Tại sao tác giả của ONE PUNCH MAN lại là bậc thầy về Deconstructive Parody ?

ONE, tác giả của hai bộ manga cực kỳ nổi tiếng (One Punch Man và Mob Psycho 100) có phải là bậc thầy của THỂ LOẠI PARODY (Deconstructive Parody)? Hãy cùng nhau phân tích nhận định này dựa trên chính One Punch Man - tác phẩm đã đưa tên tuổi của ONE vươn ra toàn thế giới nhé!

Xem thêm:

Anime, manga cũng như các loại hình văn hóa giải trí khác đều không thể có tác phẩm hoàn toàn sáng tạo, hoàn toàn độc đáo 100% được. Các tác phẩm đều phải có một số điểm giống nhau nhất định và lặp đi lặp lại. Những điểm giống nhau ấy được gọi là các tropes. Dần dần, nếu những tropes lặp lại quá nhiều lần, có thể gây khó chịu cho người xem thì được gọi là các cliches. Tránh né, hạn chế sử dụng các cliche trong tác phẩm của mình là một điều mà các tác giả phải luôn chú ý tới để có thể khiến các bộ anime, manga được tươi mới hơn. Thế nhưng, một số tác giả có thể lợi dụng các cliche bằng cách đảo ngược nó (subverting) để tăng thêm phần thú vị cho tác phẩm, bởi vì đối với các khán giả đã trải nghiệm nhiều, quá quen với các cliche trong anime, họ sẽ rất hào hứng khi thấy những chi tiết quen thuộc trong các thể loại phổ biến bị đảo ngược hoàn toàn. Thậm chí, nếu việc đảo ngược trên được thực hiện tốt, nó sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho tác phẩm.

Có hai dạng đảo ngược các tropes:

+ Dạng thứ nhất là khi ta đảo ngược với thái độ nghiêm túc, nhằm tạo ra một tác phẩm có chiều sâu được gọi là deconstruction. Các tác phẩm rất nổi tiếng của dạng 1 đó là Evangelion, Madoka Magicka,...

+ Dạng thứ hai là khi ta đảo ngược nhằm mục đích hài hước, châm biếm, được gọi là deconstructive parody. Những bộ có yếu tố deconstructive parody chắc chắn sẽ thuộc thể loại hài hước như là KonosubaOne punch man, Mob psycho 100...

Tại sao tác giả của ONE PUNCH MAN lại là bậc thầy về Deconstructive Parody ?

Những chi tiết Deconstructive Parody thực sự khá là phổ biến trong anime, manga, thường được sử dụng với mục đích chính là gây cười (hài hước). Ngay cả một số bộ shounen điển hình cũng có nhiều chi tiết tự châm biếm những cái tropes của thể loại này. Ví dụ như Gintama, Jojo. Hay là những bộ isekai tự châm biếm như Konosuba, ở thể loại harem thì có: Seakano. Thế nhưng, nhìn chung các yếu tố Deconstructive Parody chỉ là yếu tố phụ bổ sung, có rất ít tác phẩm xem các chi tiết này như là một chủ đề chính và khiến cho các chi tiết đó mang một ý nghĩa thực sự. Các tác phẩm của ONE (tác giả của ONE PUNCH MAN) nổi bật lên như là một trong những số ít đó.

Đối với One Punch Man, ngay từ cái ý tưởng của bộ anime là đã lộ rõ ý định của Deconstructive Parody rồi. Ở đây, việc tác giả xây dựng nhân vật Saitama mạnh không tưởng là để đảo ngược chi tiết quen thuộc trong các bộ shounen khi mà nhân vật chính thường bắt đầu từ xuất phát điểm thấp, nhưng lại luôn mong muốn được đứng đầu, được mọi người công nhận năng lực của mình, phải trải qua những trận chiến khó khăn để ngày càng mạnh hơn. Còn đối với Saitama, cậu ta đã là số 1 ngay từ đầu, căn bản trong toàn bộ bộ anime, manga, không ai có thể đấu lại cậu ta, mọi trận đấu với cậu ta đều quá dễ dàng. Đáng lẽ ra với thứ sức mạnh kinh khủng đó, cậu ta sẽ được mọi người kính trọng, nể phục, thế nhưng vì nhiều lý do trớ trêu khác nhau, Saitama không những không được công nhận mà còn nhiều lần bị hiểu lầm, bị vu oan.

Ở đây, tác giả đã tập trung những chi tiết Deconstructive Parody xung quanh nhân vật chính Saitama. Không chỉ là sức mạnh của Saitama mà rất nhiều chi tiết liên quan đến cậu ta đã bị đảo ngược từ thể loại shounen.

Ví dụ như cái cách mà cậu ta tập luyện để trở nên bá đạo. Thông thường các nhân vật chính trong các bộ shounen cần phải “tầm sư học đạo”, được những ông thầy bá đạo chỉ dạy chiêu thức bằng những phương pháp đặc biệt. Thế nhưng đối với Saitama, cậu ta lại có một cách tập luyện rất bình thường, giống như việc tập thể dục hằng ngày vậy thôi nhưng với cường độ cao. Ngay cả cái cách mà Saitama đặt tên cho các chiêu thức của mình như “Đấm thường liên tục” cũng như việc ra đòn chỉ đơn giản bằng...1 đấm là cũng đã thể hiện một sự châm biếm sâu sắc cái trope đặc trưng của thể loại shounen khi mà nhân vật có những chiêu thức với những cái tên và cách ra chiêu đầy khoa trương, khoe mẽ. Bên cạnh đó, ngoại hình của Saitama cũng hoàn toàn đối lập với các nhân vật khác trong bộ anime. Như vụ cái đầu trọc lóc rõ rằng là parody của Dragon Ball. Mà phải nói là ONE (tác giả của ONE PUNCH MAN) có vẻ khá để ý đến bộ Dragon Ball, có không ít chi tiết parody bộ này như một số nhân vật phản diện đơn giản chỉ là nhái lại từ các nhân vật trong Dragon Ball.

Tại sao tác giả của ONE PUNCH MAN lại là bậc thầy về Deconstructive Parody ?

Một điểm đặc biệt ở đây đó là ONE vẫn giữ nguyên thế giới shounen điển hình trong bộ OPM của mình, chỉ có đảo ngược nhân vật chính. Các nhân vật phụ và nhân vật phản diện vẫn hoàn toàn vẫn đậm chất shounen. Ham mê sức mạnh, có ngoại hình màu mè, đặc sắc, có những năng lực riêng biệt,... Có thể nói nhân vật Saitama giống như một “kẻ lạ” bị ném vào trong một thế giới shounen đánh đấm, và chính nhân vật chính này đã đại diện cho tác giả, cho cái nhìn của ONE về thế giới này. Điều này thể hiện qua thái độ chán của nhân vật Saitama khi phải cứ hằng ngày phải thực hiện cái “vòng lặp sức mạnh” vô nghĩa trong thể loại shounen: đánh bại kẻ ác -> kẻ ác mạnh hơn -> đánh bại kẻ ác mạnh -> trùm xuất hiện -> đánh bại trùm -> qua arc mới. Ngoài ra, việc đưa Saitama vào những hoàn cảnh trớ trêu, không được công nhận sức mạnh cũng đã thể hiện tính chất phê phán xã hội khi mà những người thực sự tài giỏi, có năng lực không được phát huy tài năng của mình.

Điều mình thích ở ONE đó là các tác phẩm của anh không những gây cười mà còn có một ý nghĩa nhân văn thực sự.

Ở đây phải kể đến một nhân vật phụ quan trọng đó là Mumen Rider. Cậu ta chính là kiểu nhân vật chính điển hình trong những bộ shounen. Cậu ta có ước mơ hoài bão to lớn được trở thành anh hùng và câu ta có đủ phẩm chất đạo đức của một anh hùng thực sự. Thế nhưng, trớ trêu thay, cậu ta không có bất kỳ sức mạnh nào, cậu ta chỉ là một người bình thường, trong một cái thế giới toàn là siêu nhân. Đối lập với Mumen Rider chính là các anh hùng cấp cao như Amai mask, bọn họ chỉ lợi dụng chức danh anh hùng vì lợi ích cá nhân và hoàn toàn không xứng đáng với từ “anh hùng”. Thế nhưng họ lại được cho sức mạnh và đạt được sự công nhận của xã hội. Ở đây, bên cạnh tính châm biếm, phê phán, tác giả còn thể hiện sự đồng cảm, trân trọng đối với những anh hùng thực sự như Mumen Rider, được thể hiện qua sự kính trọng của Saitama đối với nhân vật này.

Mob Psycho 100

Thế nhưng, trong bộ OPM lối viết truyện của ONE vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện, việc tập trung chủ đề chính của tác phẩm chỉ xoay quanh nhân vật chính Saitama, một số nhân vật phụ như Genos vẫn chưa thực sự có sự xây dựng và phát triển nhân vật tốt. Sau đó, bộ Mob Psycho 100 xuất hiện, chính là minh chứng cho sự cải thiện tuyệt vời của ONE trong việc xây dựng nhân vật. Đối với Mob Psycho 100, các yếu tố Deconstructive Parody không những được xoay quanh nhân vật chính mà còn được mở rộng, phát triển cho cả các nhân vật phụ, biến Mob Psycho trở thành một tác phẩm được hoàn toàn dẫn dắt bởi nhân vật.

 

Có thể nói bộ ONE PUNCH MAN đã khiến mình chú ý đến ONE và bộ MOB PSYCHO 100 khiến ONE trở thành tác giả mà mình yêu thích. Không những tiếp cận và thực hiện tốt chủ đề Deconstructive Parody độc đáo mà ONE còn đang phát triển trong vai trò của một người viết truyện. Các tác phẩm của anh ngày càng hay hơn. Vậy nên, mình thực sự rất mong chờ được xem OPM s2, MP100 s2 hay bất cứ tác phẩm mới của tác giả này.

Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào về ONE cùng các tác phẩm của anh?

Hãy comment tại đây và chia sẻ những suy nghĩ của bản thân và thảo luận cùng mọi người về chủ đề này nhé!