấy cảm hứng trên sử thi Đẻ Đất Để Nước của người Mường để sáng tác nên những tác phẩm về đề tài mà họa sĩ yêu thích và theo đuổi. Họa sĩ từng chia sẻ: “ Việc sử dụng các kí tự trên tranh đều mang tính tượng trưng cho sự việc đó. Bản chất của bùa chú không phải ở hại người mà nó chính là những phương pháp cầu bình an”.

Với họa sĩ Nguyễn Thùy Dương, anh tìm thấy nét đồng điệu khi đắm mình vào những mảng màu mạnh mẽ, thể hiện nỗi trăn trở, suy tư và giàu chất suy tưởng về thân phận cũng như cuộc sống của mỗi cá nhân đứng giữa những giằng xé và lựa chọn.

Họa sĩ Vương Duy Khoái, người có cái nhìn trực quan và chịu ảnh hưởng nhiều bởi vạn vật xung quanh khi anh cảm nhận được sự hút nhau và định luật vạn vật hấp dẫn. Anh quan tâm đến đời sống xung quanh mỗi cá thể, điều này tạo nên sức cuốn hút khó chối từ trong những họa phẩm của anh: “Khi tôi đi qua một dòng sông bị ô nhiễm có những xác cá chết thối và những con cá đang vật vờ giữa sự sống và cái chết, tôi đã liên tưởng đến con người. Cuộc sống thật ngắn ngủi nếu ta không có ý thức và chỉ chứa đựng lòng tham lam, ích kỷ… thì ta khác chi đời cá đang thoi thóp trên dòng sông chết kia đâu.”

 

Họa sĩ Lê Minh Đức  đem đến cho triển lãm những sắc màu vô cùng đặc sắc và đặc biệt với những sản phẩm gốm. Anh đem đến cho triển lãm một sự cân bằng về thị giác khi đưa vào những tác phẩm được xếp đặt trên chất liệu gốm. Họa sĩ có thiên hướng để người xem tự cảm nhận và tự quyết định cho số phận tác phẩm như những gì nó vốn là.

 “Khi tôi hoàn thành xong một tác phẩm thì tác phẩm ấy đã tự thân có tiếng nói, và khi ấy chính tôi cũng là người thưởng ngoạn nó, suy nghĩ về nó một cách không mặc định như lúc đầu nữa”.

Còn với Nguyễn Thế Hùng, anh thực hành và khám phá chất liệu sơn mài trên toan trong nhiều năm. Anh đem đến những chiêm nghiệm đậm tính nhân sinh: “Bạn đã bao giờ tự hỏi, một cái cây lớn lên như thế nào ? Chúng được sinh ra từ những hạt giống bay trong không khí, nơi đất ẩm, chúng nảy mầm và phát triển nhờ có ánh sáng ấm áp của mặt trời, chất dinh dưỡng từ đất và nước, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, chúng lớn lên và phát triển với bộ rễ ăn sâu, thân lớn dần với cành to và đầy các lớp hoa trái… Tôi vẽ và phát triển những bức tranh của mình theo thời gian với những trải nghiệm, thay đổi của bản thân từ cảm xúc đến tâm sinh lý.”

 

Cuối cùng là Phạm Tuấn Tú, theo anh “Nơi đây, những bông hoa đua nở, cuộc sống mới như bắt đầu bắt đầu. Bản thể vốn rời rạc theo cảm xúc mùa, mỗi mùa một trạng thái thay đổi không giống nhau, nhưng tạo lên cung bậc của cuộc đời. Mong một mùa hoa của cuộc sống nở rộ, cùng lúc, về ngày mai có được Mùa tốt đẹp cho đời mình”.

Bảy chàng hoạ sĩ cùng sinh năm 1981, với bảy chất liệu và bảy phong cách đem đến những tác phẩm mới nhất của mình vào một ngày cuối thu rực rỡ như lời tâm tình và khẳng định sự nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường nghệ thuật. 

-------

Thông tin từ BTC:

Khai mạc triển lãm: 17h ngày 25/11/2022

Mở cửa hàng ngày: Từ 25/11 – 30/11/2022

Địa điểm: Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội

Triển lãm mở cửa tự do cho công chúng