Hoài niệm Tết Trung thu xưa qua loạt tranh dành cho thiếu nhi của danh họa Bùi Xuân Phái

Trung thu đang đến gần, hãy cùng ticketgo.vn điểm lại sự nghiệp lừng lẫy của danh họa Bùi Xuân Phái qua loạt tranh Tết Trung thu của ông. Những bức tranh quý giá còn sót  lại trong kho tàng tranh của Bùi Xuân Phái được lưu giữ lại như những mảnh linh hồn của ngày Tết Trung thu trong một giai đoạn đầy khói lửa nhưng vẫn đầy ắp nụ cười trẻ thơ…

Một trong những bức họa nổi bật của danh họa về Trung thu (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Bùi Xuân Phái không còn là cái tên xa lạ với người yêu tranh nhiều thập kỷ nay. Ông nổi tiếng với thương hiệu tranh Phố Phái trong hình ảnh 36 phố phường đã đi sâu vào tâm trí và tiềm thức của nhiều người yêu Hà Nội. Bên cạnh tên tuổi gắn liền với những bức tranh vẽ về phố cổ Hà Nội, về chèo, còn có một đề tài khác trong tranh của danh họa Bùi Xuân Phái cũng rất ấn tượng và độc đáo mà không nhiều người biết đến, đó là tranh Tết Trung thu của thiếu nhi. Nếu như phố trong tranh ông thâm trầm bao nhiêu thì những bức tranh Trung thu của ông lại rộn ràng bấy nhiêu.

 

Đầu rồng và trò chơi dân gian truyền thống như đèn ông sao, múa lân được truyền tải qua nét vẽ hồn nhiên của danh họa Bùi Xuân Phái (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Đề tài “Vui Tết Trung thu” được họa sĩ gây cảm hứng vào khoảng những năm 1965 đến 1970, giai đoạn chiến tranh ác liệt ở hai miền Nam – Bắc. Những bức tranh bột màu tươi tắn và rực rỡ được họa sĩ vẽ khi gia đình có sự chia cắt. Khi cuộc chiến đẫm máu diễn ra, 5 đứa con của họa sĩ dưới 10 tuổi buộc phải xa bố mẹ để đi sơ tán ở Hoài Đức, họa sĩ và vợ vẫn ở lại căn nhà 87 phố Thuốc Bắc. Giữa cuộc chiến, tuy đời sống không mấy dư dả nhưng mỗi lần về nông thôn thăm con, bầu không khí đón Tết thiếu nhi rộn ràng, đầm ấm đã truyền cảm hứng cho người nghệ sĩ. Đó là tình thương dành cho những đứa con xa nhà được họa sĩ gửi gắm vào từng mảng màu, từng nét cọ.

Điều thú vị là khi còn sống, loạt tranh về Tết Trung thu của họa sĩ chỉ được coi như một thứ hàng hóa khuyến mãi khi có khách đến mua tranh phố của ông

(Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Dưới ánh trăng thu, người lớn ngồi với nhau uống trà, thưởng rượu, ngắm trăng, làm thơ. Trẻ em được vui chơi thỏa thích, được hòa mình vào thế giới đồ chơi kỳ thú cùng mâm cỗ đêm Rằm. Trong đêm Trung thu, mọi người chờ trăng lên rồi phá cỗ, những đứa trẻ quanh xóm rước đèn lồng, chia nhau những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, cùng các loại hoa quả đặc trưng của mùa thu như bưởi, chuối, hồng, na…Tất cả đã đi vào tranh của họa sĩ một cách bình dị và thân thương nhất.

Một trong số những bức tranh vẽ Tết Trung thu đoàn viên nổi bật của danh họa Phái là bức “Trung thu đã đến”. Đây là bức họa nổi bật của họa sĩ trong số những tác phẩm vẽ về đề tài Trung thu.

Tác phẩm “Trung thu đã đến” của danh họa Bùi Xuân Phái vẽ năm 1982

(Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Nằm trong bộ sưu tập của họa sĩ Văn Dương Thành cùng hàng trăm tác phẩm khác, bức “Trung thu đã đến” của Bùi Xuân Phái được họa sĩ Dương Văn Thành chia sẻ: ““Bức Trung thu đã đến của danh họa Bùi Xuân Phái cho thấy ông không chỉ vẽ phố buồn màu xám, mà vẽ một Tết Trung thu nô nức tiếng trống, tiếng kèn và các cháu rước đèn ông sao”. Đây là bức nằm trong số những bức tranh được triển lãm lần đầu tiên của Bùi Xuân Phái tại Viện Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương, một viện bảo tàng quốc gia lớn của Thụy Điển, vào năm 2000. Bút pháp trong bức vẽ này của Bùi Xuân Phái khá lạ. Ông sử dụng nhiều hình tượng dân gian để diễn tả các em bé đang vui chơi Trung thu rộn ràng, sử dụng phong cách nghệ thuật hội họa dân gian đơn tuyến, bình đồ. Tức là vẽ tuyến màu đen ở ngoài, các em bé chân nghiêng, cổ ngửa lên nhìn trăng giống như các bức vẽ ở đình, làng, chùa, rồi tô màu bên trong.

Tết Trung thu đoàn viên 

(Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

Có thể nhận thấy, Bùi Xuân Phái vẽ chân nghiêng theo cách vẽ của người châu Á và Việt Nam ngày xưa. Phong cách ký họa dân gian rất hợp với đề tài này. Trong tranh, các em bé ngước lên nhìn trăng và nhìn đèn ông sao. Rước đèn, đánh trống, rước đầu sư tử khá phổ biến thời xưa.Thời đó, nhà nghèo nhất thì cũng có thể mua được 1 cái đèn ông sao cho con em mình, bên trong thắp một cây nến. Gia đình nào có điều kiện, cầu kỳ thì lấy hạt bưởi phơi khô, xâu vào dây, rồi đốt, chạy xung quanh một cái đèn cù hay đèn kéo quân…

Các bức tranh này chủ yếu được họa sĩ vẽ bằng bột màu, với màu sắc tươi tắn, rực rỡ, trái ngược với những bức tranh về phố của ông (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

Qua Trung thu đã đến của Bùi Xuân Phái, chúng ta có thể thấy được một cỗ tết Trung thu đơn sơ, mộc mạc nhưng vui nhộn. Bước chân của các em dường như theo nhịp trống. Các nhà nghiên cứu Thụy Điển nhận xét, cách vẽ của ông dường như  thể hiện được âm thanh  “tùng, tùng” của tiếng trống. Bức tranh đầy tiếng nhạc, khác hẳn với phố không một bóng người, không  một nét bút gợn lên, phẳng. Ngoài ra, trong tranh có màu nâu ấm khi ông vẽ các em bé mặc áo hoa, thể hiện sự lạc quan, yêu đời.

Là người gắn bó với họa sỹ Bùi Xuân Phái và gia đình ông từ thời trẻ, họa sỹ Văn Dương Thành cho biết, gia đình họa sỹ Bùi Xuân Phái ở gần phố Hàng Mã, nên các hình ảnh hàng mã, cá chép bằng giấy hoặc giấy bóng kính khá quen thuộc với ông, đi vào tranh hết sức tự nhiên.

Khi vẽ bức tranh này, Bùi Xuân Phái đã có con cháu đề huề nhưng dường như ông vẫn vui tươi, hồ hởi đón chào Trung thu. Bùi Xuân Phái là một nghệ sỹ có thể biểu hiện vui buồn ngay trong tranh. Các nhà phê bình Thụy Điển  ở Viện Bảo tàng châu Á- Thái Bình Dương cũng ngạc nhiên với bức Trung thu đã đến. Họ thấy bức tranh đầy nhạc tính, sôi động, vui tươi.

 

Những bức tranh còn được lưu giữ lại như những mảnh linh hồn của ngày Tết Trung thu trong một giai đoạn khói lửa nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ

(Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

Nếu tranh phố của ông thâm trầm và tĩnh lặng bao nhiêu thì tranh Trung thu của họa sĩ lại khác nhiều với tranh phố, đó là nét ngây thơ, hồn nhiên, chân thực. Ông chú trọng tận dụng tối đa thủ pháp bóp hình, có nhịp điệu của ý tưởng. Những đứa trẻ trong tranh ông hiện lên với một tinh thần ngộ nghĩnh, ngửa cổ ra sau để ngóng theo ánh sáng kỳ ảo được phát ra từ chiếc đèn ông sao. Ở mảng đề tài trẻ em vui Tết Trung thu, nghệ thuật tranh Bùi Xuân Phái đề cao tính nhân đạo, đầy ắp tình thương, đem tình yêu tha thiết từ những con người bình dân đến những em nhỏ xa mẹ để đi sơ tán trong thời chiến. Trong cuốn nhật ký của mình, Bùi Xuân Phái từng viết “Cứ vẽ như một người không biết vẽ”. Quả thật ở loạt tranh Trung thu, ông đã hiện thực hóa phương châm nghệ thuật này. Những họa phẩm của họa sĩ về Trung thu đều ẩn chứa nét ngây thơ, trong trẻo ở một người họa sĩ đã đứng tuổi. Bùi Xuân Phái vẽ tranh Trung thu có nhiều nét tựa như những bức tranh vẽ của con trẻ. Điều đáng nói ở đây là, những bức vẽ Tết Trung thu cho thấy danh họa có biệt tài vẽ tranh chân dung và bố cục, cũng như khả năng vẽ rất đa dạng, không chỉ “đóng khung” ở Phố Phái qua bài viết của nhà văn Nguyễn Tuân.

 

Mỗi lần về nông thôn thăm con, họa sĩ lại được truyền nhiều cảm hứng để sáng tạo nên những bức vẽ về đề tài Trung thu Bắc Bộ (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Cũng giống như những tấm thiệp chúc mừng năm mới hay loạt tranh vẽ chèo, tranh Trung thu đã minh chứng cho sự đa dạng và sự sáng tạo luôn tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật của hội họa Bùi Xuân Phái. Không chỉ có biệt tài vẽ phố cổ Hà Nội để làm nên một thế giới phố Phái độc đáo, danh họa vẫn làm các thế hệ mai sau bất ngờ và kinh ngạc về con người ông – một họa sĩ tài hoa, nhưng rất giản dị và khiêm nhường. Những tác phẩm hội họa của ông luôn đầy ắp sức mạnh tinh thần, dung dị và ấm áp.

Cho tới nay, những bức tranh ông vẽ về Trung thu đã không còn nằm trong bộ sưu tập gia đình của cố họa sĩ nhưng nhình ảnh còn sót lại được chụp từ các cuốn sách hội họa tuy hình ảnh không còn sắc nét, đẹp như tranh thật nhưng cũng đủ để người xem hiểu được tinh thần trong tranh Phái với tinh thần yêu cái đẹp, hướng tới tính nhân văn. Nghệ thuật Bùi Xuân Phái với tính nhân đạo, đầy ắp tình thương, trong trẻo, gột rửa những nhọc nhằn, nghèo khó, đem tình yêu tha thiết an ủi từ những con người bình dân, đến những em nhỏ xa mẹ để đi sơ tán trong thời chiến.

Những bức bích họa đầy ắp tính nhân đạo được gửi gắm trong tranh của Bùi Xuân Phái với hy vọng về những mầm non tương lai của đất nước (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Qua những bức họa về Trung thu của người họa sĩ tài hoa này, chúng ta càng có dịp tưởng tượng rõ nét hơn về mâm Tết Trung thu cách đây nhiều thập kỷ - đã từng tồn tại như một phần không thể thiếu trong nét đẹp và cội nguồn văn hóa của dân tộc. Đó là một thế giới tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng vui nhộn, giàu tính truyền thống với những chiếc ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ… Hình ảnh trẻ em với những bước chân dường như bước theo nhịp trống. Các nhà phê bình mỹ thuật Thụy Điển nhận xét, cách vẽ của Bùi Xuân Phái dường như khí thế, thể hiện được âm thanh “tùng, tùng” của tiếng trống. Ta cảm nhận được những bức tranh như phát ra tiếng nhạc, khác hẳn với phố Phái ít người. Ngoài ra, trong tranh có màu nâu ấm khi ông vẽ các em bé mặc áo hoa, thể hiện sự lạc quan, yêu đời.

 

 

Chất liệu đời sống và hiện thực có tác động mạnh mẽ đến thế giới quan của họa sĩ. Gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái sống ở gần phố Hàng Mã, đó là lý do lý giải tại sao trong tranh ông, các hình ảnh đặc sắc của hàng mã như cá chép giấy, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ hoặc giấy bóng kính khá quen thuộc với ông và đi vào tranh hết sức tự nhiên.

Khi sáng tác những bức họa về Tết Trung thu đoàn viên, họa sĩ đã rất lớn tuổi, con cháu đã đề huề nhưng dường như ông vẫn vui tươi, hồ hởi trong mỗi bức tranh về Tết đoàn viên mang đậm nét và bản sắc văn hóa Việt. Bùi Xuân Phái là mẫu nghệ sĩ có thể biểu hiện vui buồn ngay trong tranh. Các nhà phê bình mỹ thuật Thụy Điển ở Viện Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương cũng vô cùng ngạc nhiên với bức “Trung thu đã đến” của họa sĩ tài năng này. Họ thấy được nhạc tính, sự vui tươi, sôi động trong mỗi họa phẩm của danh họa.

Hình ảnh ông Tiến sĩ giấy, chiếc đèn ông sao thông qua đồ chơi mà cha mẹ chúng muốn gửi gắm những ước mơ và niềm hy vọng, mong con cháu học giỏi, mai sau sớm đỗ đạt nên người

(Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

Nhiều nhà phê bình nhận xét, tuy số lượng tranh về Rằm Trung thu của họa sĩ Bùi Xuân Phái không còn nhiều nhưng nét vẽ của ông có phần tương tự và gần gũi với những bức họa về chủ đề Chèo từng gây nhiều tiếng vang cho tên tuổi của họa sĩ. Những bức vẽ về Trung thu vì không còn nhiều nên được coi là bảo vật của vị họa sĩ tài ba này.

 

Trẻ em được vui chơi thỏa thích, được hòa mình vào thế giới đồ chơi kỳ thú cùng mâm cỗ đêm Rằm. Thực sự là ngày Tết của thiếu nhi từ xa xưa và đã trở thành tục lệ, mặt khác nó cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc giáo dục trẻ em, cả vật chất lẫn tinh thần một cách sinh động và độc đáo. Hình ảnh ông Tiến sĩ giấy, chiếc đèn ông sao thông qua đồ chơi mà cha mẹ chúng muốn gửi gắm những ước mơ và niềm hy vọng, mong con cháu học giỏi, mai sau sớm đỗ đạt nên người.

Tác phẩm bút sáp màu "Trung thu" được tái hiện dưới con mắt của họa sĩ Bùi Xuân Phái   (Ảnh: Gia đình họa sĩ cung cấp)

 

Đoạn cuối tác phẩm “Hai đứa trẻ”, nhà văn Thạch Lam muốn gửi gắm tới người đọc về thông điệp đầy tính nhân văn thông qua cảnh đợi tàu của hai đứa trẻ với thông điệp: trẻ em là những mầm non tương lai và hy vọng của đất nước, người lớn hãy hành động để cứu lấy tương lai của trẻ thơ, đừng để chúng ngậm ngùi trong đau đớn xót xa. Trẻ em là những đối tượng mỏng manh, dễ bị tổn thương trong xã hội, hình ảnh Tết Trung Thu trong tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái tuy chỉ còn tồn tại trong hoài niệm nhưng giá trị, thông điệp và ý nghĩa nhân văn của họa sĩ sẽ vẫn còn tồn tại mãi, khẳng định sức sống trường tồn bất diệt của nghệ thuật và cái Đẹp trong hành trình phát triển nền văn minh của lịch sử loài người./.