Là bộ phim đầu tiên trên thế giới được thực hiện hoàn toàn bằng tranh sơn dầu, Loving Vincent là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử điện ảnh và giải Oscar.
Cứ mỗi một giây khán giả được xem trong 90 phút của bộ phim tương ứng với 12 bức tranh được hơn 100 họa sĩ thực hiện bằng tay. Tổng cộng gần 65,000 bức họa đã được vẽ để cho ra đời tác phẩm điện ảnh gây chấn động giải Oscar lần thứ 89. Khán giả chỉ cần thử mường tượng ra khối lượng công việc khổng lồ từ ghi hình diễn viên, chuyển thể thành tranh và chụp dựng lại như phim stop motion với chi phí vỏn vẹn 5 triệu USD thôi cũng đủ để thấy Loving Vincent quả là một điều kỳ diệu trong lịch sử điện ảnh Hollywood.
* PHIM ĐIỆN ẢNH - LOVING VINCENT, OSCAR LẦN THỨ 89 (2017)
1. Thời gian: 16h30 – 18h00 Thứ Bảy, Ngày 16/07/2022
(Thời lượng: 94 Phút, FULL HD, Phụ đề Tiếng Việt)
2. Địa điểm: Tầng 2, Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
(Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí)
Quý khách vui lòng gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.
Khách hàng của Vincent vui lòng đến đúng giờ để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh nhé.
Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee
Trân trọng kính mời.
Bộ phim đặt mốc thời điểm là 2 năm sau khi Vincent Van Gogh qua đời. Các tác phẩm của ông lúc này chưa được giới hội họa công nhận và những người xung quanh vẫn nghĩ Vincent là một kẻ khùng điên không hơn không kém. Armand Roulin - con trai một người bạn của Vincent đã theo lời cha lên đường đến thủ đô Paris nước Pháp thực hiện di nguyện cuối của đại họa sĩ là trao tận tay lá thư cuối cùng trước khi tự sát của ông cho em trai ruột là Theo Van Gogh.
Tuy nhiên, khi đến nơi, Armand mới biết được rằng Theo đã chết. Nhờ sự giới thiệu của một người chuyên cung cấp sơn dầu Pere Tanguy, anh chàng tìm về ngôi làng Auvers-sur-Oise, nơi chứng kiến những ngày cuối cùng trong cuộc đời Vincent để gặp gỡ bác sĩ Paul Gachet.
Tại đây, các cuộc gặp gỡ, đối thoại đã thôi thúc Armand phải tìm hiểu bằng được nguyên nhân thực sự đằng sau sự ra đi của vị họa sĩ bí ẩn, vốn bị hầu hết mọi người – trong đó có cả anh – cho là "kẻ lập dị" và không thể nào ưa nổi…
Phải công nhận rằng chưa cần bàn tới phần truyện thì phần hình của Loving Vincent thôi cũng đã đủ làm khán giả choáng ngợp. Toàn bộ các khung hình-bức họa trong phim đều lấy cảm hứng từ phong cách, bố cục, cách phối màu của tranh Van Gogh. Trong đó, rải rác khắp bộ phim là các tuyệt tác của ông. Và cốt truyện cùng tạo hình các nhân vật đều được hình thành từ những tác phẩm thực này.
Với cách làm phim thông thường, các nhà làm phim sẽ cài cắm các chi tiết gợi nhắc nhỏ trong diễn tiến phim, chỉ những khán giả khéo để ý mới nhận ra. Nhưng Loving Vincent lại làm điều ngược lại. Chính loạt các bức họa của Vincent Van Gogh làm nên xương sống của bộ phim chứ không phải được gài vào sau khi câu chuyện đã hoàn chỉnh. Mỗi khi có một bức họa xuất hiện trên màn ảnh, người xem có thể cảm nhận được rõ ràng màn ngả mũ tôn vinh của người làm phim trước di sản vĩ đại của họa sĩ.
Cuối phim, những ca từ và giai điệu của ca khúc Vincent (Starry, Starry Night) vang lên khiến cho cảm xúc tích tụ suốt bộ phim có thể khiến khán giả trực trào thành những giọt nước mắt: "For they could not love you. But still your love was true…They would not listen, they are not listening still. Perhaps they never will… (Cho dù họ không yêu ông thì tình yêu mà ông dành cho họ vẫn luôn hiện hữu… Họ sẽ không nghe thấy, không hiểu được. Có lẽ là không bao giờ…)
"Tôi muốn chạm vào mọi người bằng những bức tranh của tôi."
Loving Vincent không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Hollywood làm về thiên tài hội họa Vincent Van Gogh nhưng ở bộ phim có những điều khiến cả thế giới điện ảnh phải trầm trồ, sửng sốt, ngưỡng mộ. Nhất là khi toàn bộ các bức tranh đều được vẽ theo phong cách đặc trưng của đại danh họa Van Gogh: Từng nét cọ ngắn, chồng chất liên tiếp lên nhau; cách sử dụng những mảng màu bộc lộ cảm xúc đầy ám ảnh;… nên chẳng sai đâu khi chúng ta có thể gọi đây chính là lời hồi đáp đáng giá dành cho "kẻ khùng" Vincent Van Gogh sau hơn 120 năm!