Thông tin từ ban tổ chức:
Trong văn hoá của người Việt, hình tượng hổ có lịch sử lâu đời. Cách ngày nay trên 2.000 năm, hổ đã bước vào mỹ thuật trên các đồ đồng Đông Sơn, với quan niệm kính sợ và tôn thờ sức mạnh, oai linh của loài vật này.
Cùng với diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam, hình tượng hổ có những diễn biến và ý nghĩa tương ứng, từ ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng, biểu tượng vương quyền đến những vật dụng, trang trí đời sống sinh hoạt thường nhật trong dân gian; tạo hình, phong cách, ứng dụng, ý nghĩa của mỗi thời đại cũng tồn tại những khác biệt. Hình tượng hổ đã đồng hành và đóng góp những nét đặc sắc với phức cảm thẩm mỹ vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Đến với trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”, khách tham quan sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng trên 30 hiện vật, tài liệu, hình ảnh chọn lọc, trưng bày giới thiệu với công chúng những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hổ đặc sắc trải dài trên 2.000 năm của lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" thể hiện theo niên đại kết hợp loại hình với các nội dung trưng bày bao gồm:
+ Hổ trong nghệ thuật thời Đông Sơn
+ Hổ trong nghệ thuật 10 thế kỉ đầu Công nguyên
+ Hổ trong nghệ thuật thế kỉ 10 - 20
Thông qua nội dung trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mong muốn giúp công chúng khám phá, tìm hiểu và nhận thức sâu sắc hơn về sưu tập hiện vật, ý nghĩa của hình tượng hổ, một trong những linh vật quan trọng và góp mặt trong 12 con giáp (Thập nhị chi) trong lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam" mở cửa từ ngày 18/01 đến hết ngày 31/8/2022 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện