Trò chuyện nghệ thuật SỨ LẠ: VÙNG THỰC HÀNH ĐA PHƯƠNG

TRÒ CHUYỆN NGHỆ THUẬT | SỨ LẠ: VÙNG THỰC HÀNH ĐA PHƯƠNG - Alice ở đường hầm thời gian | Chương trình vệ tinh tháng 3, 2024

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 15:00 - 17:00, Thứ 7 ngày 09.03.2024

Địa điểm: Cafe Outpost - Roman Plaza, Tháp B1 (Tầng 2), Tố Hữu, Hà Nội

Giá vé (gồm 01 vé xem triển lãm + 01 vé sự kiện)

120,000 VNĐ (người lớn)

90,000 VNĐ (học sinh, sinh viên và cư dân Roman Plaza)

Số lượng tham gia: 60 người

Chương trình diễn ra bằng tiếng Việt.

__________

Gốm sứ là chất liệu hết sức gần gũi trong cuộc sống thường nhật. Ta tiếp xúc với gốm sứ mỗi ngày qua đồ gia dụng, đồ nội thất, vật liệu kiến trúc, trang trí cảnh quan. Có lẽ vì vậy mà gốm sứ trở thành một chất liệu phản ánh nhân sinh, mang trong mình trầm tích văn hóa, những dấu vết và biến chuyển thẩm mỹ của từng giai đoạn. Từng xuất phát là một vật liệu ‘phục vụ đời sống’, sơn mài đã được chuyển hoá thành một loại hình sáng tác khi được dùng làm chất liệu cho hội họa trong các lớp học của trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1930, còn gốm sứ, liệu chăng cũng có thể mang một diện mạo nghệ thuật của riêng nó?

Khi người tạo tác bắt đầu tách việc tạo hình ra khỏi những câu thúc về chức năng sử dụng, bắt đầu chất vấn chính những di sản văn hóa mà gốm sứ chứa đựng, cũng như mong muốn nói lên những câu chuyện cá nhân, thì gốm sứ trở thành một chất dẫn để suy tư về thế giới. Người nghệ sĩ có những cách tiếp cận gốm sứ như thế nào, quá trình sáng tác với gốm sứ có những đặc thù gì so với những chất liệu khác?

Trò chuyện nghệ thuật “Sứ lạ: Vùng thực hành đa phương” do nghệ sĩ Ngô Thu Hương điều phối, với chia sẻ từ hai nghệ sĩ thực hành gốm Nguyễn Duy Mạnh và Linh San - đại diện cho hai thế hệ, hai hướng tiếp cận sáng tác khác nhau, hy vọng sẽ mang đến những góc nhìn đa chiều về gốm sứ - xứ gốm, gợi mở các tiềm năng thực hành nghệ thuật với chất liệu gốm trong bối cảnh nghệ thuật đương đại.

_________

GIỚI THIỆU DIỄN GIẢ:

NGUYỄN DUY MẠNH

"Với tôi gốm cũng như người, chúng có giá trị văn hóa, chứa đựng đời sống tinh thần, và tôi không thể phân biệt tôi đang nói tiếng của gốm hay gốm nói tiếng tôi."

--- (Nguyễn Duy Mạnh, về tác phẩm Hồn xiêu Phách lạc)

Nguyễn Duy Mạnh là một nghệ sĩ thị giác, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh sinh năm 1984 tại Vĩnh Phúc, hiện sống và sáng tác ở Hà Nội. Năm 2016, Nguyễn Duy Mạnh có triển lãm cá nhân dưới tên Không gian bên trong tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Anh cũng từng tham gia nhiều triển lãm nhóm nổi bật: Trung điểm (2022, Hội An); Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam (2020, Hà Nội); Triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần thứ 6 (2020, Hà Nội); Bịt mắt bắt dê (2019, Hà Nội); Festivel mỹ thuật trẻ (2017, Hà Nội); Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc (2013, Hà Nội); Mặt đối mặt (2012, Hà Nội); Chân dung tự hoạ (2012, Bảo tàng mỹ thuật TP. HCM); Đồng tông (2016, Hà Nội); Góc khuất và cái đuôi (2007, ĐH Mỹ thuật Việt Nam); Triển lãm khu vực III, Tây Bắc- Việt Bắc Lần thứ 11 (2006)...

LINH SAN

"Tôi đã nhìn những tác phẩm bằng sứ của Linh San trên gác thượng của Á Space trong buổi chiều mùa đông đẹp đẽ. Tôi thật sự xúc động bởi điều tôi vốn thấy ít ỏi trong các thực hành nghệ thuật ở Việt Nam chính là sự điềm tĩnh, trầm lắng mà vẫn cứ trong trẻo thế này. Tôi mường tượng Linh San đã nghĩ gì trong suốt hơn một năm ngồi làm những tờ giấy sứ mỏng, trắng tinh..."

--- (TS. Văn học Trần Ngọc Hiếu, về triển lãm Mây bay là bay rồi)

Linh San tốt nghiệp khoa Sư phạm Ngữ Văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2020. Cô từng làm việc cho một số không gian văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội với nhiều vị trí và vai trò khác nhau. Thực hành của Linh San trải rộng trên các lĩnh vực thơ ca, hình ảnh động và gốm sứ. Tác phẩm của San mô tả những khoảnh khắc nên thơ, giản dị và suy tưởng. Sáng tác của cô thường mang hình thức thơ văn xuôi, phản ánh một dòng suy nghĩ và hình ảnh tinh thần tuôn chảy qua các địa hình trần thuật và cảm xúc, kết nối với nhau thông qua các liên kết tưởng tượng. Thơ San đã xuất hiện trên The Margins, Poetry Translation Centre và nhiều tuyển tập khác. Phim ngắn của cô được trình chiếu tại Hanoi Doclab, Viện Goethe Hà Nội (2019), Đại học Thái Nguyên và Bảo tàng Quốc gia Indonesia (2022) trong khuôn khổ Jakarta Biennale 2021. Năm 2022, triển lãm cá nhân đầu tay của Linh San mang tên “Mây bay là bay rồi” ra mắt tại Á Space, Hà Nội, đánh dấu sự theo đuổi của cô với chất liệu gốm. Gần đây nhất, Linh San nhận giải thưởng Hạt Giống từ Quỹ Hoàng tử Claus (Prince Claus Seed Award 2023).

NGÔ THU HƯƠNG

Ngô Thu Hương là nghệ sĩ thực hành hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp cử nhân Fine Arts (Hons) tại LASALLE College of the Arts (Singapore) năm 2016. Thực hành của Hương đa dạng từ gốm đến video sắp đặt, truy vấn về nhận diện bản thân thông qua dòng chảy văn hoá liên quan đến biên giới về mặt bản sắc và dưới những ngầm định của xã hội. Cô là một trong những nghệ sĩ nổi bật của năm 2019 với giải Audience’s Choice do Hanoi Grapevine tổ chức.

Ngoài hoạt động nghệ thuật, Hương còn đồng sáng lập Puppets Studio - một mô hình xưởng văn hoá hướng tới việc kết nối giá trị tinh thần và thẩm mỹ của nghệ thuật tạo hình thông qua chất liệu gốm. Các triển lãm nổi bật cô từng tham gia: Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e (2024, Hà Nội); Khả thể (2023, Puppets Studio); Đại tượng, Tuần lễ sáng tạo (2021, Hà Nội); ỐNG thở (2020, Hà Nội); Chân trời biến cố (2019, Hà Nội); Đừng đứng (2019, Hà Nội); Art Moves (2017, Singapore)...

__________

TRUNG TÂM NGHỆ THUẬT THE OUTPOST

Roman Plaza (Tháp B1, Tầng 2), Tố Hữu, Hà Nội

9:00 - 19:00 Thứ Ba - Chủ Nhật

*Nội dung chương trình sẽ được tư liệu hoá dưới dạng hình ảnh và ghi âm, phục vụ cho mục đích lưu trữ, nghiên cứu, khảo sát, quảng bá... của The Outpost. Khi tham gia, khán giả đồng ý cho phép The Outpost (và diễn giả) được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu cho chương trình. The Outpost chân thành cảm ơn sự ủng hộ của các quý khán giả!

Chi tiết cách thức đăng ký và tham gia sự kiện vui lòng theo dõi tại trang sự kiện.