Chiếu phim điện ảnh miễn phí BROOKLYN - Phim Oscar

"Brooklyn": Phim ngọt ngào nhất mùa Oscar 2016.

Dựa trên quyển tiểu thuyết ăn khách cùng tên của Colm Toibin năm 2009, được trang đánh giá uy tín The Observe xếp vào "10 tiểu thuyết lịch sử hay nhất", Brooklyn lấy bối cảnh vào những năm 50 thế kỷ trước. 

Tựa phim Brooklyn hội tụ đầy đủ màu sắc, mùi vị từ chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc màu đặc trưng của người Ireland, những chọn lựa và tình yêu.

"Người Xa Xứ" thật sự là sự lựa chọn hoàn hảo cho ngày cuối tuần thư giãn và nhẹ nhàng. 

* PHIM ĐIỆN ẢNH: BROOKLYN (NGƯỜI XA XỨ), OSCAR 2016

1. Thời gian: 20h30 – 22h30 Thứ Bảy, Ngày 13/08/2022

(Thời lượng: 129 Phút, FULL HD 1080, Phụ Đề Tiếng Việt)

2. Địa điểm: Tầng 2, Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội

(Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí) 

Quý khách vui lòng gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.

Khách hàng của Vincent vui lòng đến đúng giờ để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh nhé.

Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee

Trân trọng kính mời.

Chiếu phim điện ảnh miễn phí BROOKLYN - Phim Oscar

Thời mà khoảng cách giữa hai bờ Đại dương chỉ có thể nối liền qua giọng nói rè rẹt của điện thoại quay số. Eilis (Saoirse Ronan) là một cô gái trẻ sống tại làng quê Ireland đìu hiu, và dường như không có tương lai nào khá hơn công việc bán tạp hóa thuê hiện tại. Cơ hội đến khi người chị Rose hỏi được một việc làm ở Brooklyn, Mỹ, miền đất hứa cho những người Châu Âu nghèo khổ. Cô gái bé nhỏ quyết định ra đi mưu cầu cuộc sống mới hạnh phúc. Nhưng liệu thành phố nhập cư nổi tiếng này có đáp lại khát khao của cô?

Được đề cử ở ba hạng mục lớn là "Phim hay nhất", "Nữ diễn viên chính xuất sắc" và "Kịch bản chuyển thể xuất sắc", Brooklyn của đạo diễn John Crowley được đặt lên bàn cân với những đối thủ nặng ký như The Big Short, The Martian hay Room trên đường đến với thảm đỏ Oscar 2016. Bộ phim chuyển thể trung thành với tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Tóibín và gây được ấn tượng tốt với khán giả từ khi tung trailer. Đây là thực sự là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, cảm động với sự hóa thân của ngôi sao trẻ Saoirse Ronan vào vai một nàng thơ ôm "giấc mơ Mỹ".

Tất cả các yếu tố từ câu chuyện, cách kể, cách dựng và quay phim đều cho thấy sự cẩn trọng của đạo diễn John Crowley. Câu chuyện bắt đầu tại miền quê Ireland - nơi Eilis quyết định từ biệt mẹ và chị gái, bước lên con tàu đưa cô đến với "giấc mơ Mỹ". Quyết định đó thay đổi cuộc đời Eilis mãi mãi khi đặt cô đứng trước hai lựa chọn: trách nhiệm với gia đình và tương lai tươi sáng mà cô luôn ấp ủ.

Cảnh Eilis tạm biệt mẹ và chị gái khi tàu vừa nhổ neo dễ gợi nhắc đến nhiều bộ phim kinh điển như Titanic hay Pearl Harbor. Những buổi khiêu vũ trong thị trấn - nơi các cô gái trẻ xúng xính áo quần đi tìm bạn đời - sẽ khiến những ai từng xem Pride & Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) ngỡ như thân thuộc. Đặc biệt, cảnh Eilis bước qua cánh cửa hải quan, lần đầu đặt chân lên nước Mỹ thiên đường được xử lý với hiệu ứng Slow-Motion, quay sấp bóng để ánh sáng tràn vào khuôn hình mang đến cảm giác choáng ngợp cũng là thủ pháp kể chuyện bằng hình ảnh thông minh của John Crowley.

John Crowley đã mang đến một cái kết đẹp, đầy lạc quan và tin yêu. Eilis đã tiếp tục truyền cảm hứng, động lực và niềm tin của mình để thổi bùng lên những "giấc mơ Mỹ" khác. Đó là một chặng đường dài, gập ghềnh, khắc nghiệt. Nhưng nếu dám đi đến đích, cái chúng ta nhận được phía cuối con đường sẽ không chỉ là bánh mỳ hay hoa hồng, mà là cả hai.

Góp phần mang lại không khí cổ điển cho phim là phần phục trang được đầu tư khá công phu. Nhà thiết kế phục trang Odile Dicks-Mireaux đã lấy cảm hứng từ phong cách yêu kiều, quyến rũ của huyền thoại Grace Kelly tạo điểm nhấn cho tạo hình của Saoirse Ronan. Những chiếc váy hoa dài họa tiết vintage đi kèm áo len cổ thuyền ôm sát hay áo cardigan mỏng gam màu pastel gợi nhắc về thời trang thập niên 1950, 1960. Eilis khi ấy trở thành hình mẫu của vẻ đẹp truyền thống dịu dàng, cổ điển, nổi bật giữa những lấp lánh, phồn hoa của nước Mỹ.

Điểm sáng và cũng là "linh hồn" của phim Saoirse Ronan. Được biết đến từ Atonement trong vai thiên thần áo trắng Briony năm 13 tuổi, Saoirse gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi đôi mắt xanh sâu thẳm, ẩn giấu những bí mật không ngờ. Tiếp đến, The Lovely Bones, Hanna và đặc biệt là The Grand Budapest Hotel năm 2014 là những bước khẳng định sự trưởng thành của Saoirse trong diễn xuất. Sau quá trình dài đó, Brooklyn trở thành bệ đỡ hoàn hảo đưa cô đến với đề cử Oscar hạng mục "Nữ diễn viên chính xuất sắc" năm 2016.

Eilis không phải là vai diễn thử thách bằng những xung đột tâm lý dữ dội hay những diễn biến nội tâm cực đoan. Điều Saoirse Ronan đã mang đến và được đánh giá cao ở Brooklyn là sự trưởng thành của cá nhân cô trong sự nghiệp để miêu tả sự trưởng thành trong nhận thức cũng như tình cảm của một cô gái nhập cư, từng bước hiện thực hoá "giấc mơ Mỹ".

Nhà soạn nhạc Michael Brook (Into The Wild, The Perk Of Being A Wallflower…) một lần nữa hoàn thành xuất sắc phần việc của ông, với các bản nhạc nền dựa trên âm hưởng celtic cổ kính. Có một cảnh người đàn ông vô gia cư đứnglên hát trong đêm Giáng sinh, bản nhạc dân gian "Casadh an tSúgáin" (Twist Of The Rope – Nút xoắn của sợi dây) khiến Eillis rơi nước mắt. Dù không hiểu lời, người xem vẫn sẽ cảm nhận được không khí hoài hương đang lấp đầy gian phòng, đến mức ta có thể hít thở nó như cô.