Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức - "Đức Nhà Sàn" và câu chuyện đi tìm chính mình trong triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Phù Thế”

Bài viết bởi Linh Di cho Ticketgo
Ghi rõ nguồn khi chia sẻ bài
Không sao chép từng phần hoặc nguyên văn khi chưa có sự cho phép

Đã lâu lắm rồi, trong làng hội họa Việt Nam mới có một triển lãm xứng tầm quốc tế và đem đến sự thỏa mãn về thị giác với người xem đến vậy. Người họa sĩ đặc biệt này đã dừng làm việc với bút cọ và bảng màu được 30 năm nay. Và trong suốt 30 năm vắng bóng với nghề vẽ, để “lẩn tránh” chính mình, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã đi tìm bản thân trong những hoạt động nghệ thuật khác, đó là phục dựng văn hóa Việt trong đồ cổ, trang phục; dàn dựng, thiết kế bối cảnh, sân khấu điện ảnh… Thế nhưng, cái “máu” hội họa và đam mê của người nghệ sĩ vẫn chảy tràn trong huyết quản của ông, để rồi vào những ngày mùa thu vào những tháng cuối cùng của năm 2022, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã quyết định cho ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên gọi “Phù Thế” - như một món quà tri ân gửi tặng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, và cũng như một cách để ông “tri ân" - đối thoại với “chính mình”!

Hành trình đi tìm cái Tôi tài năng, thẩm định tư duy và cá tính của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức

Đã lâu lắm rồi, trong nền mỹ thuật Việt Nam mới thấy người ta xôn xao và bàn tán nhiều về một triển lãm cá nhân đến vậy. Đó là Phù Thế – một triển lãm nghệ thuật không chỉ đơn thuần là sự xếp đặt những tác phẩm hội họa như bao triển lãm bình thường khác, mà nó còn gây tiếng vang khi được nghệ sĩ Mạnh Đức trổ tài dàn dựng, thiết kế bối cảnh, sân khấu đem đến cho công chúng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong suốt một tháng triển lãm… Đối với nghệ sĩ Mạnh Đức, đó là “tài sản” và tâm huyết sau bao nhiêu năm hoạt động nghệ thuật, một triển lãm đậm chất điện ảnh như một món quà tri ân gửi đến gia đình, bạn bè và những người yêu tranh của ông. Một sân khấu mang đậm dấu ấn và thương hiệu cá nhân mang tên Nguyễn Mạnh Đức.

 

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức phát biểu khai mạc triển lãm

Có lẽ người họa sĩ này đã vắng bóng trên thị trường tranh Việt ngót nghét cũng đến ba chục năm nay. Và trong suốt nhiều năm đó, có lẽ họa sĩ Mạnh Đức đã để thương để nhớ cho rất nhiều người yêu tranh của ông. Trong nhiều năm vắng bóng hoạt động ở mảng hội họa, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức chưa bao giờ thôi trăn trở về nền nghệ thuật của nước nhà. Ông luôn đặt ra câu hỏi như thế nào, tại sao… và luôn luôn được thôi thúc để “trở mình” trong một nền mỹ thuật nhiều biến động qua nhiều thập kỷ. Theo ông, người nghệ sĩ cần loại bỏ cái Tôi nặng nề để phù hợp và hội nhập với cái Mới và tính thời đại. Đó là một tư duy nghệ thuật đổi mới, mang tính khích lệ và đi trước thời đại luôn thường trực trong tâm trí nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức. Để rồi thứ ông nhận lại được chính là sự ngưỡng mộ sâu sắc từ đồng nghiệp và thế hệ nghệ sĩ trẻ, những người đang băn khoăn đi tìm bản sắc và tiếng nói của chính mình trong một giai đoạn mang tính gạch nối giữa truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật.

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức sinh năm 1953 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời. Bố ông là nhà văn của những người nông dân “Vợ Nhặt”, ông Hai trong “Làng” – nhà văn Kim Lân. Anh chị em của nghệ sĩ Mạnh Đức cũng đều là những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, như họa sĩ Thành Chương với công trình Việt Phủ đặc sắc và những bức tranh về trâu – mục đồng đã góp phần đưa mỹ thuật Việt lan rộng ra tận thị trường tranh quốc tế. Chị gái và em trai của ông – họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Nguyễn Từ Ninh - cũng đều là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam khi những bức tranh của họ có đủ sức tái hiện lại một thời kỳ rực rỡ của hội họa đương đại, và đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho những vị khách nước ngoài yêu tranh Việt.

 

Nghệ sĩ Mạnh Đức cùng anh trai ông – họa sĩ Thành Chương

 

Chính vì sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật như vậy, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức được thừa hưởng năng khiếu bẩm sinh, tài năng và tinh thần nghệ thuật rất có gu từ gia đình của mình. Thế nhưng, họa sĩ cho rằng chính điều đó cũng vô hình trở thành “áp lực” đối với ông. Mạnh Đức cho rằng việc sinh ra trong một gia đình có nhiều nghệ sĩ lớn như vậy khiến ông khó tìm được chính mình trong đó và điều đó vô tình khiến ông như bị chìm lẫn, khó có cơ hội vượt thác và tìm được bản sắc riêng. Thế nhưng, sau tất cả thì “hạt bụi vàng” Nguyễn Mạnh Đức vẫn tìm được mọi cách để sáng rực lên và lấp lánh trong một Vũ trụ nghệ thuật của riêng mình – sinh sôi và khoáng đạt.

“Người ta vẽ tranh để thể hiện cái Tôi cá nhân, còn tôi vẽ tranh để tìm kiếm chính mình” – Ảnh họa sĩ Mạnh Đức tự họa chân dung chính mình

Đối với nhiều nghệ sĩ, thể hiện cái Tôi cá nhân trên bề mặt tranh là một việc làm thuần túy và mặc định, thế nhưng với Mạnh Đức, việc “che giấu” cái Tôi dưới bề mặt tranh, để người xem tranh “yêu” và “cảm nhận” được mới là điều đáng chú ý. Họa sĩ cho rằng, việc vẽ tranh với ông như một cách để ông tìm chính mình trong đó - một tiếng nói nội tâm thầm lặng và kín đáo đang tìm cách để thể hiện cảm xúc ra bên ngoài.

Chính vì thế, nhiều người xem tranh ông ban đầu thường cảm thấy khó hiểu, “lúng túng” bởi những hình, khối, những ký hiệu thẩm mỹ mang tính hàm súc, tính ám thị và biểu đạt rất cao, đòi hỏi sự suy tư và đồng điệu tuyệt đối nơi người cảm thụ. Tranh của họa sĩ Đức Nhà Sàn vì thế kén người xem và không dễ cảm nhận. Nó đòi hỏi độc giả cần một khoảng lặng của sự suy tư, tĩnh tâm, đào sâu và tự ngẫm, sau đó mới có thể hiểu được hết thông điệp từ người nghệ sĩ và ý nghĩa của bức tranh từ đó dần dần mới có thể được hiển lộ ra bên ngoài.

Từng dành nhiều năm đi phục dựng văn hóa cho các dự án nghệ thuật lớn nhỏ trong nước, theo nghệ sĩ Mạnh Đức chia sẻ, điều đó đem lại cho ông cả những ưu điểm lẫn nhược điểm nhất định. Giá trị cốt lõi mà nghệ sĩ Mạnh Đức có thể được học hỏi thông qua tiến trình đi làm văn hóa cho những công trình, dự án mang tính xã hội và cộng đồng, đó chính là vốn tích lũy hiểu biết đồ sộ về văn hóa - nghệ thuật mà ít ai có được, từ điện ảnh, đồ cổ, phục trang, sân khấu đến hội họa, âm nhạc... Thế nhưng, chính việc dành thời gian nhiều cho các dự án cộng đồng cũng ngăn trở để ông gây dựng “vốn liếng” đáng kể của riêng bản thân mình cho mỹ thuật. Hành trình đi tìm chính mình trong hội họa vì thế cũng được nghệ sĩ Mạnh Đức suy tư và trăn trở nhiều lần, và điều đó được thể hiện một cách trực diện và khá rõ nét trong những tác phẩm của ông.

Một trong những điểm sáng trong cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức có thể nói đến đó là việc sáng lập ra Nhà Sàn Collective – không gian nghệ thuật thử nghiệm đầu tiên và lâu năm nhất ở Việt Nam từ năm 1998. Giới nghệ thuật gọi ông là “Đức Nhà Sàn” cũng bắt nguồn từ đó. Ở Nhà Sàn Studio này, rất nhiều họa sĩ nổi tiếng Việt Nam đã tìm thấy chính mình, được trưởng thành và dung dưỡng từ đó.

Với ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, Đức Nhà Sàn đã được mệnh danh là “thầy phù thủy” của giới mỹ thuật khi liên tục trở thành cái tên gắn liền với những không gian văn hóa cổ, từ công cuộc phục dựng đến việc thiết kế bối cảnh, sân khấu cho các dự án phim điện ảnh, triển lãm tranh ảnh, hội họa, sân khấu… đến vai trò trở thành giám tuyển – cố vấn văn hóa cho nhiều triển lãm, chương trình nghệ thuật của nước nhà – nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã được vinh danh và trao giải “Nghệ sĩ xuất sắc nhất” tại Giải Cánh Diều 2022 tại TP Hồ Chí Minh.

Khi được mọi người dành lời khen tặng cho sự đa tài và khả năng biến hóa của bản thân trên nhiều lĩnh vực, Đức Nhà Sàn chỉ khiêm tốn và giản dị cho rằng, bản thân là người chịu khó quan sát, ham học hỏi và thích chiêm nghiệm. Và điều đó đã giúp ông tìm được “chỗ đứng” khi làm nghệ thuật. Người ta tìm thấy ở con người ông chính là sự hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống cũng như sự cởi mở, tiếp thu, thấm nhuần các tinh hoa văn hóa của dân tộc. Chính sự trải nghiệm và chứng kiến nhiều biến động trong dòng chảy của đời sống lịch sử - văn hóa Việt, từ thời kỳ bao cấp đến giai đoạn mở cửa, đã vô hình giúp Nguyễn Mạnh Đức trở thành người nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của nền mỹ thuật Việt  Nam đương đại thời kỳ đổi mới.

Triển lãm “Phù Thế” với cuộc hành trình lặn lội đi tìm và xóa bỏ cái Tôi cá nhân

Đến với triển lãm “Phù Thế” lần này, người xem không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến gần 120 tác phẩm vẽ bằng nhiều chất liệu, phần lớn là titan, được trưng bày trong một không gian nghệ thuật độc đáo với sự xếp đặt đầy chủ ý của họa sĩ, mang tính thẩm mỹ cao và được tạo nên bởi nhiều hiệu ứng mang tính điện ảnh. Vì tích lũy kinh nghiệm làm đạo diễn, dàn dựng sân khấu và bối cảnh cho nhiều bộ phim của màn ảnh Việt như “Trò đời”, “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”, “Long thành cầm giả ca”… tất cả các yếu tố mang tính điện ảnh đã được nghệ sĩ Đức Nhà Sàn vận dụng trong triển lãm lần này. Cùng với sự tận tâm của các cộng sự, họa sĩ đã dày công chăm chút từng chi tiết cho triển lãm, từ yếu tố âm thanh, hình ảnh, bối cảnh và sân khấu, nhằm đem đến một hiệu ứng thị giác tốt nhất đến với khán giả. Các tác phẩm của họa sĩ cũng được đưa vào không gian triển lãm một cách tự nhiên, có chọn lọc, khiến người đến xem triển lãm có dịp thưởng lãm và lĩnh hội một cách đầy đủ nhất những thông điệp và ý nghĩa của từng tác phẩm.

Người yêu mến tranh của họa sĩ Mạnh Đức như được lạc vào một "mê cung" nghệ thuật và một dòng chảy văn hóa - lịch sử giàu tính truyền thống của dân tộc

Nói về quá trình sáng tác tác phẩm, họa sĩ Mạnh Đức cho biết ông mất nhiều năm tháng để hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật này. Với số lượng đồ sộ, gần 120 tác phẩm được vẽ trên điện thoại một cách công phu, họa sĩ đã khiến người yêu tranh như lạc vào một mê cung nghệ thuật đầy huyền bí nhưng cũng không kém phần thơ mộng và tinh tế. Người yêu tranh có thể tìm kiếm cho bản thân mọi cung bậc cảm xúc khác nhau khi đến với triển lãm của họa sĩ Đức. Như một khối vuông rubic đa diện, không gian triển lãm liên tục được thay đổi, biến hóa đa dạng và nhiệm màu. Mở đầu không gian triển lãm là cánh cổng số 0 được thiết kế như một sự khẳng định về tính hàm súc và thông điệp của nghệ thuật. Từ từ dẫn vào bên trong là con đường được vẽ bằng chính các tác phẩm tranh của họa sĩ, đại diện cho tiếng nói và những tâm sự thầm kín từ bên trong sâu thẳm nội tâm của họa sĩ. Tâm điểm sân khấu là mô hình nhà sàn được tạo thành từ chính những tác phẩm hội họa trên đó. "Nhà sàn" cũng là không gian quen thuộc mà họa sĩ Đức từng làm việc và ông muốn nhấn mạnh lại một lần nữa hình ảnh của một Nhà Sàn Collective - không gian văn hóa thử nghiệm nổi danh của mỹ thuật đương đại Việt Nam một thời.

"Con đường" hội họa độc đáo của nghệ sĩ dẫn đến mái lá và nhà sàn lợp mái - dát tranh

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đang giải thích ý nghĩa của tác phẩm cho bạn bè và đồng nghiệp

 

 Gần 120 tác phẩm hội họa được trưng bày ở nhiều góc độ và không gian khác nhau, từ dưới sàn cho đến trên tường

Không gian mở rộng là những tác phẩm được họa sĩ bài trí và xếp đặt có dụng ý trên các mảng tường. Chỗ này có thể là con đường đi được khắc họa hoàn toàn bằng tranh của họa sĩ, phía trên cao lại là một bức tranh họa sĩ tự họa chính chân dung của mình trên đó. Đằng xa lại là hình ảnh một “nàng thơ”, hay những cặp tình nhân đang e ấp trao nhau những cử chỉ thân mật minh chứng cho một tình yêu vượt thời gian. Chính giữa sân khấu là chiếc sập gụ đậm chất Kinh Bắc. Phía sau sân khấu chính, nghệ sĩ không quên xếp đặt  chiếc màn với cái giường cũ kẽo kẹt tiếng ngáy như một sự nhắc nhở gợi nhớ nhắc nhở về một thời quá khứ từ xa xưa vọng lại. Và ở một chiều không gian khác, họa sĩ không quên tưởng niệm cha mình – nhà văn Kim Lân, với giọng nói được trích xuất trong vai Lão Hạc và tiếng Cậu Vàng trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Ở không gian đó, họa sĩ bài trí hai chiếc tủ, trong đó lưu trữ những vật dụng cá nhân của chính họa sĩ gắn với những kỷ niệm, cột mốc hay những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời ông. Đó có thể là những bộ trang phục họa sĩ được gia đình tặng trong dịp sinh nhật, hay bộ quần áo ông mặc khi gặp tai nạn trên cầu Long Biên… Tất cả những vật dụng ấy được xếp đặt trong một không gian mà ở đó lại được họa sĩ lồng ghép một cách tài tình những âm thanh của quá khứ từ xa xưa vọng lại, như tiếng mọt kêu, tiếng cha ông trong vai diễn để đời Lão Hạc - hiện lên với đầy dư âm và ám ảnh.

Hai chiếc tủ được nghệ sĩ Mạnh Đức dàn dựng trong triển lãm như  một cách gợi nhắc lại về quá khứ, về những cột mốc của chính bản thân ông, và để tưởng niệm người cha đáng kính của ông – nhà văn Kim Lân

Chiếc tủ chứa đầy những kỷ vật của họa sĩ Mạnh Đức – là đôi giầy, chiếc mũ, cái áo… tất cả đều mang ý nghĩa và là vật dụng đậm chất nghệ sĩ - cá nhân của ông

Sập gụ được Đức Nhà Sàn bài trí chính giữa sân khấu như điểm nhấn nổi bật và gợi nhớ đến nét đẹp đậm chất văn hóa Kinh Bắc

Chiếc màn và giường gỗ như cách thể hiện tình yêu với văn hóa Bắc Bộ của họa sĩ

Họa sĩ không áp đặt tác phẩm phải được treo theo chiều nào, mà ông để cho chính độc giả là người quyết định số phận của tác phẩm khi người sưu tầm có thể treo tranh ở bất kỳ chiều nào theo ý thích. Đây là cách ông làm mới mình trong nghệ thuật, không đi theo lối mòn mà để tính đa diện của tác phẩm được có dịp phô bày, được phát triển trong một không gian cao rộng của trí tưởng tượng và sự mơ mộng.

 

Họa sĩ giải thích tác phẩm có thể được bài trí theo nhiều chiều tùy theo dụng ý của người sưu tầm

 

Nguyễn Mạnh Đức là một định nghĩa toàn vẹn về người nghệ sĩ

Nói về tên gọi “Phù Thế”, khi được hỏi tại sao ông quyết định lấy tên gọi này đặt cho triển lãm của mình, họa sĩ Mạnh Đức cho rằng: “Phù Thế” gợi lên cảm giác của sự biến chuyển, thay đổi linh hoạt, mềm mại, uyển chuyển. “Phù Thế” vì thế giống như cách để người nghệ sĩ có thể biến hóa một cách linh hoạt, đa chiều. Và để làm nổi bật tính điện ảnh của triển lãm, họa sĩ cũng đã dàn dựng một cách công phu những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mang tính truyền thống vào mỗi tối chủ nhật để người xem có thể thấy mỗi hoạt động đó đều có sức tương tác với không gian nghệ thuật nhiều biến đổi của họa sĩ. Từ hát quan họ, hát chèo, hát chầu ăn, hát ca trù, hát tuồng… tất cả đều được sắp xếp một cách đầy dụng ý để nghệ sĩ có thể đem đến cho người tham dự có được những trải nghiệm tốt nhất trong một không gian mang nhiều tính mới của triển lãm.

 

Đêm hát Quan họ được các nghệ sĩ biểu diễn trong ngày 27/11

Triển lãm diễn ra với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc kéo dài suốt 1 tháng

 

Ngôn ngữ của triển lãm mà nghệ sĩ hướng đến vì thế mang đậm chất điện ảnh. Từ việc thay đổi không gian triển lãm, đến việc xếp đặt bối cảnh, đạo cụ và âm thanh, tất cả những yếu tố đó đều kết hợp một cách khéo léo và trở nên hài hòa để phù hợp với chủ ý của tác giả. “Phù Thế” luôn đảm bảo sự biến đổi nhiều màu sắc, từ ánh sáng, âm thanh, đến những không gian về tranh được thay thế liên tục bởi sự sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ.

Những âm thanh của ca trù được nghệ sĩ Đức Nhà Sàn xếp đặt hiệu ứng dưới mỗi ghế ngồi của khách mời đến dự triển lãm, đó là tiếng trống, tiếng đàn, tiếng hát của cô đào kết hợp với tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi vào những rặng tre

Trong không gian đầy tính nghệ thuật, người thưởng lãm cảm thấy như được chìm đắm trong một không gian văn hóa đậm chất Bắc Bộ, với tiếng trống, nhịp, gõ, phách, đàn, hát… được thiết kế dưới mỗi ghế ngồi, giống như được đắm chìm vào một thế giới thần tiên và thoát tục.


“Trong nghệ thuật, cái Tôi và tính cá nhân của người nghệ sĩ cần được đề cao nhưng phải được xây dựng dựa trên những ham muốn – cống hiến để cái Tôi đó không hoàn toàn bị triệt tiêu đi, ngược lại còn được dung dưỡng và trưởng thành một cách vững chắc. Ham muốn giúp cái Tôi không bị phát triển chệch hướng, mà còn trở thành bệ phóng vững chắc để bồi đắp cho tính cá nhân, để tính cá nhân của người nghệ sĩ có cơ hội được vượt thoát và bay cao bay xa trên bầu trời của những ngưỡng vọng” - Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức

Thông điệp mà họa sĩ muốn gửi gắm trong triển lãm cá nhân lần này chính là về cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ nói riêng và của mỗi cá thể trong đời sống xã hội nói chung. Theo họa sĩ, con số 0 tượng trưng cho sự cân bằng. Vì thế mỗi cá thể cần gạt bỏ định kiến về Cái Tôi - The Ego nặng nề để hòa nhập và đến với người khác. Để thông điệp được trở nên rõ nét, họa sĩ đã thiết kế cánh cổng với ý nghĩa con số 0 - tượng trưng cho Tính Không trong bản thể.

"Hãy đến với tôi bằng con số 0 và trở ra bằng con số 0" - Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức

Cùng theo dõi triển lãm Phù Thế qua video ngắn dưới đây dưới giọng kể trầm ấm của nghệ sĩ Đức Nhà Sàn và tiếng hát ca trù cổ 

 

Ngắm triển lãm “Phù Thế” qua một số bức ảnh (được cập nhật từ ngày 26/11 đến 4/12)

 

 

------

Thông tin từ BTC:

Triển lãm mở cửa mở cửa tự do cho công chúng, từ 9h sáng – 6 giờ chiều hàng ngày, từ 26/11 đến 25/12

Địa điểm: Tầng 2 – Trung tâm Thương mại Mipec Long Biên, số 2 Long Biên, Hà Nội

Chương trình hoạt động:

26/11: Khai mạc triển lãm – 17:00

27/11: Hát Quan họ: 19:00 – 21:00

4/12: Hát Chèo: 19:00 – 21:00

8/12: Nhà sưu tập và báo chí giao lưu với nghệ sĩ: 19:00

11/12: Hát Chầu văn: 19:00 – 21:00

18/12: Thay đổi không gian triển lãm

           Hát Ca trù: 19:00 - 21:00 

25/12: Hát Tuồng: 19:00 – 21:00