Ra mắt khán giả vào những năm đầu thập niên 1990, sau gần 25 năm, Home Alone (Ở Nhà Một Mình) vẫn là bộ phim được xem lại nhiều nhất mỗi dịp Giáng sinh về.
Với kinh phí sản xuất 15 triệu USD, Home Alone (Ở Nhà Một Mình) từng trở thành một hiện tượng của Hollywood khi soán ngôi tất cả các phòng vé, đồng thời thu lại lợi nhuận (ước tính khoảng 2 triệu USD tại Mỹ) cho nhà sản xuất ngay sau tuần công chiếu đầu tiên. Tiếp sau đó, bộ phim kiên trì bám trụ phòng vé trong 12 tuần liền và trở thành bộ phim hài đạt kỷ lục thế giới về doanh thu khi đó - 533 triệu USD trên toàn cầu.
Điều gì đã khiến bộ phim về cậu bé 8 tuổi, bị gia đình bỏ quên, phải xoay xở với hai tên trộm trong kỳ nghỉ Giáng sinh, trở thành cơn sốt không chỉ tại Mỹ mà còn ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong một thời gian dài? Tại Ba Lan, Home Alone đã trở thành bộ phim truyền thống mùa Noel, được phát chính thức trên kênh truyền hình quốc gia hàng năm. Ở nhiều nơi khác, cứ đến hẹn lại lên, Home Alone vẫn trở thành bộ phim được đón đợi nhất của khán giả trên truyền hình.
Một trong những điểm thú vị dễ thấy của bộ phim là bên cạnh việc khai thác nét văn hóa có tính toàn cầu, Home Alone (Ở Nhà Một Mình) gây tò mò bằng một tình huống giả định: đứa trẻ 8 tuổi không gia đình trong mùa mà người người, nhà nhà sum vầy, đoàn tụ. Tình huống tưởng như sẽ đặt nhân vật vào hoàn cảnh cô đơn, tuyệt vọng này đã được đạo diễn Chris Columbus xử lý theo phong cách hài hước, nhẹ nhàng.
Người xem không cảm thấy Kevin là cậu bé đáng thương, bố mẹ cậu là những người đáng trách. Thay vào đó, mỗi cuộc phiêu lưu của Kevin dù là chuyến đi siêu thị một mình đầu đời hay cuộc chạy trốn hai tên trộm xảo quyệt đều mang đến cho khán giả những tràng cười giòn giã.
Home Alone gợi nhắc cho chúng ta về một thời kỳ đầu của công nghệ làm phim Hollywood. Các tình tiết gây hài trong phim chủ yếu đến tự nhiên, hoặc sắp xếp thật chứ không nhờ sự can thiệp của kỹ xảo điện ảnh. Rất nhiều chi tiết thú vị trong phim được đạo diễn tạo dựng ngay tại trường quay, với sự cộng tác hết mình của các diễn viên. Ít ai biết rằng, Daniel Stern đã để một con nhện thật bò trên mặt mình và thu lấy tiếng hét thất thanh cùng gương mặt kinh hoàng thật sự trong cảnh té ngửa ở cầu thang. Hay bức ảnh người bạn gái của Buzz mà Kevin tìm được trong phòng thực sự là một người nam hoá trang thành nữ…
Chi tiết chiếc lò ma quái - nỗi ám ảnh của Kevin dưới tầng hầm, nếu như được dựng lại ngày nay, hẳn sẽ rùng rợn hơn nhờ sự hỗ trợ của các hiệu ứng kỹ xảo. Tuy nhiên, vào thời ấy, chỉ với hai người điều khiển một hệ thống chuyển động bởi những sợi dây câu và ánh đèn flash, khán giả đã có một con quái vật biết cựa quậy, thỉnh thoảng phát ra những âm thanh gầm rú rợn người.
Cũng trong điều kiện còn nghèo nàn về công nghệ làm phim, đạo diễn Chris Columbus đã phát minh ra những công cụ và những hình thức gây hài thông minh. Diễn viên của ông đã phải trang bị một đôi tất cao su, dưới hình dạng một đám bùn đen, dẫm trên một chiếc đinh như thật trong cảnh đột nhập vào ngôi nhà vắng chủ. Người xem cũng đã bất ngờ với những câu thoại, cảnh quay ngắn của bộ phim Angels With Filthy Souls được cắt ghép, đan cài hoàn hảo trong âm mưu đánh lừa hai tên trộm của Kevin.
Diễn viên nhí Macaulay Culkin đã có một vai diễn để đời vào năm 10 tuổi trong Home Alone. Bộ phim đã đưa tên tuổi Macaulay đến với thế giới cũng như mở đường cho rất nhiều dự án phim khác của anh. Nét láu lỉnh cùng diễn xuất thông minh, đầy tự tin của cậu bé Kevin ngày ấy đã hoàn toàn thuyết phục người xem. Đến tận khi trưởng thành và góp mặt trong những bộ phim ăn khách khác, Macaulay Culkin vẫn không phủ nhận Kevin là vai diễn thành công nhất trong sự nghiệp của mình.
Một điều từng làm khán giả tiếc nuối là sự xuất hiện hụt của “bố già” Robert De Niro với vai một trong hai kẻ trộm của phim. Tuy nhiên, thay vào đó, Daniel Stern đã có một màn trình diễn làm hài lòng khán giả. Chuyện anh chấp nhận quay thật cảnh con nhện khổng lồ bò trên mặt mình, nhằm ghi lấy âm thanh thực sự của sự sợ hãi cũng đã xứng đáng ghi điểm trong lòng khán giả bởi sự hy sinh cho vai diễn.
Sau thành công ngoài mong đợi của Home Alone năm 1990, các nhà sản xuất không bỏ lỡ cơ hội kể tiếp câu chuyện ăn khách về cậu bé lém lỉnh – Kevin. Có rất nhiều phiên bản kéo dài, phiên bản mới của Home Alone được ra mắt sau này như Home Alone 2: Lost in New York (1992); Home Alone 3 (1997); Home Alone 4 (2002) và mới đây nhất là Home Alone: The Holiday Heist (2012).
Mặc dù đã gần 25 năm kể từ ngày đạo diễn Chris Columbus đưa cậu bé Macaulay Culkin lên màn ảnh, Home Alone vẫn là một trong những bộ phim không thể lãng quên mỗi dịp Noel về. Cùng với cây thông, chuông nhà thờ, nến, gà quay, bánh khúc cây, Home Alone là cái tên hoàn thiện đêm Giáng sinh ấm cúng, an lành bên các gia đình dù là ở bất cứ đâu.
HOME ALONE (Ở NHÀ MỘT MÌNH), 1990
1. Thời gian: 19h30 Thứ năm, ngày 25 tháng 11 năm 2021.
(Thời lượng: 90 Phút, FULL HD 1080P, Phụ Đề Tiếng Việt)
2. Địa điểm: Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
(Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí.)
3. Chi phí: Sự kiện không thu vé!
Vincent không nhận đặt chỗ trước. Qúy khách vui lòng đến trực tiếp quán vào buổi chiếu phim.
Quý khách vui lòng đến đúng giờ và gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.
Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, 91 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Trân trọng kính mời.