Thông tin từ ban tổ chức:
Triển lãm kéo dài từ ngày 13/05 đến hết ngày 23/05/2023
Triển lãm được khai mạc vào 18:00 ngày 13/05/2023 và mở cửa miễn phí cho công chúng từ 08:30 ngày 14/05/2023
Địa điểm: 139 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Quận Bình Thạnh, Silart Station.
***********************
Van Gogh đi cạnh cuộc đời , ngắm nhìn cuộc đời và cảm nhận rõ những vẻ đẹp lung linh của nó bằng một tâm hồn nhạy cảm đến cùng cực. Ngắm nhìn nó, yêu mến nó, đắm chìm trong nó bằng sự cô đơn. Sự cô đơn thấm vào tâm hồn, để rồi nó được diễn bằng lời, bằng ngôn ngữ, bằng thư từ, bằng những nhát cọ giằng xé, đắm chìm, bạo liệt. Liệu đó có phải là một cuộc đoạ đày, hay như Đức Ki Tô, là một sự hi sinh đầy đau đớn để chúng sinh ngộ ra được chút nào và chạm được vào chân lý? Câu hỏi đó không có câu trả lời đích xác, bởi không ai là Đức Ki Tô để biết được Ngài đã cảm thấy gì khi bị đóng đinh trên thập tự. Cũng không ai là Van Gogh để thấu hiểu nỗi cô đơn đã đoạ đày ông đến mức nào. Những gì đọng lại, là ý niệm cúi xuống thật thấp để được bay cao, là sự thấu cảm sẻ chia những nỗi đau của đồng loại. Những gì sót lại là những tình cảm trong tâm tình thư từ, là những Starry night với bóng đêm rực rỡ, những cánh đồng lúa mì vàng rực rỡ trong nỗi cô quạnh, là những dồn nén impasto mãnh liệt chẳng thể lẫn vào đâu.
Với sự nhạy cảm của mình, Van Gogh luôn phóng chiếu tầm mắt và tâm hồn để ghi nhận đời sống ở xung quanh vào tranh. Ông từng làm vậy với Nuenen, Paris, Arles, đặc biệt với Saint-Rémy, dù ở thời gian ngắn ngủi. Thậm chí với 70 ngày cuối đời ở Auvers-sur-Oise, Van Gogh cũng không muốn bỏ sót điều gì. Chính vì vậy, dù tại thế có 37 năm, nhưng trong khoảng một thập niên cuối, ông đã sáng tác hơn 2.100 tác phẩm, trong đó có khoảng 860 tranh sơn dầu, hầu hết được vẽ trong hai năm cuối đời. Những tác phẩm để lại, là những chuỗi góc nhìn đời sống ghi dấu bằng cảm xúc mãnh liệt từ bên trong.
Trần Trung Lĩnh dạo chơi với cuộc đời, bay nhảy như một chú sơn dương trên núi đá. Chú sơn dương ấy cũng tách mình ra với số đông, cô độc theo cách rất riêng, treo mình trên đá, vào rock. Những người thân thuộc với Lĩnh, hiểu rõ sự đắm đuối về cái đẹp của hội họa bên trong con người Lĩnh. Cá tính hội họa của Lĩnh mạnh, từ biểu hiện cho tới trừu tượng, nhưng cá tính lớn nhất và dấu ấn lớn nhất Lĩnh tạo ra vẫn là pop-art với những cú cưỡng đoạt mạnh bạo cùng những ý tưởng rất đương đại. Nếu mối quan hệ dừng ở mức sơ giao với Lĩnh, cũng sẽ cảm nhận ngay được tình cảm của Lĩnh dành cho Van Gogh, cũng như những ảnh hưởng của Vincent lên Lĩnh. Những tác phẩm của Lĩnh như Spray for Peace với nền là hoa hướng dương và bầu trời đầy sao (starry night) của Van Gogh, hoặc bức Van Meo cũng dùng sắc màu xanh và bút pháp impasto là những thứ đập vào mắt một cách ấn tượng.
Lĩnh cũng dùng tâm hồn nhạy cảm của mình để nhìn nhận những mảnh đời xung quanh, ở Sài Gòn. Những mảnh đời ấy mưu sinh, hiển hiện khắp nơi, nhưng chỉ nhìn thấy rõ khi sở hữu một tâm hồn nhạy cảm, bằng một sự cảm thông không cần cúi xuống, mà là bằng sự kề vai thấu cảm. Trong Sài Gòn mùa dịch, bộ tranh digital, làm bật lên tính chịu thương chịu khó, tính người trong cơn bĩ cực. Là một cú lẳng lặng chìa tay trao phần cơm hộp đỡ đói, là cha cõng con đầy thương yêu trong cuộc mưu sinh khốn khó. Những hình ảnh được khắc họa lên tranh ấy, nó không chỉ đơn thuần tạo ra những cảm xúc đồng cảm với sự xúc động giản đơn, nó còn khiến người ta suy ngẫm rằng, sự cao đẹp của tính người nó hiện diện bất chấp điều kiện xã hội ra sao.
Sự đồng điệu làm nảy sinh ý tưởng. Đưa hình ảnh của Van Gogh, như các Pop Icon của thế giới hội họa vào tranh thì hẳn là việc thường làm của các họa sĩ, và Lĩnh cũng thường vậy. Nhưng lần này có khác đi một chút. Sự cưỡng đoạt chính Van Gogh, chính tâm hồn Van Gogh, lồng vào trong tâm hồn mình, đi đôi giày của chính ông, nhìn cuộc sống chung quanh bằng tâm hồn đó, vẽ chúng lại bằng những dồn nén đó, để tôn vinh tình yêu với Van Gogh chính là điều Lĩnh đang làm ở đợt triển lãm lần này. Lĩnh bảo: “Kể cả bây giờ, trong một cuộc dạo chơi nho nhỏ của Van Gogh ở Sài Gòn, một trong muôn ngàn gương mặt khác nhau của con đường pop-art, Lĩnh muốn sống lại quãng đường cũ bằng một cái nhìn khác, bình dị thôi, như chính con người của Van Gogh, để yêu thương nhiều hơn, như là cái cách mà cuộc đời của ông đã cống hiến cho thế giới này, đẹp bình thường, giản đơn”.
Và với góc nhìn ấy, Lĩnh nhìn thấy, và bày ra cho người xem:
- Những khuôn mặt ghi dấu ấn với Sài Gòn, những huyền thoại để lại, ví dụ như Petrus Ký, như Cô Ba Sài Gòn;
- Những phận đời mưu sinh ở thành phố này và những tâm hồn nhạy cảm, họ hiện diện khắp nơi;
- Những góc phố đặc trưng, mà bản thân đó đã là những câu chuyện. Nhìn ngắm nó, đối thoại với nó sẽ được nghe những câu chuyện về Sài Gòn;
- Những lao xao của chính họa sĩ, khi ký họa, khi ngồi uống cà phê một mình trong lòng thành phố này…
Khác với nghĩa Pop theo lối tiêu dùng của xã hội hiện đại khuếch trương sự hào nhoáng như thông thường, Pop ở đây là những gì thương mến trong đời sống thường nhật, những gì gần gụi, những gì cần phải có một tâm hồn nhạy cảm mới thấy nó trở nên lung linh. Trên nền tư duy và cảm nhận ấy, Lĩnh cùng Van Gogh đi qua những thứ trở nên là Pop trong văn hóa của người Sài Gòn, trong suy nghĩ khi hướng về Sài Gòn.
Các Icon ấy đi từ con người, góc phố, vật dụng, quán xá. Và khi làm như vậy, Lĩnh cũng tạo dựng những thứ gọi là Cưỡng đoạt trong Pop Art, nhưng sự cưỡng đoạt ấy dễ thương và mềm mại đi rất nhiều. Hãy cùng Lĩnh dạo chơi ở những góc rất đặc trưng của Sài Gòn trong sự cưỡng đoạt của Pop Art đó. Từng bức tranh, là từng câu chuyện, là từng tình cảm chắt chiu sau gần 30 năm thở hơi thở của Thành Phố. Lĩnh diễn nó ra bằng tất cả sự chân thành, kính cẩn và cả sự hóa thân vào Van Gogh.
Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện