Triển lãm: “trông thật khác, nhìn thực giống”

Triển lãm: “trông thật khác, nhìn thực giống” - 10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy 14/08 – 03/10/2020

>>>Xem thêm: Giải trí với Ticketgo Youtube channel

 

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy 14/08 – 03/10/2020

Địa điểm: Galerie Quynh Contemporary Art, 118 Nguyễn Văn Thủ, Dakao, Quận 1, TP. HCM

Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu trông thật khác, nhìn thực giống – triển lãm cá nhân của Ngô Đình Bảo Châu, với Arlette Quỳnh-Anh Trần là curator. Triển lãm trưng bày các tác phẩm tham vọng nhất từ trước tới nay của Bảo Châu, và đánh dấu chặng đường kéo dài 5 năm nghệ sĩ suy tư và nghiên cứu về sự sao chép–lặp lại biểu tượng và hình ảnh, nơi giao điểm giữa cái chung và cái riêng, và cách chúng ảnh hưởng tới ký ức tập thể.

trông thật khác, nhìn thực giống tìm hiểu cách không gian công cộng len lỏi vào chốn riêng tư: cách mà uy thế của tượng đài, cùng lý tưởng mà chúng đại diện, thấm nhuần vào căn nhà và nương náu trên thói quen thường nhật. Trong không gian nhà vừa thân thuộc vừa xa lạ của Ngô Đình Bảo Châu là bóng hình của tượng đài và dấu tích của khẩu hiệu: những thứ thuộc về công cộng lẩn trốn vào nơi trú ngụ. Tồn tại ở vùng chồng lẫn giữa cái công cộng và cái riêng tư, bộ tác phẩm sắp đặt của cô – tạo dựng theo những món đồ nội thất trong nhà – làm xáo trộn tính đối ngẫu giữa cái công khai biểu lộ ngoài và cái kín đáo trong. Như Gaston Bachelard chiêm nghiệm trong The Poetics of Space (tạm dịch: Thi học Không gian) rằng “bên ngoài và bên trong đều gần gũi” (tiếng Anh: outside and inside are both intimate), trông thật khác, nhìn thực giống mường tượng một không gian nơi cái kín và cái mở đan xen, phụ thuộc lẫn nhau.

Khi đặt những khái niệm về tượng đài vào ngôi nhà, rồi chế tác căn nhà đó trong phòng tranh, tác phẩm của Ngô Đình Bảo Châu phân bố tự do trong không gian vừa thầm kín vừa cởi mở. Khi nghệ sĩ hình thể hoá không gian mơ hồ này, cô cũng đang hồi tưởng về những ký ức thơ ấu lớn lên cùng các thói quen và nghi thức gắn liền với sự hiện hữu lấn át của các tượng đài và di tích. Trong tác phẩm Sĩ số 40, chiếc bóng của cậu học sinh đang chào cờ được in khắc gỗ lặp lại nhiều lần trên các miếng giấy dán tường; nghi thức chào cờ trang nghiêm, mà đối với cậu học sinh cũng thường nhật như việc làm bài về nhà. Cũng như vậy, trong Ngôi sao sa, tác phẩm nhựa resin dường như gợi lại hình ảnh phố phường tràn ngập đèn ông sao vào dịp Trung Thu. Hình tượng ngôi sao quen thuộc cũng được lặp lại trong trong các tác phẩm khác, tuy đã bị làm mờ đi, vẫn tiềm tàng sức biểu đạt mãnh liệt. Khẩu hiệu, biểu ngữ, cột cờ và tượng đài, dù phổ biến ở khắp mọi nơi song lại trở nên vô hình (nhưng không có nghĩa là mắt thường không thấy được). Thay vào đó, chúng ăn sâu vào tiềm thức, làm thay đổi ký ức, và tiếp tế cho trí tưởng tượng của Ngô Đình Bảo Châu.

Bộ tác phẩm được trưng bày tại triển lãm dày đặc chi tiết, phản ánh sự bất định khi nhớ lại quá khứ. Trong khi một số hình ảnh đã trở nên mờ nhạt và trừu tượng, những chi tiết khác được bổ sung một cách vô thức, rồi trong guồng quay trùng lặp của trí nhớ càng trở nên rõ nét hơn. trông thật khác, nhìn thực giống là ngôi nhà của ký ức, nhưng việc vật chất hoá ký ức lại phản ánh cuộc sống hiện thực, và ảnh hưởng tới tương lai. Di chuyển trong không gian triển lãm, nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật trong từng phòng trưng bày, người xem khám phá thứ mà Bachelard gọi là “những hành lang của tâm trí” (“hallways of the mind”) – những mảng khuất trong tiềm thức được Ngô Đình Bảo Châu phô bày để người xem ngụ tại.

Về Ngô Đình Bảo Châu

Từ lúc bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật, Ngô Đình Bảo Châu đã làm việc với nhiều chất liệu từ chiếu, thép, bê tông, tới trúc chỉ, một vật liệu giấy mới lạ được làm từ bột nhuyễn của tre, bắp, hoặc bèo. Thực hành của cô xoay quanh các nghiên cứu về cuộc sống đương đại Việt Nam; cô tái định vị nhiều vật phẩm và hình ảnh với mục đích khai thác tính đối ngẫu và những căng thẳng trong xã hội. Trong bộ tác phẩm mới nhất, Ngô Đình Bảo Châu sử dụng biểu tượng như một phần của ký ức tập thể, và đặt chúng vào không gian nhà vô thực. Qua các tác phẩm sắp đặt đa phương tiện, nghệ sĩ truyền tải sức mạnh của phép lặp, và khám phá những tương quan giữa cái công cộng và cái riêng tư.

Ngô Đình Bảo Châu (sinh năm 1986, Đồng Tháp) sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, bao gồm Tơ sáng, Sàn Art Productions x Phương My, TP.HCM; Cục Im Lặng, SECC, TP.HCM; Biển nhớ, The Mistake Room, Los Angeles, CA, Hoa Kỳ; Người (được) Ngắm, Sàn Art, TP.HCM; Nàng, Sweet ‘Art, London, Vương quốc Anh, sau đó triển lãm tại Little Pink Monster Gallery, TX, Hoa Kỳ; Body Bouquet, Welch School Galleries, Atlanta, GA, Hoa Kỳ; Trên trời rơi xuống, Sao La, TP.HCM; và Chị Tôi, Sàn Art, TP.HCM. Năm 2018 cô tham gia chương trình apexart Fellowship ở New York, Hoa Kỳ, và năm 2010 cô là nghệ sĩ lưu trú tại 943 Studio, Côn Minh, Trung Quốc. Năm 2016 cô được trao tặng Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch–Việt Nam cho dự án Open Room – một sự kiện mở xưởng với nghệ sĩ Cam Xanh, Đỗ Nguyễn Lập Xuân, Kim Duy, và Đào Tùng.

Ngô Đình Bảo Châu sinh sống và làm việc giữa Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về Galerie Quynh

Được nhìn nhận là phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quynh đã giúp thúc đẩy thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ. Phòng tranh được biết đến ở tầm quốc tế qua những chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục. Song song việc hợp tác chặt chẽ với một nhóm nghệ sĩ chọn lọc – từ những nghệ sĩ đã thành danh, những người đang trong giai đoạn phát triển, hay những nghệ sĩ mới nổi – phòng tranh còn trưng bày tác phẩm của nhiều nghệ sĩ có tên tuổi trên khắp thế giới. Với mục đích khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, phòng tranh hợp tác với các nghệ sĩ và nhà giám tuyển, và những không gian và địa điểm trong nước và trên quốc tế để tổ chức những buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như phát hành nhiều ấn phẩm bằng hai ngôn ngữ Anh, Việt. Vào tháng 5 năm 2014, Galerie Quynh thành lập Sao La, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về giáo dục nghệ thuật. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ sĩ đang làm việc tại Đà Lạt là Nguyễn Kim Tố Lan và Nguyễn Đức Đạt, Sao La hiện tại bao gồm những nghệ sĩ trẻ với sự đam mê sáng tạo đa dạng, làm việc cùng nhau như một tập thể.

Một chương mới mở ra vào tháng 12 năm 2017 khi Galerie Quynh ra mắt không gian mới rộng 600m2 tại khu Đa Kao, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trải rộng bốn tầng, không gian này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam, tạo điều kiện thực hiện những chương trình ngày càng tham vọng và tầm cỡ.