Được tổ chức bởi Hanoi DocLab và Viện Goethe Hà Nội, sự kiện “Hanoi DocFest 2017” là phiên bản thứ năm của liên hoan phim duy nhất ở Việt Nam dành riêng cho dòng phim tài liệu sáng tạo và phim thể nghiệm độc lập.
Liên hoan phim Hanoi DocFest được tổ chức dựa trên niềm tin vào điện ảnh với tiếng nói cá nhân và muốn mang lại cho người xem những tác phẩm độc lập mới của nền điện ảnh Việt Nam, cũng như của điện ảnh khu vực và quốc tế. Đó là những tác phẩm mang sức sáng tạo dồi dào với khả năng điện ảnh rộng mở, chứa đựng một cách thức tiếp cận mới, độc đáo hơn, cho không chỉ những đề tài gần gũi mà còn cả những vấn đề xã hội rộng lớn khác.
Đặc biệt, Liên hoan phim Hanoi DocFest 2017 sẽ kéo dài cả một tuần thay vì tập trung vào ba ngày cuối tuần như những năm trước. Sự thay đổi này là nhằm mở ra thêm các không gian điện ảnh cũng như trình diện một góc nhìn toàn cảnh hơn cho người xem.
Kết hợp với Mạng lưới Nghiên cứu Điện Ảnh Đông Nam Á, Hanoi DocLab và Viện Goethe Hà Nội sẽ đồng tổ chức chương trình hội thảo hai ngày mang tên "Không gian, thời gian và những xung động trong điện ảnh Đông Nam Á".
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của những nhà làm phim, những khách mời chuyên gia như Philippa Lovatt, Gaik Khoo, Jasmine Trice, Mariam Lam, Hitomi Hasegawa, Sow-Yee Au, Davide Cazzaro, Merv Espina, Thaiddhi, cùng nhiều gương mặt của điện ảnh Việt Nam như Síu Phạm, Trương Minh Quý, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Trinh Thi, Trần Duy Hưng, Trần Trung Hiếu... Và, cùng với Birgit Glombitza, giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim ngắn quốc tế Hamburg, Hanoi DocFest 2017 sẽ có ba buổi giới thiệu về những thực hành thẩm mĩ và chủ đề đương đại trong các liên hoan phim ngắn quốc tế.
Ngoài ra, chương trình năm nay còn bao gồm một lớp học 2 ngày về thu âm thực địa cùng với Ernst Karel, chuyên gia âm thanh đến từ Sensory Ethnography Lab của đại học Harvard, một cơ hội không thể bỏ qua cho những ai đang muốn tìm hiểu về thực hành âm thanh sáng tạo.
Đặc biệt, ba ngày cuối tuần (từ 10/11 đến 12/ 11) sẽ được dành riêng cho chương trình chiếu phim tuyển chọn theo hai chủ đề: “Khi đó và bây giờ" và “Chân dung". Tại phòng chiếu phim, người xem sẽ bước vào hành trình trải dài qua nhiều vùng đất của Việt Nam, cao nguyên Gia Lai với “Sương lặn” - 1 dự án phim hợp tác giữa Art Labor Collective cùng Trương Quế Chi và Đỗ Văn Hoàng, sông nước Mê Kông với phim “Nắng bằng phẳng" của Lena Bùi, phố Khâm Thiên của Hà Nội trong phim “23 tháng 3” của Phạm Thị Hảo… Đồng thời gặp gỡ nhiều thân phận con người, cụ thể như: một người phiên dịch cho Uỷ ban nhập cư của Liên Hợp Quốc vào thập niên 60, một tù nhân trở lại gia đình sau 18 năm trong tù, những gia đình Bắc Trung Nam cùng sống với nhau ở một nhà trọ gần viện Nhi… Họ là những mảnh ghép mà ở một chừng mực nào đó, sẽ kể cho người xem câu chuyện về một Việt Nam mà chúng ta đang sống và từng ngày chứng kiến những biến động của nó.
>>> Hãy cùng đến với Liên hoan phim Hanoi DocFest 2017 để được gặp gỡ, trò chuyện cùng các nhà làm phim trong - ngoài nước và tham gia vào thời khắc hội tụ đầy ý nghĩa này của điện ảnh độc lập! <<<