Triển lãm tranh sơn mài: “Ẩn – Mài, Ẩn sắc màu và Mài ký ức” của họa sĩ Nguyễn Huy Hùng - Cuộc phiêu lưu nho nhỏ của nghệ thuật sơn mài truyền thống

Ngày 24/12 (Thứ 7) tại Số 1, ngõ 52 Tô Ngọc Vân (Vuông tròn Café), Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Huy Hùng  sẽ tổ chức triển lãm "Ẩn - Mài, Ẩn sắc màu và Mài ký ức", nhằm giới thiệu những tác phẩm sơn mài truyền thống tới những người yêu cái đẹp quan tâm tới nghệ thuật truyền thống này.

 

Triển lãm dự kiến sẽ được tổ chức vào thời gian và địa điểm như sau:

Thời gian: Lễ khai mạc bắt đầu lúc 10h30 sáng ngày 24/12/2022 (Thứ 7). Thời gian tiếp khách thưởng tranh kéo dài đến 16h30 chiều cùng ngày

Địa điểm: Tầng 2, số 1 ngõ 52 Tô Ngọc Vân, Hà Nội (Vuông Tròn Cafe)

Sự kiện mở cửa tự do cho công chúng

Bên cạnh những khoảnh khắc thưởng thức nghệ thuật, khách tham dự và yêu thích những tác phẩm hội họa này hoàn toàn có thể sở hữu tranh ngay trong sự kiện, với nhiều mục đích đa dạng như trang trí gia đình & văn phòng nhân dịp Tết nguyên đán đang tới gần, hoặc làm món quà ý nghĩa và tinh tế dành tặng bạn bè, người thân dịp cuối năm.

Quý bạn quan tâm và mong muốn tham dự triển lãm, xin vui lòng đăng ký trong đường link bên dưới:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSd59Q0rRncprV8OUp51_Usj0EukwkGBl6rUzlTGQH7vEu_45g/viewform

 ---

Về họa sĩ Nguyễn Huy Hùng và triển lãm tranh sơn mài

Người ta thường hay nghĩ về sơn mài như một loại hình truyền thống, kiên nhẫn và... đắt đỏ.

Nói như vậy là bởi tranh sơn mài có giá rất đắt do nguyên vật liệu quý (màu đỏ làm từ chu sa, thần sa; màu xanh gạn từ đá ngọc, lại thêm vàng bạc lá...)

Ngoài ra sơn mài cũng là thú chơi dành cho những họa sĩ kiên nhẫn bởi quả thật tốn không ít công phu mới tạo ra được những tầng tầng lớp lớp màu sắc kỳ ảo lấp lánh tinh túy trời đất tụ cả trong một bức tranh bé nhỏ.

Tranh Nguyễn Huy Hùng có phố thị phồn hoa đầu thế kỷ hai mươi, có làng quê Bắc bộ thanh bình dân dã, có hoa sen thanh khiết khiêm nhường, có nụ cười từ bi Phật Tổ...

Chủ đề đa dạng nhưng dễ thấy một điểm chung cho tất cả: sự truyền thống và hiện đại đan xen.

Truyền thống đằm thắm trong ký ức Hà Nội những mùa xuân xưa cũ ríu rít thiếu nữ áo dài, quê nhà có cầu ao mẹ tảo tần gánh nước và cánh cổng làng cổ kính rêu phong. Anh gìn giữ những giá trị ngàn đời đang có nguy cơ mai một trước sự vần xoay. Rồi mai đây, nhà tầng, xe hơi... hiện đại sẽ xóa bỏ nhà tranh, cổng làng, con trâu, bờ ao... Người họa sĩ vẫn sẽ lưu giữ hồn quê bao đời cho mai hậu trước sự xoá bỏ lạnh lùng của hiện đại, bằng chính những hình thức nghệ thuật dân gian quê kiểng nhất của xứ mình – sơn mài truyền thống.

Còn hơi thở hiện đại hiển hiện qua việc họa sĩ không quá chú tâm vào phô kỹ thuật (như phong cách chung sơn mài). Anh vẽ chỉ là vẽ, vẽ để thể hiện cảm xúc và lưu giữ vào trong tranh những vẻ đẹp vốn mong manh.

Nguyễn Huy Hùng cũng không quá chuộng sắc màu trầm mặc điển hình sơn mài, mà thoải mái đẩy đưa màu sắc, tạo tác cho tranh ánh lung linh lấp lánh ẩn hiện, không phô trương nhưng hút mắt người nhìn, tựa như một vẻ đẹp phảng phất mơ hồ, chẳng rực rỡ nao lòng nhưng lại duyên quá đỗi.

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”

Trong kí ức của những người con xa quê, hẳn sẽ còn vương vấn những mảnh kí ức ẩn khuất nào đó về những ngày xửa, ngày xưa, thời xa xôi lắm về nơi “chôn rau cắt rốn”. Đó là dáng hình tần tảo của bà những ngày đi chợ, ta ngóng bà, ngóng mẹ với những đồng quà, tấm bánh. Là dáng mẹ liêu xiêu, mồ hôi lấm tấm những trưa hè cấy lúa cho kịp mùa vụ. Là cánh đồng, con trâu, triền đê đầy nắng và gió. Ngày xa vắng ấy dường như mới chỉ hôm qua đấy thôi, bởi vẹn nguyên trong kí ức nó vẫn là những ngày tháng tươi đẹp, hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ.

Dòng thời gian cứ mải miết trôi, con người rồi cũng sẽ rời bỏ chốn thôn quê ấy để đến với phố thị phồn hoa, để rồi đánh mất quê hương ngay cả khi đứng trên mảnh đất quê hương. Xa quê, người ta sẽ càng thấm thía quê mình là chốn bình yên, thanh sạch, còn ở bất cứ đâu, ta chỉ là kẻ lữ khách nơi “quê người đắng khói, quê người cay men…”.

 

Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Huy Hùng là những câu chuyện mà anh gửi gắm ở chốn thôn quê những ngày xưa cũ, nơi chân chất của những chiếc khăn mỏ quạ, cái quần nái đen. Nơi mà ta  đặt một chiếc vé về tuổi thơ tìm lại những mảnh kí ức đã chẳng một lần trở lại. Nó đẹp đẽ và trong trẻo biết nhường nào…

"Chợ huyện một tháng sáu phiên

Gặp cô hàng xén kết duyên Châu, Trần ."

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấy quen thuộc với câu ca dao tả cô hàng xén trên. Thật vậy, hình ảnh cô hàng xén với chiếc gánh kẽo kẹt rong ruổi trong những buổi chợ phiên không phải là hình ảnh xa lạ khi viết về người phụ nữ Việt Nam. Đối với họa sĩ Nguyễn Huy Hùng hình ảnh những người phụ nữ tả tần, lam lũ vẫn luôn là những dáng hình quen thuộc.

Trong sáng tác của họa sĩ, những người người phụ nữ thôn quê luôn được trân trọng, nâng niu với nét đẹp mang những vất vả thường nhật. Họa sĩ vẽ về người phụ nữ với tất cả tấm lòng, ca ngợi họ bằng những ngôn từ bình dị nhất của “ngôn ngữ sơn mài” đó là màu sắc, đường nét và hình ảnh. Những tác phẩm của anh hiện lên dung dị, mộc mạc, đẹp một cách sáng trong như chính đức hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ, như chính những "cô hàng xén" trong tác phẩm. Đó là những góc chợ quê, nơi những người phụ nữ “lặn lội thân cò”, “năm nắng mười mưa chẳng quản công” với những hàng vịt, hàng nón…

 Để nét đẹp xưa vương bóng trong bức chân dung người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, họa sĩ Nguyễn Huy Hùng đã vẽ trong lòng ta những giọt nắng trong trẻo, ấm áp trong cuộc đời đầy những vất vả, lo toan của họ. Quả thực "Một người nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ".

Ẩn - Mài là cuộc mời trà của họa sĩ với những người yêu nghệ thuật, kính mời tất cả những người yêu và muốn thưởng thức nghệ thuật, nói chuyện về nghệ thuật trong một ngày đông có nắng.

Xem thêm thông tin tại trang sự kiện