Thông tin từ ban tổ chức:
Iran, một thập kỷ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979. Sự biến động của xã hội thần quyền mới thành lập đặt ra một tương lai khó đoán định cho các nhà làm phim Iran, khi mà điện ảnh bị hạn chế bởi hệ giá trị của tôn giáo.
Bất chấp sự biến động ấy, điện ảnh Iran tiếp tục tỏa sáng với một thế hệ nhà làm phim mới tài năng và sáng tạo. Những quy ước điện ảnh sẵn có đã thúc đẩy các nhà làm phim Iran tìm kiếm cách thức kể chuyện mới cho tác phẩm. Không bạo lực hay thô tục như người ta vẫn nghĩ về phim ảnh của một đất nước vừa trải qua chiến tranh, điện ảnh Iran kể tiếp câu chuyện bị ngắt quãng của mình bằng những hình ảnh mang đậm tính nhân văn, trong khi vẫn rất mực tôn trọng sự thiêng liêng của Hồi giáo.
Những bộ phim được lựa chọn không hoàn toàn đại diện cho phong trào Làn sóng Mới Iran, nhưng phần nào đem đến cho khán giả một góc nhìn khác về điện ảnh Iran sau cách mạng. Xuyên suốt 4 bộ phim, các chi tiết thể hiện một Iran vật lộn với tàn dư của hậu chiến được cài cắm ẩn hiện vô cùng tinh tế.
Thời gian: 20h00, thứ Sáu, 23.08.202
Địa điểm: The Airy Space, số 09 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Giá vé: 60.000đ/người (không bao gồm đồ uống)
Về bộ phim “Close-up” (1990)
Khi những nhân vật có thật đóng vai chính họ trong một bộ phim dựa trên sự kiện có thật, điều gì sẽ xảy ra? Đó là câu chuyện của Close-up (1990), một bộ phim tài liệu hư cấu khác thường do đạo diễn Abbas Kiarostami viết kịch bản, chỉ đạo sản xuất và biên tập. Dựa trên một sự kiện có thật xảy ra tại Northern Tehran vào khoảng cuối những năm 1980, bộ phim mở đầu bằng phiên tòa xét xử một người đàn ông với tội danh đóng giả nhà làm phim nổi tiếng Mohsen Makhmalbaf, tiếp nối bởi những thước phim tài liệu 16mm cùng các phân cảnh được tái hiện với sự góp mặt của người trong cuộc, Close-up thẳng thắn chất vấn mối quan hệ giữa điện ảnh và thực tại, sự thật và giả dối, cũng như hai mặt tốt và xấu trong bản chất con người.
Được công nhận là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại bởi các tờ tạp chí khác nhau, “Close-up” không chỉ đưa tên tuổi đạo diễn Abbas Kiarostami vươn xa trong cộng đồng quốc tế mà còn trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh và âm nhạc sau này. Nhà phê bình Dennis Lim nói về bộ phim là "a window into the psyche of a complicated man and into the social and cultural reality of Iran." - "một cửa sổ nhìn vào tâm lý của một người đàn ông phức tạp, vào thực tế xã hội và văn hóa của Iran."
Sự kiện được tổ chức bởi Mạng lưới khán giả tích cực - PAN, với phụ đề tiếng Việt được thực hiện bởi Hội những người thích xem phim Kinh điển.
Chi tiết cách thức đăng ký tham gia và cập nhật thêm thông tin chi tiết vui lòng theo dõi tại trang sự kiện.