Năm nay là lần thứ 7 Liên hoan “Múa Đương đại: Sự gặp gỡ Á-Âu” được tổ chức với sự điều phối của Viện Goethe. Kể từ năm 2011, Liên hoan đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và nhận được hưởng ứng tích cực từ giới truyền thông cũng như từ đông đảo công chúng, góp phần tăng cường quảng bá nghệ thuật múa đương đại, cũng như tăng cường sự giao lưu và hợp tác giữa các nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế.
Múa đương đại được coi như một ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện quan điểm của xã hội, ngoài ra nó còn mang đến sự biểu đạt về các chủ đề: kỹ thuật, cảm xúc, tư tưởng, năng lượng sáng tạo và tình yêu bền bỉ.
Nghệ sĩ là người đại diện cho tất cả chúng ta, thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trong xã hội. Họ tiếp nhận những nỗi lo âu, hy vọng của chúng ta, đặt chúng vào tâm điểm hoạt động nghề nghiệp của mình. Họ đặt ra những câu hỏi về nhân tính và bản chất hiện hữu của con người. Họ đo lường nhịp đập của thời đại bằng sức mạnh của sáng tạo nghệ thuật, họ tạo ra những viễn cảnh mới cho thế giới và tập quán quen thuộc. Họ khai sáng cho con mắt và trái tim của chúng ta, họ mang tới cảm nhận và đồng cảm. Từ sân khấu, nguồn năng lượng sẽ lan tỏa xuống khán phòng khiến ta còn trầm ngân suy tưởng sau những khoảnh khắc của buổi diễn. Chúng ta đã xem gì vậy? Nó nói về điều gì? Tại sao ta lại xúc động? Chẳng có câu trả lời rõ ràng nào cả. Nghệ sĩ chính là người đã mở rộng viễn tượng của chúng ta, hoàn toàn tự nhiên, nghệ thuật biểu diễn đòi hỏi từ chúng ta một cách ứng xử tôn trọng và tư duy chiều sâu.
URBAN DISTORTIONS là tác phẩm hợp tác Pháp-Việt với sự tham gia của nhạc sĩ Teddy Chilla (Nguyễn Đức Trung Tuấn) và ca sĩ Suboi . Kết quả của sự phối hợp này là một bài thơ về không gian, tính chất vật lý và ranh giới văn hóa của nó. Tác phẩm lấy cảm hứng từ hiện tượng di dân toàn cầu, nó đặt ra câu hỏi không gian sống là gì, chúng ta sẽ chia sẻ nó với ai? Chúng ta nhận thức như thế nào về sự khác biệt văn hóa và tha nhân?
Nghệ thuật múa luôn liên quan tới vấn đề cơ thể ở trong không gian. Không gian chính là thứ bao quanh chúng ta về mặt vật lý, văn hóa hay đơn giản là một cái nhìn nên thơ về một vùng đất, một xã hội hay một đô thị nơi chúng ta thường tự vấn về những ranh giới hữu hình và vô hình.
Trung Tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội – L’Espace