Vào 17h00 ngày 20/12 tới đây, “Triển lãm: THIÊN HÌNH VẠN TRẠNG - Metamorphosis” của Họa sĩ Nguyễn Thị Mai sẽ chính thức khai mạc tại VICAS ART STUDIO, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 32 Hào Nam, Hà Nội.
Tại solo exhibition “Thiên hình vạn trạng” này, Nguyễn Thị Mai trưng bày 50 tác phẩm hội họa trên chất liệu acrylic nhưng được vẽ theo quy trình và phong cách sơn mài truyền thống; hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đầy thú vị và hấp dẫn cho các quý khán giả đến tham dự.
GIỜ MỞ CỬA TRIỂN LÃM: Thứ Ba – Chủ nhật (20/12/2017 đến 19/01/2018)
+ Sáng: Từ 9h00 đến 12h00
+ Chiều: Từ 13h00 đến 17h00
Vào cửa tự do!
Thực ra, rất khó để chuyển ngữ cho thật sát và đủ nghĩa với tiêu đề của triển lãm solo này , bởi “Metamorphosis” mới chỉ hàm nghĩa “sự biến hình” còn tranh của Nguyễn Thị Mai lại là sự thiên biến vạn hóa của tổng thể hình, màu, sắc độ, nhịp điệu... từ những yếu tố gốc. Tài năng của những người nghệ sỹ đương đại là ở chỗ “Làm sao để những yếu tố gốc ấy biến hóa và không ngừng vận động?”. Nếu không, nghệ thuật của họ chỉ là những bản sao mờ nhạt của nền nghệ thuật dân gian.
Mà riêng trong tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Mai, yếu tố gốc bao gồm hai phương diện:
1. Những đề tài, biểu tượng từ văn hóa truyền thống của người Việt ví như những pho tượng gốm, sứ hay đá từ xa xưa, những con vật thiêng hay quen thuộc trong đời sống người Việt , hình tượng phụ nữ hay thầy mo, thầy cúng trong tranh dân gian...
2. Vùng màu có thể coi là riêng của cô ấy, nó như một mã màu (code) mà chỉ cần nhìn tranh là người xem có thể nhận ra cô ấy.
Từ những hình tượng dân gian chuyển qua những hình tượng đời thường trong cuộc sống đương đại, từ những màu sắc gốc chuyển sang những màu khác nhờ những tương tác màu rất khéo của họa sỹ, Nguyễn Thị Mai đã làm điều đó quá hay.
Xem tranh của cô ấy giống như khi ta nhìn vào một chiếc kính vạn hoa vậy. Chỉ cần lắc một cái thôi, ta sẽ thấy một tác phẩm hoàn toàn khác biệt với cái lắc trước đó, ngẫu nhiên và không bao giờ trùng lặp. Sự biến hóa đó không chỉ ở các thành tố riêng lẻ (hình hay màu hay nhịp điệu của một tác phẩm) mà nó là một tổng hòa các yếu tố đó. Và, kỳ lạ nhất là tác giả đã làm điều ấy thật nhẹ nhàng, thật tự nhiên, dễ dàng, nhờ vậy mà tạo nên sự tò mò, hấp dẫn hơn đối với người xem.
Nghệ thuật khi làm cho một truyền thống trở nên sống động thì nó chính là nghệ thuật đương đại, đơn giản là thế đấy!
Thông tin về họa sĩ Nguyễn Thị Mai:
Họa sĩ Nguyễn Thị Mai sinh năm 1966. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế khoa tiếng Nga (1985-1990). Học 3 năm quản trị kinh doanh tại Singapore (1999-2002). Đã làm việc trong lĩnh vực khách sạn du lịch Đà Nẵng 4 năm (1990-1994). Và ngành vận tải Singapore 4 năm (2000-2004). Năm 2004, Nguyễn Thị Mai bắt đầu đến với hội họa bằng con đường tự học, vẽ tranh trên nhiều chất liệu sơn dầu, giấy dó, lụa, acrylic…nhưng mãi đến 2009, Mai mới thực sự tìm hiểu và thể nghiệm kỹ thuật sơn mài dưới sự dẫn dắt của người thầy là họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng.
Học thuật sơn mài chuẩn mực đã thuyết phục chị, tiếp sức cho chị đủ tự tin khám phá bằng một tinh thần quyết liệt, không bỏ qua bất cứ một chi tiết khắt khe nào dù là nhỏ nhất. Đó là nguyên do mà cho đến bây giờ chị đã sở hữu một tay nghề thể hiện tranh sơn mài thuần thục, vững vàng.
Một số triển lãm gần đây chị đã tham gia: triển lãm toàn quốc 2010, triển lãm 1.000 Thăng Long Hà Nội, Triển lãm của các tác giả nữ 2011..., và rất nhiều triển lãm cá nhân với các chủ đề như “Cội nguồn”, “Đàn bà”, “Thế Giới Cổ Tích”, và lần này là “Thiên hình vạn trạng”.
Vào cửa tự do!
Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS ART STUDIO) có chức năng nghiên cứu và hỗ trợ phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, trực thuộc Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch).