Chắc hẳn các bạn luôn được nghe đâu đó nói rằng: "Thu nhập của các Animators là rất thấp, không đủ sống hoặc điều kiện sống không được nâng cao"? Đó là góc nhìn từ phía các Animator, những người trực tiếp vẽ từng khung hình làm anime.
Mình cũng hiểu được những vất vả này của những Animators. Nhưng hôm nay, mình sẽ cùng các bạn phân tích một góc nhìn khác, rất khác, đó là tình hình tài chính của những công ty chế tác anime này? Họ thực sự có lợi nhuận cao? Siêu lợi nhuận? Hay vì lý do gì khiến cho thu nhập của các Animators trở nên ngặt nghèo đến như vậy? Tất cả sẽ được phân tích và đánh giá trong báo cáo này của TDB.
Báo cáo này được thực hiện dựa trên số liệu tài chính khảo sát độc lập của hơn 230 công ty chế tác anime từ lớn lẫn nhỏ trong vòng 10 năm từ năm 2007 đến 2016. Sau đây là những tóm tắt và phân tích chính:
Nếu năm 2007, tổng doanh thu của các công ty chế tác anime chỉ là 116 tỷ yên, thì đến năm 2017 con số này đã lên đến 180 tỷ yên và dự báo sẽ tiếp tục tăng, cho thấy được tiềm năng của thị trường vẫn còn lớn. Nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu có thể nói là "khiêm tốn" so với quy mô của thị trường, khi doanh thu vẫn còn chưa đạt được những "bùng nổ" nhất định.
Doanh thu tăng, dĩ nhiên đồng nghĩa với đồng lương thu nhập của các animator cũng sẽ tăng. Tuy nhiên do sự tăng của doanh thu chậm, dẫn đến các công ty chế tác cũng rụt rè cho việc "lương - thưởng", bởi họ buộc phải tiếp tục cân đối bức tranh tài chính vào năm sau. Vấn đề này có lẽ sẽ còn kéo dài và khó có thể giải quyết được một sớm một chiều trong năm 2018. Các bạn có thể tham chiếu trong đồ thị 1 bên trái.
Trái ngược với tình hình chung của tổng doanh thu của các studio, doanh thu trung bình mà các Studio thực hiện lại có chiều hướng suy giảm, khi số lượng của các studio lại tăng nhưng tổng doanh thu lại không theo kịp số lượng đó. Điều này có thể được giải thích bởi hai nguyên nhân:
+ Nguyên nhân thứ nhất: Các NPH cạnh tranh thị trường quá gay gắt dẫn tới một cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt xảy ra không chỉ ở mức "thượng tầng" - tức những Studio lớn như A-1 pictures, Shaft hay Ufotable, mà cả ở dưới "hạ tầng", những công ty hữu hạn một thành viên hoặc bé hơn, chuyên nhận việc gia công từ những công ty "thượng tầng" đó. Các bạn có thể nhìn thấy ở hai đường so sánh về tỷ lệ sụt giảm ở đồ thị hai, khi các studio lớn và bé đều gần như sống "cộng sinh" với nhau: hoặc cùng tăng hoặc cùng giảm.
+ Nguyên nhân thứ hai: Thị trường Nhật Bản đã bão hòa tới mức cạn kiệt, khi số lượng Anime đã quá nhiều và dường như không thể vắt kiệt hơn được nữa. Minh chứng cho điều này đó là ở đồ thị thứ nhất (đường màu xanh lá) thể hiện sự phát triển của số lượng anime được công chiếu tăng rất "nóng", có thời điểm tới 30% số lượng, nhưng về mặt logic, khi tăng 30% lượng anime, thì doanh thu chí ít cũng phải tăng một mức tương đương như vậy. Nhưng doanh thu chỉ tăng rất chậm cho thấy mức độ bão hòa quá cao, và độ ỳ quá lớn khiến anime không thể bán được nữa.
Ở đồ thị thứ 3 (trái bên dưới) biểu hiện tình hình chung của các studio từ năm 2012 tới 2016. Các chỉ số cho thấy nhìn chung, lợi nhuận của studio ngày càng giảm, trong đó năm 2015 tới 60% studio chấp nhận giảm lợi nhuận (màu cam) và tình hình có vẻ sáng sủa hơn vào năm 2016, nhưng không thể nói trước được điều gì. Có chuyện gì đã xảy ra? Có thể nói rất đơn giản: sự bùng nổ về Anime trong giai đoạn 2015 và 2016 là một sự bùng nổ không bền vững, các Studio đang chơi bài toán đánh đổi lượng - giá khi chấp nhận hơn về số lượng nhưng giảm về giá. Sự đánh đổi này tạo ra những rủi ro cho bức tranh tài chính và việc cân bằng nó trở nên không dễ dàng một chút nào, và thậm chí là có nguy cơ lỗ và đổ vỡ. Tại sao lợi nhuận lại sụt giảm? Mình xin được phép giải thích như sau:
+ Lý do thứ nhất: Chi phí tái đầu tư tăng cao
Khác với những ngành CN khác, CN anime đòi hỏi phải tái đầu tư thiết bị khá lớn như nâng cấp máy móc và công cụ hỗ trợ liên tục. Kết hợp với doanh thu không triển vọng, khiến bức tranh cân đối tài chính trở nên eo hẹp hơn. Các công ty khó có thể tăng thêm nhiều lương cho các Animator bởi họ cũng buộc phải trích một phần lợi nhuận để tái đầu tư thiết bị, cũng như chuẩn bị những kế hoạch cho năm tài khóa kế tiếp.
+ Lý do thứ hai: Cạnh tranh khiến các công ty vắt kiệt hết nguồn lực nội lực của mình cho cuộc chạy đua về giá - chất lượng.
Chúng ta vẫn thường hay nói: chất lượng đi đôi với giá cả. Điều đó có lẽ hoàn toàn không đúng trong nền CN anime, khi đòi hỏi của người xem càng ngày càng cao hơn (nhưng thời gian chế tác phải giảm đi), chi phí nhân công càng ngày càng đắt đỏ hơn, nhưng cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn nữa, dẫn tới hệ lụy các công ty sẽ buộc phải "phá giá" món hàng để có được những hợp đồng tốt hơn từ những NPH anime danh tiếng. Chính điều đó tạo thành một áp lực còn lớn hơn cho các Animators, khi họ là người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh này.
4. Những giải quyết cho năm 2018
Trước những thách thức đó, các nhà chế tác Anime hiện nay đang đứng trước một giai đoạn khó khăn, và buộc lòng phải thay đổi nếu không muốn lụi tàn. Và sau đây là những dự đoán của mình về sự thay đổi đó:
+ Sản xuất nhiều hơn anime cho thị trường ngoại quốc, đây là vấn đề bức thiết cần phải giải quyết, và mình tin rằng đây là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán thị trường. Khi có thị trường thì chắc chắn sẽ có một bức tranh tài chính tốt hơn cho các NPH, và kéo theo đó là các Studio chế tác.
+ Sát nhập những studio nhỏ lẻ không có khả năng hoạt động độc lập, đồng thời thành lập các hiệp hội, các quỹ rủi ro cho các hoạt động chế tác anime.
+ Đa dạng hóa nội dung nhằm thu hút đối tượng người xem nước ngoài, bán anime qua các kênh truyền hình trực tuyến, cũng như hợp tác với những kênh phân phối như: Netflix, Hulu... để tạo hướng đi mới cho thị trường.
+ Các studio lắng nghe ý kiến của cộng đồng, để nâng cao chất lượng anime của mình, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng trước những project mạo hiểm không cần thiết.
Hi vọng rằng bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn toàn cảnh về tình hình tài chính của các studio Nhật Bản với những thách thức to lớn đang chờ phía trước, nhưng mình tin rằng nếu các nhà hoạch định có thể ngồi lại và cùng thống nhất những chiến lược, thì trong tương lai gần, những bài toán này sẽ có thể có những lời giải hợp lý.
Nguồn: Hội Đồng Môn
---
Bài viết liên quan: