Triển Lãm Tranh Vóc & Dáng 2019

Hai họa sỹ tham gia triển lãm này đều cùng vẽ trên vóc, một chất liệu của sơn mài truyền thống Việt Nam. Bùi Quang Thắng, một họa sỹ lão luyện, chuyên làm sơn khắc và Nguyễn Vĩnh Thịnh, một họa sỹ trẻ, lại lựa chọn sơn mài.

 

Thông tin chi tiết về sự kiện:

Khai mạc: 17h00, ngày 24/7/ 2019

Thời gian: từ 24/7 đến 11/8/22019

Địa điểm: Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Hà Nội

Miễn phí vào cửa

Quan niệm về của VÓC trong giới nghệ sỹ có sự khác biệt: Có người chỉ coi nó như một cái nền của một bức tranh (tương tự như giấy, lụa hay toan), có người lại coi trọng nó như là một phần không thể tách rời và làm nên chất lượng của một tác phẩm nghệ thuật. Họa sỹ Bùi Quang Thắng là người theo quan điểm thứ hai, anh nói: “Với tôi, vóc phải được làm như một bức tranh sơn mài hoàn hảo và nếu không có vóc thật tốt, tôi không muốn vẽ”.

Trong nỗ lực đương đại hóa hội họa sơn mài, nhiều nghệ sỹ đã cố gắng thử nghiệm để cải tiến sự nặng nề của vóc bằng cách làm “sơm mài mà không có vóc”, nhưng có những nghệ sỹ lại muốn duy trì việc vẽ trên vóc như một nhận dạng văn hóa Việt.

Chúng ta có câu thành ngữ “nhất dáng, nhì da” để nói về những đặc điểm giới nổi trội, tạo nên hấp lực của người phụ nữ. Chữ DÁNG/ VÓC DÁNG ở triển lãm này là hàm nghĩa đó: Người họa sỹ tạo hình/ tạo dáng cho người phụ nữ trong tranh của mình như thế nào để bộc lộ được quan điểm thẩm mỹ của mình? Nếu như Bùi Quang Thắng vẫn lưu luyến và trung thành với những dáng mảnh mai, e ấp, kín đáo, thì Nguyễn Vĩnh Thịnh lại thể hiện quan điểm xã hội và thẩm mỹ khác của mình về phụ nữ thời hiện đại: Anh yêu thích những cô gái “phong nhũ phì đồn”. Ở chiều cạnh khác, xem tranh của Bùi Quang Thắng dường như chúng ta cảm thấy được tình yêu trai gái của một thời đã xa, nó giống như những tiếng vọng du dương và lãng mạn; còn tranh của Nguyễn Vĩnh Thịnh lại gợi lên những nhịp điệu nhanh và những cảm xúc nhục dục trực diện hơn của tình yêu thời nay.

Cả hai họa sỹ đều xuất phát từ sơn mài truyền thống và đều muốn phát triển nó cho phù hợp với thời đại. Họ đều là những người không nệ cổ, họ thay đổi chất liệu sơn, thay đổi cách tạo hình, lối vẽ để có thể biểu đạt được cái đương thời. Đó chính là đóng góp của Bùi Quang Thắng và Nguyễn Vĩnh Thịnh cho sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Update thêm thông tin tại trang sự kiện