Một dự án sân khấu thử nghiệm với bốn đạo diễn nổi tiếng:
+ Hồng Vân (TP. HCM - Sân khấu Vân Tuấn)
+ Amélie Niermeyer (Đức)
+ Trần Lực (Hà Nội - LucTEAM)
+ Bùi Như Lai (Hà Nội)
1. Thời gian: 20h00 Ngày 12/10 và 13/10/19
2. Địa điểm: Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam - 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng
3. Giá vé: 150.000 VND | 200.000 VND
Mở bán từ ngày 01.10.2019 tại Nhà hát Tuổi trẻ!
"Truyện Kiều" được coi là tác phẩm quan trọng nhất của nền văn học Việt Nam. Vẻ đẹp ngôn ngữ cùng vô vàn những tình huống eo le của cuộc đời, những niềm hi vọng ẩn chứa trong câu chuyện, cuộc giải cứu thần kì và sự phục hồi phẩm giá của Kiều là một phần của di sản văn hóa Việt.
Thiên tuyệt bút lần đầu tiên được xuất bản tại Đức năm 1964 với bản dịch tiếng Đức của Irene và Franz Faber. Những bản dịch như vậy góp phần nâng Truyện Kiều lên tầm văn học thế giới. Nguyễn Du thuộc về hàng ngũ những tác gia văn học kinh điển như Cervantes, Shakespeare, Tschechow và Goethe. Câu chuyện của ông chạm đến trái tim của cả những độc giả không biết đến Việt Nam, khiến họ rung động với nỗi đau và niềm hi vọng của Kiều. Câu chuyện của Kiều trở thành cầu nối cho sự thấu hiểu và tiếp cận văn hóa với Việt Nam.
Để tôn vinh bản dịch và với sự trân trọng nguyên tác, Viện Goethe đã mời bốn đạo diễn mở ra những hướng tiếp cận mới mẻ và độc đáo với tác phẩm này, bởi tính di sản văn hóa lớn lao của kiệt tác văn học này chỉ tồn tại khi nó không ngừng vượt qua thử thách của thời gian.
Vậy điều gì khiến văn bản và lời hứa nghệ thuật về sự hòa giải với thế giới vẫn còn vẹn nguyên giá trị?
Hình ảnh nào về người phụ nữ được hé mở trong tác phẩm văn học vĩ đại ấy?
Độc giả ngày nay tự hỏi, liệu hình ảnh người phụ nữ của Kiều còn phù hợp với thời đại? Điều gì đã đổi thay theo chiều dài thời gian hàng thập kỉ qua?
Làm thể nào để đưa Truyện Kiều lên sân khấu đương đại?
+ Nguyễn Sĩ Tiến (*1968) - Giám tuyển và điều phối dự án.
Được đào tạo và bắt đầu sự nghiệp diễn xuất tại Nhà hát Tuổi trẻ từ 1990, tốt nghiệp Đạo diễn Sân khấu tại Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội năm 2008, Sĩ Tiến gây chú ý với các vai diễn quan trọng trong các vở "All my sons" (Athur Miller), "A doll's house" (Henrik Ibsen). Anh là đồng đạo diễn vở "L'Oiseau bleu" (Maurice Maeterlinck) và đạo diễn vở "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" (Lưu Quang Vũ) - tác phẩm được trao Huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2018. Sĩ Tiến hiện là Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phụ trách Quan hệ quốc tế.
+ Amélie Niermeyer (*1965)
Học đạo diễn tại Sydney, Bonn và Munich, sự nghiệp của chị bắt đầu tại nhà hát Residenztheater nổi tiếng ở Munich. Kể từ đó, Amélie Niermeyer đã làm việc tại các nhà hát lớn trong khu vực nói tiếng Đức ở Basel, Berlin, Düsseldorf, Frankfurt và Hamburg, đồng thời đảm nhận vai trò đạo diễn trong rất nhiều các tác phẩm opera ở trong và ngoài nước. Từ năm 2011, chị là giáo sư giảng dạy ngành đạo diễn tại Đại học Mozarteum Salzburg, đồng thời là giám đốc ngành đào tạo kịch và đạo diễn của học viện Học viện Thomas Bernhard cũng thuộc trường đại học này. Amélie Niermeyer nghiên cứu tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du từ năm 2018 và đã tham gia vào hội thảo chuyên đề "Đọc lại Truyện Kiều" vào tháng 7 vừa qua tại Hà Nội.
+ Ngô Đặng Hồng Vân (* 1966)
Học Đại học Sân khấu & Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố này cũng là nơi nghệ sỹ Hồng Vân bắt đầu sự nghiệp diễn xuất chuyên nghiệp của mình. Chị nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trên sân khấu hài kịch. Từ năm 2001, Hồng Vân là diễn viên kiêm đạo diễn và nhà sản xuất của Công ty Cổ phần Sân khấu Điện ảnh Vân Tuấn. Hiện tại, chị là gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng trên cả sân khấu lẫn truyền hình và được đông đảo khán giả yêu mến. Hồng Vân đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia, trong số đó có bốn giải Vàng vào năm 1991, 1992, 1998 và 2003.
+ Trần Lực (* 1963)
Học sân khấu tại Hà Nội và Sophia (Bulgaria), nghệ sỹ Trần Lực khởi nghiệp với vai trò diễn viên từ thập niên 90 và đến nay đã gây dựng được danh tiếng với vai trò đạo diễn phim. Anh sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ và là cháu của hai nhà văn Trần Tiêu và Khái Hưng. Những năm gần đây, Trần Lực thành lập nhóm kịch độc lập LucTeam hiện đang được khán giả quan tâm và yêu mến với những vở diễn như Cơn ghen của Lọ Lem của Moliere, Quẫn của Lộng Chương và Nữ ca sĩ hói đầu của Eugène Ionesco. Anh đã được trao trao tặng nhiều giải thưởng quốc gia.
+ Bùi Như Lai (*1979)
Học sân khấu và điện ảnh tại Hà Nội, Bùi Như Lai làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 2001 và giữ vai trò Trưởng đoàn Kịch. Anh dàn dựng nhiều vở kịch với các yếu tố tương tác và nghệ thuật xiếc cho thanh thiếu niên. Bùi Như Lai sắp xếp và tổ chức các buổi biểu diễn với trọng tâm kết nối nghệ thuật với các chủ đề như HIV, AIDS, đồng tính, bạo lực gia đình và bạo lực giới, qua đó góp phần nâng cao nhận thức xã hội với các vấn đề trên. Anh có nhiều kinh nghiệm quốc tế với các chương trình trao đổi sinh viên và chuyên ngành tại Ai Cập, Campuchia, Đức, Philippines, Trung Quốc và Thái Lan.
Viện Goethe Hà Nội được thành lập năm 1997, lúc đó là phân viện trẻ nhất ở châu Á. Mục đích quan trọng của Viện là hỗ trợ việc giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Đức và châu Âu. Trong mối tương quan này, Viện Goethe Hà Nội ủng hộ và tổ chức nhiều chương trình để giới thiệu văn hóa Đức đến Việt Nam, nhằm tăng cường đối thoại văn hóa giữa hai nước.Hàng năm, Viện Goethe Hà Nội tổ chức các khóa học tiếng Đức cho người lớn. Bên cạnh đó, Viện còn có các buổi thực hành và seminar dành cho giáo viên tiếng Đức.