Từng có không ít người tự đặt câu hỏi: "Bộ phim nào là hay nhất trong lịch sử điện ảnh?" và dùng nhiều công cụ để tìm kiếm câu trả lời. Nhiều tạp chí điện ảnh, những cuộc bầu chọn khác nhau đem tới nhiều đáp án nhưng trên trang web nổi tiếng nhất về môn nghệ thuật thứ bảy là IMDB, bộ phim The Shawshank Redemption (tạm dịch là Nhà tù Shawshank) đang đứng sừng sững ở vị trí đáng mơ ước ấy.
Nhà tù Shawshank đánh động mạnh mẽ vào tâm khảm người xem bởi tính nhân văn sâu sắc trong nội dung, sự tinh tế trong việc khắc họa hình tượng nhân vật và cách dẫn dắt câu chuyện đầy cuốn hút. Có thể nói, đây là một bộ phim hoàn hảo cả về mặt nội dung và nghệ thuật. Những tầng ý nghĩa không chỉ dừng lại ở các câu chuyện bề nổi, mà còn được ẩn đi rất khéo léo vào trong các hình ảnh biểu tượng và các chi tiết đối xứng tương phản được trải đều khắp thước phim.
* PHIM ĐIỆN ẢNH - THE SHAWSHANK REDEMPTION, 1994
1. Thời gian: 20h30 – 22h15 Thứ Bảy, Ngày 16/07/2022
(Thời lượng: 105 Phút, FULL HD 1080, Phụ Đề Tiếng Việt)
2. Địa điểm: Tầng 2, Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee, Số 91 Phố Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội
(Đường rộng có chỗ để ô tô miễn phí)
Quý khách vui lòng gọi đồ uống tại quầy tầng 1 trước khi xem phim.
Khách hàng của Vincent vui lòng đến đúng giờ để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm điện ảnh nhé.
Vincent Le Café - Van Gogh Paintings, Books & Coffee
Trân trọng kính mời.
Bộ phim kể về biến cố khắc nghiệt nhất trong cuộc đời của một người đàn ông mang tên Andy Dufresne (Tim Robbins thủ vai), phó chủ tịch ngân hàng Portland – một ngân hàng nổi tiếng, phải chấp hành hai án tù chung thân tại nhà giam Shawshank vì tội giết vợ và nhân tình của vợ. Chính sự mập mờ không rõ ràng trong bản án của Andy và thái độ bối rối của anh ngay từ những thước phim đầu tiên đã lôi cuốn sự tò mò của khán giả. Và rồi liên tiếp các sự kiện sau đó về cuộc sống Andy khi ở trong tù lại kéo người ta vào sâu hơn vào trong cuộc đời của những con người đã, đang và sẽ bị "thể chế hóa" sau những song sắt nguội lạnh.
Sự căng thẳng và áp lực với tần suất và cường độ cao dành cho Andy khi ở trong tù không hề làm anh hao hụt ý chí hay nghị lực sống. Chưa từng một lần trong phim, nhân vật chính này thể hiện một chút nào sự đau khổ hay tuyệt vọng trên gương mặt. Tất cả những gì khán giả được chứng kiến là sự lạnh lùng, thản nhiên như thể anh chưa hề bị lãnh hai án chung thân. Andy như một cuốn sách đóng kín mà ở đó, các ý định hay xúc cảm của anh không một ai có thể chạm tới được.
Chính điều này tạo nên sự kịch tính bất ngờ của câu chuyện vì tất cả những gì người ta suy đoán về Andy đều sai lầm.
Từ vị trí một thương nhân thành đạt rơi xuống kiếp tù đày là một cú sốc môi trường và chấn động tâm lý rất lớn. Một người không đủ sức mạnh ý chí hay khả năng thích nghi sẽ sớm bị đánh gục trước sự chuyển đổi này. Trong hàng chục năm ròng rã, Andy đã thể hiện được rằng anh là người có thể tồn tại được trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Không những thế, anh còn trở thành nhân tố làm thay đổi môi trường sống ở nơi anh có mặt. Để rồi đến cuối cùng, ta chợt nhận ra rằng người đàn ông này mang trong mình tất cả những phẩm chất cao quý nhất mà một con người có thể có được: Lòng nhân ái, sự dũng cảm, trí thông minh, sự can trường, và hơn tất thảy đó là niềm hy vọng (hope) – thứ được ghi dấu và thể hiện mãnh liệt nhất trong một nơi chốn phủ đầy sự tuyệt vọng.
"Hope is a good thing. May be the best of things. And no good thing ever dies."
Bộ phim bao gồm thoại của các nhân vật đan xen với lời dẫn chuyện của "công dân gương mẫu" Red (Morgan Freeman thủ vai) – người bạn tù thân thiết nhất của Andy. Điều ấn tượng ở đây đó là giọng kể của Red rất bình an, đều đặn với những câu từ sâu sắc và đầy ẩn ý của một người đã kinh qua rất nhiều giông tố cuộc đời. Không có sự kịch tính hay cường điệu hóa trong giọng của Red. Tất cả cứ êm ả, bình dị diễn ra khiến người ta liên tưởng đến cảnh tượng dưới một đêm trăng thanh bình, những người bạn tri kỷ quây quần bên nhau cạnh đống lửa trại và lần lượt hồi tưởng, sẻ chia những ký ức đậm sâu nhất trong cuộc đời mình, dù đó là những ngày tháng vào tù ra tội. Những lời của Red cứ thấm đượm dần dần vào tâm khảm của khán giả, làm dâng lên lòng trắc ẩn và sự đồng điệu với những số phận khổ đau. Nhờ đó, người ta sẽ dễ dàng thấy được nhiều hơn những phần ánh sáng trong những khúc đoạn tối tăm, khô khan, khó đón nhận như môi trường tù ngục.
Bên cạnh nghị lực và ý chí phi thường của Andy, tình bạn giữa anh và Red cùng những người bạn tù khác là một nội dung được thể hiện rất mãnh liệt ở trong bộ phim. Có lẽ chính trong môi trường căng thẳng, đen tối, khắc nghiệt ấy, tình yêu thương giữa con người với con người mới được dịp nảy nở. Người ta sẽ khắc cốt ghi tâm một người bạn ở cùng mình trong cơn họa nạn hơn một người trong cơn vui sướng.
Bộ phim đã xây dựng nên một môi trường hoàn hảo cho những điều tốt đẹp nhất được bộc lộ, đặc biệt đó là niềm hy vọng. Trong khi Red cho rằng hy vọng là một thứ rất nguy hiểm và có thể khiến một kẻ trở nên điên rồ, thì Andy lại khẳng định anh được tự do trong tâm hồn là nhờ nó. Và xuyên suốt bộ phim, cũng chính hy vọng là điều khiến anh có thể kiên cường tồn tại và đấu tranh trong suốt 20 năm tù oan ức dài đằng đẵng.
Sự vĩ đại của bộ phim còn nằm ở cách diễn đạt về sự tự do, không chỉ trong thân xác mà còn trong tâm trí con người. Sự thể chế hóa được dựng lên trong nhà tù Shawshank khiến tôi liên tưởng đến sự bám dính rất tinh vi của một ý tưởng vào trong tâm trí mà bộ phim Inception có nói tới. Khi một người đã rơi vào trong một ý tưởng thì việc thoát ra khỏi nó là điều dường như bất khả.
"These prison walls are funny. First you hate 'em, then you get used to 'em. Enough time passes, gets so you depend on them. That's institutionalized." – Red
Sự nô lệ, phụ thuộc hằn sâu vào trong tâm trí của một người khi ở trong tù hay ở trong một ý tưởng quá lâu khiến cho họ sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất an, vô hướng, thậm chí khủng hoảng đến chết khi đi ra ngoài chốn quen thuộc đó. Ngục tù đã trở thành một lối sống, trở thành một thói quen khó lòng gỡ bỏ. Để thoát ra khỏi đó, một người không những cần mang đầy đủ những phẩm chất cần thiết – sức khỏe, sự nhạy bén, trí tuệ, lòng nhân ái, sự can trường, v.v… mà họ còn cần sự hậu thuẫn từ các mối quan hệ với con người hay trời đất – thời thế. Có thể nói, xác suất để thoát ra khỏi chốn ngục tù ấy là cực kỳ nhỏ.
Bộ phim xoay quanh sự vượt lên biến cố cuộc đời của Andy không chỉ bằng cách trực tiếp kể về anh, mà còn bằng sự gián tiếp khi miêu tả sự thất bại của các nhân vật khác trong tù với đủ các lý do khác nhau: Thiếu sức khỏe, thiếu sức mạnh, thiếu tình người, và thiếu sự hiểu biết. Nhà tù Shawshank diễn đạt khả năng đạt đến thành công của một người cần hội tụ ĐỦ các nhân tố cần thiết. Và chính sự tinh tế và khéo léo trong việc sắp đặt các nhân vật và diễn biến thời gian khiến cho bộ phim trở thành một thể thống nhất cực kỳ chặt chẽ, nếu như không nói là hoàn hảo. Sự chính xác về thời điểm (timing) làm nên sự vĩ đại của tác phẩm điện ảnh này. Khi xem một bộ phim có sự sắp đặt với độ khớp nối cao như vậy tôi có cảm giác như nó được dàn dựng nên từ bàn tay của Chúa, như một câu chuyện kinh điển chấn động hoàn toàn có thật trong lịch sử. Nhà tù Shawshank giúp người ta hiểu được thế nào là định mệnh.
Bộ phim với tiết tấu chậm rãi, tương đương với giọng kể của nhân vật Red và sự mòn mỏi của những tháng năm trong tù nên đôi lúc ta có cảm giác như nó không bao giờ kết thúc. Và khi ta bắt đầu quen được với nhịp điệu của bộ phim rồi thì nó đột nhiên khép lại với một sự kiện khiến ta choáng váng. Rốt cuộc, chính ta cũng đã phần nào bị thể chế hóa bởi bộ phim này.
Nhà tù Shawshank ẩn chứa rất nhiều các hình ảnh biểu tượng như bức tranh của Giám đốc Norton, bức tranh Marilyn Monroe, cuốn kinh thánh, chiếc búa, những quân cờ của Andy, cống rãnh, cơn mưa, phòng tối, bờ biển, v.v… thậm chí mỗi nhân vật xuất hiện lại là một biểu tượng cho một điều gì đó. Bộ phim mang trong mình cả một bầu trời ẩn ý. Kết hợp với lời kể chuyện giản dị, nhẹ nhàng, sâu lắng của Red, cảm giác mênh mang về ý nghĩa của bộ phim càng dâng cao. Dù nó đã kết thúc, nhưng tâm tưởng và trái tim của người xem vẫn còn lắng lại đâu đó ở trong bộ phim cùng những tiếc nuối hòa trộn với niềm hân hoan, nỗi ám ảnh đan xen cùng sự cảm phục.
Các góc quay trong Nhà tù Shawshank rất gọn gàng và giản dị cùng âm nhạc nhẹ nhàng giúp khơi gợi về một miền đất thanh bình tự do nằm ngoài những song sắt. Diễn xuất của hai diễn viên Tim Robbins vào vai Andy và Morgan Freeman vào vai Red truyền cảm xúc và cảm hứng rất lớn cho người xem. Người ta sẽ ấn tượng mãi nét lạnh lùng cương quyết trên hàng lông mày của Andy, nụ cười hiền hậu và đôi mắt đong đầy trăn trở thẳm sâu của Red. Không chỉ có hai người họ, mà tất cả các nhân vật khác đều để lại dấu vết ấn tượng trong lòng người.
Giống như một cuốn sách hay, The Shawshank Redemption còn làm được nhiều điều hơn chỉ là giải trí. Xem phim, khán giả cảm thấy trân trọng hơn sự tự do, tình bạn và những điều bình dị nhưng đẹp đẽ trong cuộc sống. Andy là nhân vật tạo nên cảm hứng, hy vọng. Cái kết tác phẩm chính là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời, với màu xanh của bầu trời, biển Thái Bình Dương như đại diện cho một giấc mơ về tình yêu cuộc sống.
"Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả" - những từ mà Andy nói với Red cũng ứng nghiệm với The Shawshank Redemption, khi kiệt tác về tình bạn, cuộc sống và hy vọng này sẽ trường tồn mãi trong lịch sử điện ảnh.