Light Novel và những điều không phải ai cũng biết!

Bạn có biết: Light Novel là gì? Light Novel có những đặc điểm gì khác biệt so với những dòng văn học khác? Light Novel được hình thành và phát triển như thế nào? Trên thị trường hiện nay, những nhà xuất bản Light Novel nào uy tín ?

>> Xem thêm các tin tức hấp dẫn khác:

____________

1. LIGHT NOVEL LÀ GÌ?

Light Novel dùng để chỉ một dòng tiểu thuyết khá thịnh hành ở Nhật Bản, có lối viết kể chuyện đơn giản và đối tượng độc giả phần lớn là học sinh trung học hay phổ thông, thường có kèm minh họa theo phong cách Anime-Manga.

Cách diễn đạt của Light Novel dùng nhiều khẩu ngữ hằng ngày nên rất dễ hiểu, thích hợp với các bạn tuổi teen. Nội dung cũng rất đa dạng, từ tình cảm lãng mạn, tâm lý học đường cho đến trinh thám, thần bí, rùng rợn, lịch sử cũng có.

Đặc trưng của Light Novel là yếu tố dễ đọc, tương ứng với từ “nhẹ” có trong tên của nó. Ngoài ra phải kể đến giá thành và kích cỡ cũng rất phù hợp để người đọc mang theo, không giống thể loại tiểu thuyết dày cộp thường thấy. Nói đâu xa, chỉ cần so sánh một bộ Light Novel từng xuất bản ở VN như GJ-bu với truyện Harry Potter chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt.

Tóm lại, các đặc điểm của một Light Novel thường là:

  • Dạng truyện có cách diễn đạt với khẩu ngữ thông dụng.
  • Có minh họa đi kèm, thường là sau 20 trang chữ.
  • Nét vẽ chịu ảnh hưởng của Anime-Manga nên bìa sách rất giống với bìa manga.
  • Cốt truyện hoặc cách viết ít nhiều chịu ảnh hưởng của A-M.
  • Tác giả không trực tiếp “kể chuyện” cho người đọc trẻ, mà “dẫn dắt” câu truyện từ vị trí của một người trẻ.
  • Light Novel đôi khi được chuyển thể thành A-M, nhưng ngược lại từ A-M chuyển thể thành tiểu thuyết chưa chắc đã là Light Novel.

Light Novel và những điều không phải ai cũng biết

Ngoài ra, nhiều người sẽ dễ nhầm lẫn giữa Light Novel với tiểu thuyết dành cho giới trẻ hay văn học mạng do tính chất của chúng khá giống nhau. Nhìn chung ta có thể phân biệt rõ đâu là Light Novel với một trong các tiêu chí sau:

  • Được tác giả xác nhận là Light Novel.
  • Do một đơn vị chuyên xuất bản Light Novel phát hành.
  • Được quảng bá là thuộc thể loại Light Novel, thường kết hợp với tiêu chí thứ 1 để kết luận.
  • Nằm trong số các tiểu thuyết được bảng xếp hạng “Kono Light Novel ga Sugoi!” bình chọn.
  • Phần đông dư luận cho là Light Novel (như trường hợp của quyển Sherlock Holmes - được nhiều độc giả Nhật xem là LN). 

2. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH LIGHT NOVEL

a, Khởi nguồn của tên gọi Light Novel:

Có giả thuyết cho rằng thuật ngữ “Light Novel” bắt nguồn từ tranh luận của các độc giả ở diễn đàn SF.Fantasy của NIFTY SERVE(@NIFTY) vào năm 1990. Khi đó họ đã nghĩ ra một cụm từ tiếng Anh để chỉ loại truyện bỏ túi phổ biến thời đó, với hàm ý “dạng tiểu thuyết dễ đọc”.

Mãi đến năm 2000, khi mục Light Novel được lập trên 2chan, cách sử dụng thuật ngữ này mới trở nên thông dụng.

b, Light Novel thời kì đầu:

Có hai giả thuyết về sự ra đời của Light Novel. Một là từ tập san Sonorama Bunko của Asahi năm 1975, với các tay bút tiêu biểu như Takachiko Haruka và Kikuchi Hideyuki. Giả thuyết thứ hai là từ phong cách mới lạ của hai nhà văn nữ Arai Motoko và Himuro Saeko khi họ bước chân vào văn đàn năm 1977. Riêng Arai Motoko là người khai sáng cho dòng tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên, được xem là sự đột phá của thời đó. Chính vì văn phong của Motoko ảnh hưởng rất lớn đến các tác giả đời sau, nên bà được nhiều người tôn là thủy tổ của thể loại Light Novel.

Vào những năm 1980, dòng tiểu thuyết trường kì của Tanaka Yoshiki - Ginga Eiyuu Densetsu và Arslan Senki đã tạo ra một cơn bão khuấy động giới trẻ Nhật Bản. Đồng thời, Record of Lodoss War - một tác phẩm lấy cảm hứng từ thể loại game nhập vai - cũng trở nên nổi tiếng. Tất cả đều được lên anime sau đó.

Những năm 1990 chứng kiến sự thành công của series Slayers do Kanzaka Hajime chắp bút, đây là một tiểu thuyết pha trộn giữa các yếu tố hài hước, giả tưởng và RPG. Vài năm sau, MediaWorks lập thêm ấn hiệu xuất bản Dengeki Bunko, chuyên phát hành những tiểu thuyết mà ngày nay chúng ta gọi là Light Novel. Series Boogiepop là thành quả đáng chú ý đầu tiên của họ, và không lâu sau đó được lên anime khiến nhiều người xem anime hứng thú với loại hình văn học này. Những tiểu thuyết gia của Dengeki Bunko và Light Novel từ đó dần dần được biết đến.

c, Bước tiến của Light Novel:

Năm 2005, nghiên cứu ở một nguyệt san hằng tháng cho thấy tổng số Light Novel được phát hành năm 2004 lên đến 2179 bộ, số bản in đạt 8 triệu 320 ngàn quyển, cộng với doanh số từ các tựa sách cũ là 4 tỉ yên. Mặc dù doanh thu khủng đến vậy, nhưng Light Novel vẫn bị khinh thị là “văn học thứ cấp”, chịu sự vùi dập của các nhà bình luận, thậm chí không được nêu tên trong danh mục tác phẩm bán chạy ở các hiệu sách.

Light Novel và những điều không phải ai cũng biết

Những năm sau đó, dần dà các đối tượng đọc Light Novel ngày càng trở nên đa dạng hơn, đánh dấu bước chuyển ngoạn mục của thể loại này, chỉ riêng năm 2007 tổng doanh thu của thị trường Light Novel đã ở mức 20 tỉ yên với 30 triệu ấn bản được phát hành mỗi năm.

Năm 2005 cũng đánh dấu sự ra đời của bảng xếp hạng “Kono Light Novel ga Sugoi!” (tạm dịch là “Quyển Light Novel này thật tuyệt!”) xuất bản bởi Takarajimasha. Đây là một ấn phẩm hằng năm giới thiệu mười bộ Light Novel xuất sắc nhất trong năm ngoái do người đọc bình chọn, đồng thời cũng có phần xếp hạng cho các nhân vật được yêu thích. Cho đến nay bảng xếp hạng này đã trải qua 9 kì, với một vài tác phẩm nổi bật như Baka to Test to Shoukanjuu từng xuất hiện đến sáu lần, hay Suzumiya Haruhi no Yuutsu, Bungaku Shoujo và Toaru Majutsu no Index – cùng giữ vị trí thứ hai khi xuất hiện 5 lần.

d, Light Novel ngày nay:

Trong những năm gần đây, Light Novel đã trở thành một lựa chọn thông dụng cho việc chuyển thể các manga, anime và phim truyền hình. Các tựa sách thường được giới thiệu theo từng kỳ trên các tạp chí văn học như Faust, Gekkan Dragon Magazine, The Sneaker và Dengeki Bunko Magazine, hoặc trong các tạp chí về sản phẩm truyền thông đại chúng như Comptiq hay Dengeki G's Magazine.

Light novel hiện nay rất thông dụng ở Nhật Bản, các công ty xuất bản thường xuyên săn lùng tài năng mới với các cuộc thi thường niên - người đoạt giải trong những cuộc thi này sẽ được nhận tiền thưởng và được các công ty xuất bản tác phẩm của mình. Giải thưởng tiểu thuyết Dengeki là giải thưởng lớn nhất, với hơn 5000 thí sinh tranh giải này hàng năm. Tất cả sẽ được dán nhãn "light novel" và xuất bản trong các tập sách giấy bìa mềm giá rẻ (gọi là khổ bunko) .

Hiện nay đã có nhiều tựa light novel Nhật được dịch và xuất bản sang nhiều thứ tiếng, điển hình như Sword Art Online đã bán được hơn 16 triệu bản ở hơn mười quốc gia lớn nhỏ. Từ năm 2014, thị trường Light Novel ở Việt Nam cũng bắt đầu trở nên sôi động với sự ra mắt của 2 series Cô Gái Văn Chương (tựa gốc Bungaku Shoujo, Nhà sách Thái Hà phát hành) và Suzumiya Haruhi (do IPM phát hành)

3. CÁC NHÀ XUẤT BẢN LIGHT NOVEL

Dù rằng có rất nhiều định nghĩa cho Light Novel, nhưng yếu tố để phân biệt rõ nhất thể loại này với các loại hình văn học khác chính là…các nhà xuất bản.

Về mặt nội dung, Light Novel không khác mấy so với thể loại sách bỏ túi dành cho thiếu niên ở Nhật. Ví dụ như tác phẩm Umi ga Kikoeru hoàn toàn giống với Light Novel nhưng lại là tiểu thuyết thiếu niên, và ngược lại thì Mimizuku to Yoru no Ou dù không có cốt truyện theo hướng A-M hay minh họa lẫn hình bìa bắt mắt vẫn được xem như Light Novel, do được xuất bản bởi Dengeki Bunko - một nhà xuất bản Light Novel.

Light Novel và những điều không phải ai cũng biết

Ngoài ra, cũng có những tựa Light Novel được tái xuất bản theo dạng văn học chính thống, điển hình như series S.D.F của Arikawa Hiro. Quyển đầu của bộ ba truyện ngắn này được Dengeki Bunko xuất bản dưới dạng Light Novel, nhưng các phần sau lại được chuyển sang dạng tiểu thuyết, vì đơn vị này cảm thấy series sẽ thu hút độc giả trưởng thành hơn.

Hiện tại, nhà xuất bản Kadokawa Shoten là đơn vị lớn mạnh nhất trong ngành, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Kadokawa nắm giữ các thương hiệu tiếng tăm như Kadokawa Sneaker, Dengeki, MJ, Fujimi Fantasia hay Famitsu.

MỘT SỐ NHÀ XUẤT BẢN LIGHT NOVEL & TÁC PHẨM TIÊU BIỂU

+ Asahi Sonorama: Crusher Joe (Takachiho Haruka); Vampire Hunter D (Kikuchi Hideyuki); Demon City Shinjuku (Kikuchi Hideyuki); ARIEL (Sasamoto Yuuichi); Genjyu Shounen Kimaira (Yumemakura Baku).

+ Kodansha: Zaregoto (NisiOisiN); Juuni Kokuki (Ono Fuyumi); Yakushiji Ryōko no Kaiki Jikenbo (Tanaka Yoshiki); Kara no Kyoukai (Nasu Kinoko).

+ Shueisha: Denpateki na Kanojo (Katayama Kentarou); Ginban Kaleidoscope (Kaibara Rei); R.O.D (Kurata Hideyuki); Oishii Koohii no Irekata (Murayama Yuka); Tentei Youko (Otsuichi).

+ Cobalt Bunko: Hoshi e Iku Fune (Arai Motoko); Clara Hakusho (Himuro Saeko); Ryuuke Tsume Gamiden (Suga Shinobu); Oka no Ie no Mikki (Kumi Saori); Rakuen no Majou-tachi (Kikawa Satomi).

+ Kadokawa Shoten: Record of Lodoss War (Mizuno Ryou); Suzumiya Haruhi no Yuutsu (Tanigawa Nagaru); Shissou Holiday & Calling You & Samishisa no Shuuhasuu (Otsuichi); Trinity Blood (Yoshida Sunao); Kyo Kara Maoh! (Takabayashi Tomo); Saiunkoku Monogatari (Yukino Sai); Shounen Onmyouji (Yuuki Mitsuru).

+ Tokuma Shoten: Legend of the Galactic Heroes (Tanaka Yoshiki)

+ Fujimi Shobo: The Weathering Continent (Takekawa Sei); Scrapped Princess (Sakaki Ichirou); Starship Girl Yamamoto Yohko (Shouji Takashi); Kaze no Stigma (Yamato Takahiro); The Legend of the Legendary Heroes (Takaya Kagami); High School DxD (Ishibumi Ichiei); GOSICK (Sakuraba Kazuki).

+ Enterbrain: Bungaku Shoujo (Nomura Mizuki); Baka to Tesuto to Shoukanjuu (Inoue Kenji)

+ Media Factory: Hidan no Aria (Akamatsu Chuugaku); Zero no Tsukaima (Yamaguchi Noboru); Boku wa Tomodachi ga Sukunai (Hirasaka Yomi).

+ MediaWorks: Kino's Journey: the Beautiful World (Shigusawa Keiichi); Shakugan no Shana (Takahashi Yashichirou); Toradora! (Takemiya Yuyuko); Toshokan Sensou (Arikawa Hiro); Toaru Majutsu no Index (Kamachi Kazuma); Sword Art Online (Kawahara Reki); Ore no Imouto ga Konna ni Kawaii Wake ga Nai (Fushimi Tsukasa).