Cố họa sĩ Lưu Công Nhân – Chàng hoàng tử của giới mỹ thuật

Lưu Công Nhân là một trong những họa sĩ có nhiều triển lãm tranh nhất Việt Nam. Trong gần 60 năm làm nghề, ông đã để lại hàng ngàn kiệt tác với đủ các chất liệu, từ sơn dầu, màu nước đến giấy dó… Lưu Công Nhân đặc biệt nổi tiếng với các bức tranh nude và câu chuyện về lối sống phóng túng, dám dấn thân cho nghệ thuật của ông vẫn luôn là đề tài được giới văn nghệ truyền tụng bấy lâu nay…

Tiểu sử cố họa sĩ

Họa sĩ Lưu Công nhân sinh ngày 17/08/1930 tại Phú Thọ, mất ngày 21/07/2007 tại Đà Lạt. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến Việt Bắc, niên khóa 1950 – 1953, hay còn gọi là Khóa Mỹ thuật Kháng chiến chống Pháp, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký thành lập trường.

Năm 1944, Lưu Công Nhân hăng hái tham gia hoạt động cách mạng. Từ năm 1950 – 1953, họa sĩ theo học và tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khóa kháng chiến. Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật kháng chiến ông về công tác tại Cục địch vận Tổng cục Chính trị từ năm 1953 đến năm 1955.

Từ năm 1955 – 1965, ông là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Lưu Công Nhân là một họa sĩ nổi tiếng có nhiều triển lãm tranh nhất tại Việt Nam. Tranh của ông vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, màu nước, giấy dó… Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957.

Cố họa sĩ Lưu Công Nhân mất ngày 21-07-2007 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chân dung họa sĩ Lưu Công Nhân lúc sinh thời (Ảnh: Tư liệu G39 và nhà sưu tập)

 

Giải thưởng mỹ thuật

  • Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam
  • Huân chương Lao động hạng Nhất
  • Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
  • Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
  • Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam
  • Năm 1951, tác phẩm của họa sĩ Lưu Công Nhân đã được trao tặng Giải thương Triển lãm Hội họa
  • Năm 1959, đoạt giải thưởng Triển lãm Quốc tế Thanh niên tại Varsovie – Ba Lan
  • Năm 1960, đoạt Giải Nhìn Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc
  • Năm 2001, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1

 

Những tác phẩm tiêu biểu

  • Trên xe tải – Sơn dầu (1957)
  • Cày (Sương sớm Ba Vì) – Sơn dầu (1960)
  • Một buổi cày - Sơn dầu (1960)
  • Nông dân học – Sơn dầu (1977)
  • Cổng thành – Sơn dầu (1985)
  • Rặng nhãn bên sông – Thuốc nước (1960 – 1970)
  • Cổng thành – Sơn dầu (1958)

Họa sĩ có thái độ rất lạ lùng, không muốn ai nhắc đến mình nữa. Giả dụ lúc còn sống, họa sĩ còn suy nghĩ về cái danh, nhưng thời điểm đó, họa sĩ cảm thấy nó phù du (Ảnh: Gia đình họa sĩ Lưu Công Nhân cung cấp)

Con trai họa sĩ Lưu Công Nhân – anh Lưu Quốc Bình kể rằng: “Mấy anh em tôi không theo nghề, có học nhưng bỏ. Cái bóng của cụ lớn quá. Cụ là người làm việc rất nghiêm túc. Trước khi mất, vẫn ngồi xe lăn để vẽ. Không những say mê mà còn lao động nghệ thuật một cách khoa học”.

“Sinh thời cụ rất muốn có bảo tàng cá nhân của gia đình. Nhưng lúc gần cuối đời cụ lại bỏ ý định đó đi. Cụ không cho làm bảo tàng cá nhân, dặn gia đình không triển lãm, không in sách. Cụ có thái độ rất lạ lùng, không muốn ai nhắc đến mình nữa. Ví dụ lúc còn sống, cụ còn suy nghĩ về cái danh, nhưng thời điểm đó, cụ cảm thấy nó phù du”.

Ngoài thuận lợi đặc biệt về hoàn cảnh, còn phải kể bản lĩnh và lựa chọn của nghệ sĩ. Họa sĩ Mai Long nói: “Tôi tâm đắc quan điểm của Lưu Công Nhân: mình phải vẽ điều mình thích, mình cảm nhận, rung động. Chứ không vẽ theo định hướng nếu không phù hợp với mình. Ngay đề tài kháng chiến, ông không vẽ chiến trường mà vẽ chú bé đeo súng gỗ. Độc lập sáng tạo, không bị gò bó vào khuôn khổ - cái đó rất đẹp với nghệ sĩ. Bản lĩnh nữa. Trong một xã hội rất nhiều cái không “mở” hẳn, ông đã tư duy được như thế. Ông rất nhất quán chứ không phải sau này mới trưởng thành”.

Lưu Công Nhân vốn nổi tiếng là học trò tài hoa nhất trong số các học trò của danh họa Tô Ngọc Vân. Theo ký ức của họa sĩ Tô Ngọc Thành, danh họa Tô Ngọc Vân từng nói với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm: “Đốt đuốc mới đi tìm được một Lưu Công Nhân”. Tô Ngọc Vân cũng từng có lần viết trong nhật ký: “Lưu Công Nhân là tuổi trẻ của ta hiện về”.

"Đốt đuốc mới tìm được một Lưu Công Nhân" (Ảnh: Tư liệu G39 và nhà sưu tập)

Viết về họa sĩ Lưu Công Nhân, nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Ông là một người cao lớn, tài hoa, duyên dáng, học thức và lịch thiệp như chỉ có trong thơ và truyện trữ tình. Có một nền tảng gia đình sung túc, một lý lịch chính trị quá sáng, người họa sĩ tài năng này đã sớm lựa chọn và định hình chobanr thân một con đường sáng tác nghệ thuật riêng, luôn tìm kiếm trong mọi chất liệu và khuynh hướng.

Sự nghiệp sáng tác của ông khá đồ sộ bởi ông lao động sáng tạo miệt mài và sáng tác trên nhiều chất liệu từ sơn dầu, sơn mài, lụa… đến bột màu, thuốc nước.

Với phong cách tài hoa bậc nhất, danh họa Tô Ngọc Vân công nhận Lưu Công Nhân là học trò xuất sắc nhất của ông (Ảnh: Họa sĩ)

Ông luôn luôn tìm tòi, thể nghiệm nhiều phong cách, bút pháp từ hiện thực đến trừu tượng như các đề tài vẽ về người chiến sĩ, nông dân, phong cảnh nông thôn, miền núi, miền biển, thiếu nữ, tĩnh vật…bằng cách biểu đạt phóng khoáng, lãng tử, đậm sắc thái phiêu lãng, màu sắc hài hòa, táo bạo. Họa sĩ thử nghiệm ở nhiều mảng đề tài, ông chủ yếu sẽ ít nét ở trong tranh, vẽ để gợi, chỉ một vài nét đã gợi lên một con đường, một cây xoan, một lô-cốt hay một thiếu nữ. Phải là người thật sự vững hình mới có thể vẽ nét kiểu “cuồng thảo” như ông, mà cũng phải vẽ thật nhiều thì mới có thể vẽ thật ít ở trong tranh như ông”. Có thể chia giai đoạn sáng tác của Lưu Công Nhân thành hai giai đoạn, hiện thực và hiện thực lãng mạn. Giai đoạn hiện thực của họa sĩ được đánh dấu bằng sự ra đời của ba tác phẩm tiêu biểu mà ông luôn kể tên trong bất kỳ tiểu sử tự thuật nào: Buổi cày sớm, Bình dân học vụ, Những cô gái công trường.

"Rặng nhãn bên sông" - Tranh sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ Lưu Công Nhân (Ảnh: Họa sĩ)

Những tác phẩm này đều nằm trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của ông, sau khi ông tốt nghiệp khóa Mỹ thuật kháng chiến chỉ vài năm. Giai đoạn này kết thúc nhanh để chuyển sang một giai đoạn mới khi ông không còn có ý niệm theo đuổi hiện thực với những quy luật thấu thị, xa gần nhưng hội họa của ông cũng không hoàn toàn là hội họa không hình. Những tác phẩm nổi bật của thời kỳ này có thể kể đến loạt tranh sơn dầu ông vẽ cảnh bờ đê dưới bầu trời mùa xuân nắng bạc, nơi chân đê có cây xoan, quán nước hoặc lô-cốt, biểu tượng của chiến tranh một thời được họa sĩ tái hiện lại một cách hết sức ám ảnh. Một loạt tranh nổi bật khác nữa vẽ những con đường quốc lộ, hai bên là hàng cột mốc cây số, xa xa là những ngôi làng, một cảnh tượng nếu tả bằng lời thì rất khô khan nhưng qua tranh ông lại trở nên vô cùng trữ tình.

Tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp cầm cọ của Lưu Công Nhân - "Bình dân học vụ" -

Sơn dầu - 1955 (Ảnh: Họa sĩ)

Người họa sĩ thường có thói quen ghi chép tài liệu, ví như vẽ cảnh một cô nông dân tát nước, người họa sĩ phải ghi lại dáng đứng của cô gái ấy lúc đứng trên bờ ruộng, động tác khi gầu chìm dưới nước, khi gầu đưa nước sang thửa ruộng bên cạnh… Ghi chép hay ký họa chỉ là phương tiện, chưa phải là tác phẩm nhưng Lưu Công Nhân đã biến tất cả những phương pháp, phương tiện đó thành phong cách. Ở người họa sĩ này, khó phân biệt ký họa, trực họa, ghi chép với tác phẩm – bốn yếu tố đó đã hòa quyện làm một.

Nhiều tác phẩm của Lưu Công Nhân mang dấu ấn nghệ thuật cao, gây ảnh hướng nhiều đến lớp các họa sĩ trẻ. Đến nay, giá trị hội họa của ông đã trở nên đồ sộ, với 16 lần triển lãm cá nhân.

Trong những sáng tác đề tài nude của họa sĩ Lưu Công Nhân, có thể nhìn thấy dấu ấn của hai cách khai thác đề tài khác nhau. Thứ nhất, ông sử dụng mực nho vẽ với những nét phóng khoáng, những bức vẽ như thế gợi hình rất duyên và mạnh mẽ.

Ở cách khai thác còn lại, ông sử dụng những mảng màu đậm nhạt để tạo khối, cho thấy một tay nghề hình họa kỹ lưỡng và cảm xúc dịu dàng. Khuôn mặt tạc chân dung người mẫu thường được phác ước lên, hay tả thực đều mang một dáng vẻ bình thản, tĩnh tâm và nội tại. Đôi mắt hơi xếch rất Á Đông. Ông duy trì được sự bình thản đó qua nhiều chất liệu, dù là mực nho hay sơn dầu.

Bức họa nude quý giá còn sót lại trong bộ sưu tập tranh của Lưu Công Nhân

(Ảnh: Họa sĩ)

Đặc biệt hơn, với kỹ thuật vẽ của ông, chúng gần như đều tạo một hiệu ứng trong veo và tản màu rất mỏng như thể bằng một chất liệu nhẹ và dễ bay lên như màu nước. Những bức nude trong triển lãm của ông có nhiều tông màu, cũng có độ dày mượt khác nhau của chất liệu, nhưng sự trong veo luôn vậy, không thay đổi. Có lẽ, nó bắt nguồn từ chính cái nhìn của người nghệ sĩ.

Họa sĩ tài năng Lưu Công Nhân thực sự đã rời giá vẽ vào chiều 21/07/2007, khép lại một sự nghiệp mỹ thuật rực rỡ và huy hoàng ở tuổi 78. Dù tài năng mỹ thuật hiếm có này đã ngừng tay cọ, nhưng những tác phẩm của ông vẫn sẽ bất tử và sống mãi với thời đại, bất chấp những quy luật thử thách khắc nghiệt của thời gian.

Cùng nhìn lại những tác phẩm để đời của danh họa Lưu Công Nhận qua triển lãm "Nét":

Tác phẩm "Cô gái hái chuối" - Sơn dầu - 1960 

"Đi cấy" - Sơn dầu - 1960


"Phiên chợ" - Sơn dầu - 1960

"Tĩnh vật hoa" - Bột màu trên giấy - 1993