Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình diễn vở kịch múa về cuộc chiến tranh Việt Nam, “Còn mãi bản hùng ca” lúc 20h ngày 19 tháng 5 năm 2018.
Chiến tranh đã kết thúc, nhưng bản hùng ca vẫn còn mãi, bản hùng ca về tình yêu, về niềm tin với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Cuộc sống đã viết lên những bài ca chạm đến cảm xúc và những kí ức sâu thẳm trong mỗi con người. Khi lắng nghe những bài ca này, khán giả tự cảm thấy bản thân mình mạnh mẽ hơn, được truyền ngọn lửa cảm hứng và vững tin hơn trong cuộc sống.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: HBSO)
Đó là ý tưởng của vở kịch múa “Còn mãi bản hùng ca”, vở kịch múa 1 màn 4 cảnh kéo dài trong 60-70 phút
Đề tài: Cuộc chiến tranh Miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975
Câu chuyện kể về gia đình Má Bảy, cũng như bao gia đình khác ở miền Nam. Họ đã vô cùng bất khuất, kiên cường, vượt lên trên những nổi đau, tiếp tục chiến đấu để dành thắng lợi cho dân tộc.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: HBSO)
NHÂN VẬT
1- Má Bảy – Giao liên mật
2- Chồng Má Bảy – cán bộ kháng chiến
3- Con Má Bảy:
- Hai Hòa, con gái Má Bảy, là nữ sinh, đồng thời là du kích.
- Út Bình, con trai Má Bảy, là học sinh và là bộ đội
4- Vai phản diện: nhóm cảnh sát và lính
5- Nhóm quần chúng, học sinh và bộ đội.
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: HBSO)
THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ SỰ KIỆN:
Thời gian: 20:00 Ngày 19 tháng 5 năm 2018
Địa điểm: Nhà hát thành phố, Số 7 Cổng trường Lam Sơn, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Giá vé: 650.000 – 500.000 – 400.000 – 300.000 – 200.000 – 80.000 VNĐ (Hạng vé sinh viên). Các chương trình giảm giá vẫn áp dụng cho khán giả khi mua vé từ ba chương trình trở lên.
VỞ KỊCH MÚA VỚI CẤU TRÚC NHƯ SAU:
- Mở đầu
- Cảnh 01: Ngọn lửa
Lớp 01: Ấp chiến lược
Lớp 02: Ngọn lửa Đồng Khởi
- Cảnh 02: Hương sen
Lớp 01: Hoạt động bí mật
Lớp 02: Áo trắng
Lớp 03: Tình ca
- Cảnh 03: Dấu son
Lớp 01: Sóng ngầm
Lớp 02: Mậu thân “rực lửa”
Lớp 03: “Bài ca hy vọng”
- Cảnh 04: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Lớp 01: Huyền thoại Trường Sơn
Lớp 02: Hương rừng
- Kết thúc: Lớp 03: Chiến dịch Hồ Chí Minh
(Ảnh minh hoạ - Nguồn: HBSO)
TÓM TẮT NỘI DUNG
Đã có một thời, đất nước bị chia cắt, cả miền Nam biến thành một nhà tù tăm tối.
Câu chuyện của gia đình má Bảy cũng là của mọi gia đình khác đã kiên cường vượt qua tận cùng mọi nỗi đau, sự tàn khốc của cuộc chiến và hòa vào dòng thác “Đồng Khởi”, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng khắp miền Nam.
Má Bảy và gia đình được tổ chức phân công vào Thành hoạt động. Với gánh bánh tét, trái cây bên trong giấu tài liệu, má Bảy đã qua mắt quân địch và hoàn thành nhiệm vụ.
Noi gương ba má hoạt động cách mạng, hai chị em Út Bình tham gia đội văn nghệ học sinh sinh viên và xuống đường tranh đấu. Địch đàn áp dã man, hình ảnh người thầy giáo trẻ dũng cảm chống trả quyết liệt cảnh sát đã khắc sâu trong tim chị Hai đến trọn đời.
Mùa xuân Mậu Thân, chiến tranh bất ngờ vào tận hang ổ của quân thù, má Bảy nhận nhiệm vụ bí mật chuyển vũ khí và tổ chức cứu thương. Út Bình tham gia quân giải phóng. Hai Hòa dẫn đường cho bộ đội tiến công. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra trong từng ngôi nhà, căn phố. Quân thù khiếp sợ phải “xuống thang” và ngồi vào bàn “hội nghị”.
Chiến dịch kết thúc. Út Bình cùng bộ đội trở về căn cứ và được cử đi học xa. Má Bảy đổi địa bàn và bám trụ Sài Gòn. Hai Hòa bị lộ phải tạm biệt mái trường ra vùng ven tham gia du kích.
Quân thù phản kích, ngày và đêm bom đạn điên cuồng trút xuống vùng ven. Nhưng dưới địa đạo vẫn vang lên bài ca yêu đời của đội nữ du kích. Có những phút giây yên tĩnh giữa các đợt bom đạn, Hai Hòa ôm đàn ghita và nhớ đến người yêu đang bị tù đày ở đảo xa với tình yêu thủy chung nồng cháy.
Út Bình học xong và cùng đồng đội trở về quê mẹ. Trên đỉnh Trường Sơn, Út Bình cùng đoàn quân “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, họ đã vượt qua sự khốc liệt của thiên nhiên và cuộc chiến đầy cam go với chính bản thân để đi tới …
Đường Trường Sơn không chỉ có đạn bom hiểm nguy mà còn có những mối tình trong sáng, mãnh liệt của tuổi trẻ để “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”.
Cửa ngõ Sài Gòn – Một cứ điểm kiên cố với hỏa lực hùng hậu cũng không ngăn được bước tiến của quân và dân ta. Trong cuộc chiến cuối cùng đầy cam go và khốc liệt, hai chị em Út Bình bất ngờ gặp nhau trên đường tấn công địch. Một loạt đạn bỗng vang lên Út Bình anh dũng hy sinh trong vòng tay của người chị. Quân ta ào ào xông lên nghiền nát cứ điểm cuối cùng của địch và thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.
Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ cờ hoa, hoa trong lòng người, hoa trên nụ cười rạng rỡ. Hạnh phúc như vỡ òa trong niềm vui giải phóng. Cảnh mẹ gặp con, vợ gặp chồng, người thân sum họp trong niềm vui và nước mắt. Hai Hòa nghẹn ngào ôm lấy má, má Bảy cầm kỷ vật của Út Bình như chết lặng và giọt nước mắt hiếm hoi còn lại từ từ lăn trên má.
Không khí ngày một trở nên sôi nổi, đầm ấm, người thầy giáo đã trở về, nép vào người yêu trong vòng tay âu yếm của má Bảy, Hai Hòa cảm thấy như đang ở trong mơ.
Từng tốp, từng tốp thanh niên với chiếc ba lô trên vai hớn hở tạm biệt bè bạn và người thân.
Thế hệ trẻ thành phố tiếp bước cha ông đi đến vùng sâu, đảo xa để hàn gắn vết thương chiến tranh và để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh ( Nguồn ảnh: HBSO)
Trong phần đầu của chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức Bản giao hưởng “Huyền thoại Mùa xuân” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Chương trình sẽ được chỉ huy bởi NSƯT Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Vé sự kiện: 650.000 VNĐ
Vé sự kiện: 500.000 VNĐ
Vé sự kiện: 400,000 VNĐ
Vé sự kiện: 300.000 VNĐ
Vé sự kiện: 200.000 VNĐ
Vé sinh viên: 80.000 VNĐ
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch TP HCM có chức năng nhiệm vụ: Giới thiệu những tác phẩm âm nhạc lớn quốc tế, những tác phẩm hay của các nhạc sĩ Việt Nam, thông qua các hình thức như: Hòa tấu dàn nhạc, Tốp nhạc, Độc tấu, Múa Ballet,Hát Opera... Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhân dân Thành phố và của khu vực, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến thành phố.