Workshop Nghe-đọc Kịch: Các Robot Toàn Năng Của Rossum 2023

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 19:00 – 21:30, 24 & 25/06/2023

Địa điểm: Trung tâm nghệ thuật The Outpost, Roman Plaza, Tháp B1 (Tầng 2) Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

-----------------------------------

Workshop nghe-đọc kịch: Thông diễn, tương tác với các tác phẩm trong triển lãm Dị Diện bằng ngôn ngữ kịch dựa trên văn bản “R.U.R.” của Karel Čapek.

Với mong muốn mở ra những đối thoại đa dạng xoay quanh triển lãm của The Outpost, “Đọc trong không gian: Các robot toàn năng của Rossum” là một workshop nghe-đọc kịch, diễn ra trong chính không gian trưng bày triển lãm “Dị Diện”, do đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long dẫn dắt.

Ý tưởng workshop được hình thành dựa trên nội dung triển lãm “Dị Diện” và vở kịch “R.U.R.” của tác giả người Séc Karel Čapek (xem thêm thông tin bên dưới). Workshop sẽ đưa ra một tình huống thú vị về tương quan giữa người và máy. Ở đó, cơ thể và giọng nói – những thành tố then chốt của ngôn ngữ kịch cũng như của tương tác xã hội loài người – đồng hiện trong không gian cùng các tác phẩm nghệ thuật công nghệ. Từ đó, người tham gia cùng nhìn nhận những khả năng của giọng nói, những phản hồi trực tiếp của cơ thể con người trong không gian sống đã tràn ngập thiết bị công nghệ và máy móc thông minh.

R.U.R. – viết tắt của Rossum’s Universal Robots nghĩa là “Các robot toàn năng của Rossum” – là tác phẩm hài kịch ba màn được Karel Čapek sáng tác năm 1920, dựng nên khung cảnh giả tưởng về nhà máy sản xuất robot trên đảo Rossum, nơi một nhóm các nhà khoa học mong muốn tạo ra robot để thay thế sức lao động của con người. Khái niệm về con người nhân tạo ở thời điểm vở kịch ra đời đã có trước đó, nhưng thuật ngữ “robot” hiện đại lại khởi nguồn từ từ “robota” (nghĩa là lao động nặng nhọc, lao dịch) trong tiếng Séc và chỉ mới bắt đầu được phổ biến rộng rãi sau vở kịch này của Karel Čapek.

Sự kiện diễn ra trong hai buổi, gồm các hoạt động:

Buổi 1:

[1] giới thiệu các tác phẩm đang trưng bày và làm quen với các yếu tố thị giác và âm thanh của triển lãm “Dị Diện”, cách thức tổ chức không gian và bố trí các tác phẩm;

[2] người tham gia được tập và luyện đọc trích đoạn từ tác phẩm “R.U.R.” theo các phương pháp đọc ứng dụng trong sân khấu và tương tác tự do cùng tác phẩm trong triển lãm với sự hướng dẫn của đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long,

Buổi 2:

[3] người tham gia cùng nhau đọc diễn các đoạn thoại từ văn bản tác phẩm “R.U.R.” như một trình diễn sân khấu mini trong không gian trưng bày của triển lãm.

Hà Nguyên Long là đạo diễn sân khấu và thiết kế không gian, đồng thời sáng lập và là giám đốc nghệ thuật của XplusX Studio tại Paris và Hà Nội. Anh tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2013), và Đại học Nghệ thuật và Kĩ thuật Paris chuyên ngành Thiết kế không gian (2017).

Năm 2019, anh khởi xướng hai dự án: T.U.Ồ.N.G – nhằm góp phần kiến tạo chỗ đứng của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam truyền thống đối với khán giả trong nước cũng như quốc tế; và Năm Dài Trong Kịch – với mong muốn tạo dựng cộng đồng học tập và thực hành nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam. Năm 2020, Hà Nguyên Long cùng XplusX Studio dàn dựng tác phẩm Oresteia của Aeschylus – một trải nghiệm kịch nghệ dài 4 tiếng tại Manzi Art Space; đồng thời đồng sáng tạo cùng nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh vở diễn Sơn Hậu-Beyond The Mountain, một tiếp biến mang hơi thở đương đại lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ cùng tên. Năm 2021, anh dàn dựng Antigone – m Mù, một chuyển thể tương tác từ kịch bản Antigone của Sophocle, là đạo diễn sân khấu và ánh sáng cho vở tuồng thể nghiệm Cõi Thinh Không trong khuôn khổ Tuần lễ sáng tạo Hà Nội. Anh biên kịch và dàn dựng Signifiant Dream/Giấc mơ tạo nghĩa tại Sân thượng Manzi Art Space vào tháng 5/2022 – một trình hiện sân khấu biệt vị từ kịch bản phim ngắn cùng tên. Tháng 7/2022, Hà Nguyên Long dàn dựng cùng diễn viên trong workshop của XplusX Studio tác phẩm Những đối thoại thường nhật/Common Dialogues tại Theatre 21.

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.