Thông tin từ ban tổ chức:
Thời gian: 18:30, Chủ Nhật 18/12/2022
Địa điểm: Mơ Art Space, 136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
-------------------------------
Cuối những năm 90 đầu những năm 2000, song song với sự phát triển của nghệ thuật đương đại cũng như những hình thức thể hiện mới tại Việt Nam. Các nghệ sĩ cũng bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên với chính cơ thể của mình và dần hình thành những tác phẩm trình diễn được thực hiện ở nhiều không gian khác nhau từ studio, không gian nghệ thuật, gallery, bảo tàng, tới nơi công cộng[1]. Bên cạnh những tên tuổi đã trở thành lịch sử gắn với những tác phẩm quan trọng trở thành nền móng và niềm cảm hứng cho thế hệ những nghệ sĩ trẻ thực hành trình diễn ngày nay như Trương Tân, Nguyễn Văn Cường, Lê Vũ, Trần Lương, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Trí Mạnh, Phạm Ngọc Dương, Nguyễn Mạnh Hùng, Ly Hoàng Ly. Thời điểm này còn chứng kiến sự giao thoa của các nghệ sĩ trình diễn gạo cội trong khu vực như Lee Wen (Singapore), Seiji Shimoda (Nhật Bản), Amanda Heung (Singapore), Moe Satt (Myanmar)… Một động thái phản nghệ thuật cực đoan nay đã trở thành một diễn ngôn mới mở ra nhiều khả thể và những biểu hiện đa dạng thông qua các workshop, festival trình diễn như Đom Đóm, Sneaky Week, In Act…
Tái Nạm – Không chín, không gầu, không bánh phở, không nước dùng, không quẩy, không mì chính… tái ở đây là tái diễn, tái hiện, tái phạm, tái giá, tái… Nạm là động từ tương đương và thường đi cùng như nạm, dát, gắn, đính… (nạm ngọc, dát ngọc, nạm kim cương, dát kim cương, dát vàng, nạm bạc…) là một chuỗi trình diễn với sự góp mặt của 7 nghệ sĩ trình diễn năng động và tích cực hiện nay tại Hà Nội. Tái nạm muốn mở ra một không gian đối thoại mở giữa quá khứ và hiện tại, giữa lưu trữ và phản-lưu trữ, giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật cũng như mở ra nhiều câu hỏi cho tương lai của nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam.
* Hoạt động bên lề thuộc dự án ‘Don’t Call It Art’
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.