Tìm hiểu về cuộc sống ở Nhật Bản

Bạn có từng thắc mắc cuộc sống ở Nhật Bản như thế nào? Đây có phải vùng đất sống lý tưởng như chúng ta vẫn nghĩ? Hãy cùng tìm hiểu toàn cảnh đời sống tại xứ xở hoa anh đào qua bài viết này nhé.

Nhắc tới Nhật Bản thì chắc hẳn nhiều người đều hình dung đến một đất nước phát triển với nền kinh tế hùng mạnh đi lên từ đống tro tàn chiến tranh. Xét về tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người, Nhật Bản luôn nằm trong số những nước đứng đầu thế giới.

Do đó, không ít người sẽ cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản là thiên đường bởi tiền lương của họ cao như tháp Tokyo hay viễn tưởng những tòa nhà chọc trời mọc lên sừng sững giữa các thành phố lớn của xứ Phù Tang. Vậy thực chất cuộc sống ở Nhật Bản như thế nào?

Tìm hiểu về cuộc sống ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, điều tra toàn quốc năm 1995 cho thấy, số người trong một hộ gia đình trung bình là 2,82 người. Hiện nay, ở Nhât Bản, hộ gia đình 1 người chiếm khá nhiều, tới 25,6 %. Đây chủ yếu là hộ của những thanh niên đi học hoặc đi làm xa nhà bố mẹ mà chưa lập gia đình. Vì vậy nếu chỉ tính hộ gia đình từ 2 người trở lên thì số người trung bình mỗi hộ là 3,44 người, tức là đa phần các hộ gia đình có khoảng 1 hoặc 2 con.

Cũng như người Việt Nam, người Nhật có quan niệm rằng càng có nhiều con càng hạnh phúc, nhưng hiện nay, người ta nghĩ rằng không thể có nhiều con được. Theo thăm dò do Văn phòng Thủ tướng tiến hành năm 1997 về lý do tại sao số con giảm đi, 58,2% trả lời rằng vì mất nhiều chi phí giáo dục con cái, 50,1% nêu lý do không có khả năng về kinh tế để nuôi dạy, chăm sóc con cái, và 44,7% trả lời rằng khó có thể vừa đi làm vừa nuôi con. Ở Nhật Bản, trong tất cả hộ gia đình có cả hai vợ chồng, tức là không kể những gia đình chỉ có một người, 57,2% các bà vợ đi làm và tỷ lệ hộ gia đình hạt nhân khá cao. Vì vậy, có con nhỏ thì vợ phải nghỉ việc để chăm sóc con. Và nói chung, sau khi đẻ con, người phụ nữ không dễ quay lại làm việc tại cơ quan cũ. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến cho gia đình Nhật Bản chỉ có ít con.

Theo thống kê năm 1997, thu nhập bình quân mỗi tháng của một hộ gia đình là 595.123 yên tức khoảng 4.400 đôla Mỹ. Nhưng mỗi tháng phải nộp thuế thu nhập, thuế cư trú và các loại cước phí bảo hiểm như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, v,v… tổng cộng chừng 98.150 yên, tức khoảng 16,5% so với thu nhập. Theo luật pháp Nhật Bản, công dân Nhật Bản bắt buộc phải gia nhập bảo hiểm y tế, 20 tuổi trở lên thì phải gia nhập bảo hiểm hưu trí, và những nhân viên biên chế của các công ty phải gia nhập bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy không thể tránh được những khoản tiền này. Kể từ tháng 4/1997, mức thuế tiêu dùng tăng từ 3% lên 5% và chế độ giảm thuế đặc biệt kéo dài 3 năm cũng bị hủy bỏ, nên người dân phải chịu nhiều gánh nặng hơn trước.Một khoản chi phí lớn khác trong gia đình là chi phí ăn uống.

Thống kê cho thấy mức chi trung bình khoảng 80.000 yên tức khoảng 600 đôla 1 tháng, chiếm 13,4% tổng thu nhập. Món ăn chính của người Nhật là cơm. Ở Nhật Bản, giá 1kg gạo loại trung bình khoảng 5-600 yên, tức khoảng 4,5 đôla Mỹ, gấp mươi, mười lăm lần giá ở Việt Nam. Cùng với cơm người dân Nhật ăn các loại thịt, cá, rau, đậu. Nói về thịt người Nhật thích ăn 3 loại thịt là thịt bò, thịt lợn, thịt gà. Ngoài 3 loại thịt này ra họ còn ăn các loại thịt khác như thịt cừu, ngựa, lợn rừng v,v… nhưng số lượng tiêu thụ không đáng kể. Giá 1 cân thịt bò khoảng 7.000 yên tức khoảng 52 đôla, thịt lợn khoảng hơn 16 đôla, thịt gà khoảng 8 đôla. Cá thì người Nhật thích ăn các loại cá biển hơn cá nước ngọt. Người Nhật thường ăn trứng gà, không ăn trứng vịt. Giá trứng gà Nhật Bản khá rẻ, 1 quả khoảng 13 yên tức khoảng 0,1 đôla. Đối với các loại rau và hoa quả thì 1 cân bắp cải, củ cải giá 170 yên, tức 1,3 đôla. 1 cân táo 500 yên tức 3,7 đôla, 1 cân nho khoảng 1.400 yên tức 10,4 đôla. Nói chung, thực phẩm Nhật Bản rất đắt, không chỉ so với mức giá Việt Nam mà cả nhiều nước khác trên thế giới.

Tìm hiểu về cuộc sống ở Nhật Bản

Đắt đỏ nhất ở Nhật Bản phải kể đến giá nhà ở. Tuy giá đất ở Nhật đã giảm nhiều kể từ khi nền kinh tế thổi phồng sụp đổ, theo những thống kê đầu năm 98, giá đất ở Tokyo và Osaka vẫn đắt nhất trên thế giới. Nếu muốn mua nhà ở thủ đô Tokyo với mức chi phí gấp 5 lần tổng thu nhập 1 năm, tức khoảng 260.000 đôla, thì phải tìm ở những nơi cách xa trung tâm Tokyo khoảng 60 km, và nơi đó đương nhiên là ngoại thành. Muốn tìm nhà trong nội thành Tokyo thì có lẽ phải chuẩn bị 700.000 đôla trở lên. Trong bối cảnh như vậy, 60% hộ gia đình sống ở nhà mua và 40% còn lại sống ở nhà thuê. 35% hộ gia đình sống ở nhà tập thể, chung cư. Nếu chỉ tính vùng Tokyo thì hơn 50% hộ sống ở nhà tập thể. Khi mua nhà, người ta áp dụng chế độ trả góp dài kỳ 20-30 năm, với mức trả góp mỗi tháng khoảng 750 đôla. Có một số công ty bất động sản cho phép áp dụng trả góp 100 năm.

Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người mua nhà trả góp. Thu nhập trong tương lai phải ổn định thì mọi người mới sẵn sàng mua nhà theo hình thức này. Nhưng hiện nay kinh tế Nhật Bản đang trì trệ nên sức mua nhà cũng giảm đi.

Tình hình kinh tế trì trệ những năm 1997-98 khiến cho người dân Nhật Bản rất lo lắng về cuộc sống. Theo thăm dò năm ngoái của Văn phòng Thủ tướng, vấn đề nhiều người lo lắng nhất là sức khỏe của bản thân, thứ 2 là cuộc sống sau khi về hưu, thứ 3 là sức khỏe của gia đình, thứ 4 là thu nhập từ nay trở đi, tiếp đến là học hành, tìm việc, hôn nhân của con cái.

Ở Nhật Bản, trường cấp 1 và cấp 2 là giáo dục bắt buộc nên nếu con đi học các trường công thì không cần nộp học phí. Nhưng để cho con đi học mẫu giáo, trường cấp 3, đại học và các trường chuyên môn thì phải nộp học phí. Theo bộ giáo dục, kể từ khi con 4 tuổi bắt đầu đi mẫu giáo đến khi 18 tuổi tốt nghiệp cấp 3, tổng cộng các chi phí cho con đi học, bao gồm học phí nộp cho nhà trường, tiền mua văn phòng phẩm, tiền ăn trưa ở trường v,v… vào khoảng 38.000 đôla nếu học trường công, còn học trường tư thì chừng 69.000 đôla. Đây là chỉ tính chi phí cho 1 con.

Nói chung người ngoài nhìn vào Nhật Bản đều cho rằng cuộc sống ở Nhật Bản thật sung sướng vì lương bổng cao, phúc lợi tốt. Mà quả thực, với số tiền lương lĩnh trong nước, nếu tiêu ở nước ngoài là những nơi có vật giá rẻ hơn nhiều thì rõ ràng dễ mang lại ấn tượng người Nhật chi mạnh tay. Bản thân người Nhật, đến 91% cho rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, từ những số liệu kể trên, nếu lấy tổng thu nhập của mỗi hộ gia đình trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm, chi phí ăn uống, đi lại, giáo dục cho con cái, v.v… thì thấy cũng chẳng còn lại bao nhiêu.

Nhật Bản là một trong những nước mà người dân có thu nhập cao trên thế giới. Nhưng với mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Nhật, có lẽ chỉ nên dùng từ “đủ” chứ không thể dùng từ “dư thừa” để nói đến cuộc sống của người Nhật. Có chăng chỉ là một bộ phận trong xã hội mà thôi.

Ở Nhật Bản, công việc tốt có nghĩa là tiền lương cao và đảm bảo một tương lai ổn định. Và để dễ dàng có một công việc tốt như mong muốn thì phải có tấm bằng đại học danh giá. Có lẽ vì vậy nên các gia đình chỉ có ít con để có khả năng đầu tư. Nhưng cạnh tranh gay gắt về giáo dục không chỉ là gánh nặng của các bậc phụ huynh mà còn là gánh nặng của bản thân những đứa trẻ. Đối với những em 10 tuổi, thời giờ dành cho học tập trung bình trong 1 ngày là khoảng 6 tiếng đồng hồ.

Tìm hiểu về cuộc sống ở Nhật Bản

Học sinh Nhật Bản học rất nhiều. Ở Nhật Bản, giờ học của các trường cấp 1, 2, 3 bắt đầu từ khoảng 8 giờ 30 phút. 1 tiết kéo dài 45-50 phút, học hết 4 tiết thì nghỉ trưa khoảng 1 tiếng rồi lại học thêm 2 tiết nữa. Học xong vẫn chưa về được mà phải tự dọn dẹp phòng học sạch sẽ, sau đó phải tham gia vào các hoạt động thể thao, văn hóa, gọi là “kurabu” tức “câu lạc bộ.” Từ lớp 4 trở lên, các học sinh tự chọn những môn mà mình quan tâm, và tham gia câu lạc bộ dành cho môn đó. Ở trường có nhiều câu lạc bộ như bóng chày, bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, kiếm đạo, nhu đạo, trà đạo, họa, nhạc, v,v… Sau khi tan học, các học sinh về nhà ăn cơm. Cũng như Việt Nam, ở Nhật Bản, “kinh doanh giáo dục” được triển khai tích cực và có rất nhiều trường luyện thi “Juku”. Nhiều học sinh sau giờ học ở trường chính quy, về nhà ăn cơm xong lại đến trường “Juku” để học thêm. Theo điều tra năm 1996 của bộ giáo dục, thậm chí trong các học sinh cấp 1 cũng có gần 40% học sinh đi học trường luyện thi. Đối với học sinh cấp 2 thì tỷ lệ này tăng lên đến 70%.

Học quá nhiều như vậy nên trẻ em Nhật Bản ít có thời gian vui chơi. Theo điều tra năm ngoái, mỗi ngày, thời gian dành cho các hoạt động giải trí của học sinh trường cấp 2 trung bình chỉ là 54 phút. Kết quả điều tra năm 1996 cho thấy, trong thời gian rỗi, học sinh nam thích nhất là trò chơi điện tử. Phương tiện giải trí này được xếp thứ nhất đối với học sinh cấp 1-2 và thứ 2 trong học sinh cấp 3. Cách giải trí được học sinh nam ưa thích thứ 2 là nghe nhạc. Học sinh nữ thì thích nhất là nghe nhạc, thứ 2 là chơi trò chơi điện tử. Trong học sinh cấp 3, cả nam, nữ đều thích hát karaoke. Karaoke không được xếp trong 10 trò chơi giải trí ưa thích nhất của học sinh cấp 1-2 nhưng đối với học sinh cấp 3 thì được xếp thứ 3 với nam giới, thứ 2 với nữ giới.

Ở trường, các em sinh hoạt câu lạc bộ và trong đó có các môn thể thao nên khi nghỉ ngơi thì ít chơi thể thao. Học sinh cấp 2 chơi thể thao chỉ 51 phút và học sinh cấp 3 thì chỉ chơi 34 phút trong tuần. Theo điều tra này, đối với học sinh 10 tuổi, thứ tự các môn thể thao được ưa thích là bowling, bơi, bóng chày, bóng đá, bóng rổ. Những người lứa tuổi 20 thích chơi các môn bowling, trượt tuyết, bóng chày, câu cá, bơi. Những người 30 tuổi trở lên thì chơi golf nhiều nhất. Ở Nhật Bản, golf là môn thể thao chiếm vị trí hơi đặc biệt. Khi người ta chiêu đãi đối tác kinh doanh thì họ mời đối tác đó đi đánh golf.

Còn cuộc sống ở Nhật Bản của người lớn như thế nào? Đa số người lớn đương nhiên phải đi làm để kiếm sống. Sự khác biệt lớn với tình hình lao động Việt Nam là tỷ lệ nhân viên làm việc trong các cơ sở nhà nước và các chính quyền địa phương. Ở Nhật Bản, số lượng viên chức cả các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương là 4.430.000 người, chiếm 7% trong tổng số người lao động là 64.142.000. 93% còn lại đi làm các công ty và cơ quan thuộc khu vực tư nhân. Xét về loại việc làm, 30% người lao động làm việc liên quan đến sản xuất mặt hàng công nghiệp, xây dựng như nhân viên nhà máy, kỹ sư, công nhân xây dựng v,v… Kế tiếp là những người làm việc tại văn phòng, chiếm 18,8%, người bán hàng chiếm 14,8%, những người làm việc nghiên cứu – phát triển chiếm 12%. Những người làm nông nghiệp, ngư nghiệp chỉ chiếm 5,9%.

Số người làm việc ở nhà máy, số kỹ sư và công nhân ngành xây dựng nhiều như vậy, chính là ví dụ rõ nhất về 1 nước công nghiệp tiên tiến. Trong 30 năm qua, giới này lúc nào cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người lao động, luôn luôn hơn 30%. Trong khi đó, số người làm nghề nông, ngư nghiệp giảm đi một cách nhanh chóng. 30 năm trước họ chiếm gần 25% nhưng hiện nay chỉ chiếm 5,9%, mà đa số là người già. Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng. Ngược lại, những người làm nghề nghiên cứu-phát triển, nhân viên văn phòng, làm việc dịch vụ đã và đang tăng lên.

Một điểm khác biệt giữa cuộc sống công nhân viên ở Nhật Bản so với công tư chức ở Việt Nam là thời gian đi làm, vừa mất thời gian vừa rất mệt mỏi. Thời gian đi làm và về nhà trong một ngày của tất cả người lao động bình quân là 49 phút. Nhưng ở các thành phố lớn như Tokyo thì thời giờ đi lại thực tế cao gấp đôi chỉ số trung bình nói trên. Điều này khiến người cha, người chồng đi làm ở ngoài khó có nhiều dịp tiếp xúc với gia đình. Vào những ngày trong tuần, trừ thời gian ngủ, thời gian người cha, người chồng tiếp xúc với gia đình chỉ khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Tìm hiểu về cuộc sống ở Nhật Bản

Từ trước đến nay, người Nhật Bản nghĩ rằng để đưa kinh tế đất nước phát triển, người dân phải chịu khó, làm việc cần cù. Nay Nhật Bản đã đạt mục tiêu “trở thành một nước phát triển kinh tế” nên cách suy nghĩ của người dân cũng dần dần thay đổi. 56% người nghĩ rằng, về mặt vật chất họ có đủ thứ rồi nên từ nay trở đi sẽ coi trọng đến việc làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn. 54,6% người nghĩ rằng, dù không thỏa mãn được về kinh tế thì họ cũng dành ưu tiên hơn cho một cuộc sống dễ chịu, thoải mái.

Gần đây, người Nhật Bản đã bắt đầu nghĩ tới việc làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Nhưng khi người ta có quan tâm đến điều đó thì kinh tế Nhật Bản trên đường suy thoái. Hiện nay, các công ty đang mạnh mẽ tiến hành cải tổ. Số vụ phá sản của công ty cũng tăng lên. Sự ổn định của thị trường lao động dựa trên chế độ thâm niên và tuyển dụng suốt đời đang bị đe dọa. Có nhiều người đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trong khi đó, số người già tăng với tốc độ khá nhanh. Có thể nói, sau thế chiến 2, thời kỳ khó khăn thứ 2 của Nhật Bản đã bắt đầu.

Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Một số nhà bình luận Nhật Bản và nước ngoài nói rằng cơ cấu giáo dục, lao động, tài chính, hành chính và chính trị phải xem xét lại. Hiện nay, bản thân nước Nhật cũng cố gắng tìm con đường đi trong tương lai và bắt đầu các cuộc cải cách, ví như cuộc cải cách mang tên “Big Bang”.

Người ta cho rằng, trong tình hình hiện nay, người dân phải phát huy bản chất dân tộc và truyền thống để đối phó với những thay đổi nhằm giữ gìn hành phúc và những thành công đã đạt được.

______________________

Xem thêm các bài viết về văn hóa và cuộc sống ở Nhật Bản:

  1. Nhật Bản đón Giáng Sinh như thế nào?
  2. 4 Lễ hội mùa hè đặc sắc tại Nhật Bản thu hút hàng ngàn du khách đến tham dự
  3. Tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản - Thanh kiếm Nihonto
  4. Tổng hợp các bộ phim điện ảnh của Nhật Bản được trông đợi nhất năm 2018
  5. Tổng hợp 11 bộ phim học đường Nhật Bản đáng xem nhất mọi thời đại
  6. Top 10 Anime có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại
  7. Phân tích tình hình tài chính 5 năm gần đây của các studio chế tác anime tại Nhật Bản
  8. Tìm hiểu về vị trí của phụ nữ trong lịch sử xã hội Nhật Bản