Triển lãm tranh "Trừu tượng ý niệm và biểu hiện: Trần Đán và Trần Hải Minh" bộc lộ hai tâm thái, hai phong cách, hai cảm hứng từ hai hoạ sĩ, một từ Mỹ và một từ Việt Nam. Hoạ sĩ Trần Đán, qua những phối hình tối giản, hình học, chứa nhiều ý niệm, khơi dậy thế giới đầy đối nghịch và phù du của chúng ta dưới những thể hiện vật chất, cảm xúc hoặc ý tưởng, trong khi hoạ sĩ Trần Hải Minh phô diễn sức mạnh thị giác của cảm xúc qua những bức tranh khổ lớn tràn đầy năng lượng của màu sắc và bút lực.
Sự chồng chập của các đối nghịch
Trong loạt tranh này tôi muốn làm hiển lộ tính chất phổ quát nhất của các mối liên hệ trong 3 thế giới - vật chất, cảm xúc và tư tưởng. Tính chất đó theo tôi là tính bất ổn giữa các thuộc tính đối nghịch, đưa đến trạng thái chao đảo giữa cân bằng và hỗn loạn.
Trong thế giới vật chất, gần đây nhất, những khám phá về vật lý lượng tử đã phủ bác cái thế giới tỏ tưởng trước đó, và phát hiện một thế giới vô cùng bất định, một thế giới mà một vật thể có thể cùng lúc có vô số bản thể khác nhau (ví dụ hạt và sóng) và hiện hữu cùng lúc ở vô số nơi - trạng thái mà vật lý lượng tử gọi là trạng thái "chồng chập"; và nhà vật lý trẻ tuổi Mỹ Hugh Everett gọi là “đa thế giới“. Chính điều này từng làm nhà vật lý Einstein không tin và phải sửng sốt thốt lên "Thượng đế không bao giờ chơi trò xúc xắc với vũ trụ”, khiến ông đã bị một lãnh tụ phe lượng tử Niels Bohr biếm nhạo “Đừng bao giờ bảo Thượng Đế được hay không được làm gì.”
Do đó tranh của Trần Đán hiển thị những vật thể ở tư thế chênh vênh, chao đảo, nhập nhằng - một hình chữ nhật nằm cheo leo trên đỉnh một hình tam giác, những hình tròn “cưỡi” hình sóng, hay trong hình chữ nhật phôi thai hình tam giác và hình tròn.
Ứng dụng vào thế giới cảm xúc, ta có thể liên tưởng các hình kỷ hà như biểu tượng của các cảm xúc khác nhau. Ví dụ hình chữ nhật biểu tượng cho nỗi buồn và hình tam giác cho cảm xúc đối nghịch là niềm hân hoan. Có phải tất cả chúng ta đều đã có lúc cảm thấy vui buồn lẫn lộn? Hay yêu ghét lẫn lộn? Hay hi vọng và tuyệt vọng đan xen? Như khi nhà soạn nhạc Dương Thụ nói, "Tôi mơ... không có mất mát, không có đổ vỡ, không có chia tay. Điều đó không bao giờ, tôi biết, không bao giờ. Nhưng tôi vẫn mơ."
Những hiện tượng đó cũng xuất hiện trong thế giới tư tưởng. Phải chăng những tư tưởng sáng tạo đồng thời hàm chứa yếu tố tái sinh nhân bản lẫn yếu tố hủy diệt? Ví dụ phát hiện của bà Marie Curie về phóng xạ vừa mang yếu tố tái sinh nhân bản trong xạ trị các bệnh ung thư và đồng thời mang yếu tố hủy diệt của bom hạt nhân. Về mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, cũng thế, trong các thời kỳ quá độ các tư tưởng ở trạng thái chồng chập nhau, chênh vênh giữa cân bằng và hỗn loạn.
Tranh của Trần Đán khơi dậy cái thế giới bất định, bất ổn, chồng chập đó nhưng cũng phản ảnh niềm hy vọng con người tìm được sự cần bằng để tồn tại.
Thông tin triển lãm
Địa điểm: Tầng 2, TTTM Mipec Long Biên - Số 2 Long Biên II, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội
Khai mạc: Chủ Nhật, 23/4/2023, từ 17h00 đến 20h00
Thời gian trưng bày: 23/4 đến 5/5/2023
Cuộc tọa đàm về Nghệ thuật: Cùng địa điểm, thứ 3 ngày 25/4 từ 17h00 đến 19h00
Buổi giới thiệu sách: “Vòng luân hồi của cái Đẹp” của họa sĩ Trần Đán, cùng địa điểm, thứ Bảy 29/4 lúc 10h00 đến 12h00