Triển lãm “Trong nhà, ngoài phố”

Bạn có tò mò rằng những điều nhỏ bé nào làm nên “đặc sản” của Hà Nội? VFCD mời bạn ghé thăm một thủ đô “thu nhỏ” trong không gian triển lãm mang đậm chất văn hoá, lịch sử như “Trong Nhà Ngoài Phố”.

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 09:00 – 20:00, 07 – 13/11/2022

Địa điểm: Complex 01, 29 Ngách 31 Ng. 167 P. Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội.

Cách thức tham gia: Mở cửa tự do

---------------------

“Trong Nhà Ngoài Phố” là triển lãm do nhóm sinh viên ngành Thiết kế Ứng dụng Sáng tạo của Đại học RMIT thực hiện. Được tổ chức với sự đóng góp của 06 sinh viên với các chủ đề và phong cách nghệ thuật khác nhau, triển lãm mong muốn sẽ đưa đến cho người tham gia các góc nhìn vừa đa chiều vừa có sự gắn kết vô cùng mạnh mẽ về lịch sử, văn hóa, về con người và thành phố Hà Nội.

Dưới đây là danh sách các tác phẩm sẽ góp mặt trong triển lãm:

– Tác phẩm 1: Với “Giao” mang nghĩa “giao thoa” và “giao nhau”, dự án Giao mong muốn mang đến cho thế hệ trẻ cũng như những người du lịch một góc nhìn khác về cuộc sống ở phố cổ Hà Nội, trong những con ngõ nhỏ bé, bên cạnh vẻ nhộn nhịp vẫn luôn được biết đến như một “đặc sản” của Hà Nội. Ở đó, những ngôi nhà, con ngõ của quá khứ giao với lớp người của thời đại mới, ngay trên điểm giao nhau của những con đường nhỏ.

– Tác phẩm 2: “Hình ảnh những người bán hoa rong có phải đã trở nên quá đỗi quen thuộc đến mức chúng ta dễ dàng bỏ qua khỏi tầm mắt?”

Xuất phát điểm với câu hỏi ấy, “Vườn” là sự kiện hướng đến hình ảnh mộc mạc của những người bán hoa rong – những người tô điểm Hà Nội với đa dạng sắc màu từ chính “khu vườn di động” sau lưng họ xuyên suốt quá trình phát triển nhiều thăng trầm của thành phố. Bên cạnh mong muốn nâng cao nhận thức về tầng lớp lao động chân tay nói chung và những người bán hoa rong nói riêng, tác giả hy vọng sự kiện có thể khiến những người tham gia ít nhiều từng bước chú ý hơn đến những nét đẹp bình dị giản đơn đã “tô màu” cho cuộc sống thường ngày của chính mình.

– Tác phẩm 3: Khu tập thể, đối với nhiều người, không chỉ là một chứng nhân lịch sử hay một dấu ấn kiến trúc của thời đại mà còn mang trong mình những ký ức đẹp đẽ. Chính vì thế, dự án “Tập Thể” ra đời với mong muốn tái hiện và giới thiệu những câu chuyện về khu tập thể, tạo nên một “vùng đất ký ức” để người xem có thể đắm mình và khám phá.

Không chỉ đơn thuần kể lại những câu chuyện, tác giả hy vọng dự án cũng là dịp để công chúng, đặc biệt là giới trẻ, hiểu rõ hơn về cuộc sống đằng sau những bức tường vàng của khu tập thể, từ đó sẽ dần chú ý hơn đến một nét văn hóa, một lối sống đang dần biến mất.

– Tác phẩm 4: Lấy cảm hứng từ Trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, “Kho báu quốc gia” là dự án số hóa các báu vật của Việt Nam qua các triều đại nhằm kêu gọi những con người đam mê với bảo tồn văn hóa và những người muốn đầu tư vào thị trường tài sản số để đầu tư vào quỹ dự án của Bảo tàng thông qua việc trao đổi mua bán các vật phẩm được số hóa. Mục tiêu của dự án chính là giúp đỡ Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thể hoạt động độc lập mà không cần sự trợ giúp về kinh tế từ bất cứ tổ chức tư nhân hay tổ chức Chính phủ nào, từ đó Bảo tàng dễ dàng triển khai các dự án trong tương lai và giúp công cuộc gìn giữ lịch sử Việt Nam càng thêm lớn mạnh.

– Tác phẩm 5: Dự án Mời đem đến trải nghiệm sự tinh túy trong văn hoá ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà nội nói riêng nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống và từ đó nâng cao nhận thức của mọi người về văn hoá ẩm thực trong đời sống hiện đại.

– Tác phẩm 6: ‘Chơi Cờ’ là một sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp của văn hóa Cờ Vỉa (cờ tướng vỉa hè). Ngoài ra, sự kiện có mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự bền vững của những hoạt động đường phố tích cực tại thành phố Hà Nội.

Qua việc tập trung vào thú vui cờ Tướng độc đáo của thủ đô, sự kiện ‘Chơi Cờ’ mong muốn mang văn hóa Cờ Vỉa đến gần hơn với thế hệ trẻ, đồng thời tổ chức một sân chơi bổ ích nơi người tham gia có thể trải nghiệm những hoạt động tương tác thú vị và có góc nhìn chi tiết hơn về giá trị của những văn hóa đương đại đối với cộng đồng và thành phố Hà Nội.

– Tác phẩm 7: Nhắc đến Hà Nội thì phải nhắc đến Hồ Gươm. Nơi mang bao giá trị lịch sử, văn hóa, nơi gắn liền với con người Hà Nội

Lấy cảm hứng từ sự tích gắn liền với tên gọi của hồ, “Tích Trả Gươm”. Thông qua dự án “Huyền Thoại Trả Gươm” chúng tôi mong muốn tái hiện lại câu chuyện thần thoại ấy bằng sự trợ giúp của công nghệ hiện đại. Giúp tất cả chúng ta hình dung được câu truyện nổi tiếng vẫn được truyền miệng bao đời nay

Bên cạnh mong muốn tái hiện lại “Tích Trả Gươm”. Đây cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu với công chúng, đặc biệt là giới trẻ về một cách tìm hiểu, cách tiếp cận mới mẻ và thú vị hơn với lịch sử. Hay xa hơn là kêu gọi sự sáng tạo đến từ biện pháp giáo dục, góp phần làm cho lịch sử nước nhà dễ tiếp cận hơn, thú vị hơn với thế hệ trẻ.

Sự kiện thuộc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2022 do Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng tổ chức phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Việt Nam, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, bảo trợ truyền thông bởi Hanoi Grapevine.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.