Chiếu phim: Kazimir Malevich, kẻ bứt phá - Buổi chiếu vào cửa tự do!!!
>>>Xem thêm: Giải trí với Ticketgo Youtube channel
Thông tin từ ban tổ chức:
Thời gian: 19:30, Thứ sáu 13/08/2020
Địa điểm: CA’ Library, tầng 3 AGOhub, 12 Hòa Mã, Hà Nội
-------
Sau Trường Bauhaus và nghệ thuật trừu tượng của nhóm De Stijl mà đại diện là họa sĩ Mondrian, ngày 5 tháng 5 tới đây, CLB Điện ảnh Kiến trúc sẽ giới thiệu tới các bạn một luồng tư tưởng khác, cũng đã ảnh hưởng một cách sâu sắc tới kiến trúc. Khác với nhiều trường phái nghệ thuật nở rộ ở các nước Tây Âu đầu thế kỷ 20 mà các bạn đã khám phá ở hai phim trước, buổi chiếu tới chúng ta đến với nước Nga.
Cùng chung bầu không khí muốn tạo nên một cuộc cách mạng về nghệ thuật ở khắp châu Âu, các nghệ sĩ Nga đầu thế kỷ 20 còn bị tác động hơn nữa bởi yếu tố chính trị. Trong một xã hội đang sục sôi thay đổi, họ và toàn dân muốn lật đổ hoàn toàn thể chế chính trị của một đế chế Nga Hoàng đã tồn tại ba thế kỷ (Nhà Romanov). Nhất là từ sau cách mạng tháng 10 năm 1917 cho đến năm 1925, nghệ thuật trở thành phương tiện để nói đến tự do và xoá bỏ sự khác biệt giai cấp. Được sự hậu thuẫn của các chính trị gia lúc bấy giờ, môi trường nghệ thuật nở rộ khắp nơi. Nhiều triển lãm và bảo tàng được dựng lên để thổi bùng những tư tưởng mới. Ngay cả hệ thống giáo dục trong các học viện nghệ thuật cũng được điều chỉnh lại. Hội hoạ và kịch nghệ (thiết kế sân khấu) là hai ngành nghệ thuật được thể hiện và có sức lan toả lớn nhất.
Sự khát khao thay đổi ảnh hưởng rõ trong cách tư duy sáng tác. Các hoạ sỹ đề cao tư tưởng hội họa không chỉ dành cho giới quý tộc mà phải được thể hiện theo cách khác, phải “đập bỏ” hết và bắt đầu từ số “0”. Các nghệ sĩ đưa ra một khái niệm mới về hội hoạ lấy tên “Siêu việt” (suprematism), một trường phái hội họa trừu tượng ra đời. Trong đó, màu sắc và chất liệu là cái cốt lõi, là đối tượng cần phải thể hiện, chứ không phải là công cụ để tái tạo lại một hiện thực nào cả. Trường phái Tạo dựng (constructivism) ra đời ngay sau đó còn mạnh hơn về mặt thể hiện, người sáng tác còn mong muốn loại bỏ cái gọi là hội họa, tức là tranh và giá vẽ. Tác phẩm nghệ thuật được sáng tác như một dạng điêu khắc mới. Nó được tổ hợp bởi nhiều vật liệu, chủ yếu là thép và kính. Nhưng “Tạo dựng” cũng phải có giá trị về mặt thực tế, tức là nghệ thuật phải phục vụ cho cuộc sống và cho số đông. Nó phải được ứng dụng để tạo ra những đồ vật sinh hoạt hàng ngày, và hơn cả là kiến trúc.
Cuốn phim “Kazimir Malevich, breaking free of the earth” (Tạm dịch: Kazimir Malevich, kẻ bứt phá) của đạo diễn Barrie Gavin là một trong những phim ít ỏi nói về các nghệ sĩ tiên phong ở nước Nga đầu thế kỷ trước. Cuốn phim nói tới những giai đoạn thử nghiệm hội hoạ trong đời của Malevich cho đến khi ông sáng lập ra trường phái Siêu việt. Đó là sự tìm kiếm không mệt mỏi trải qua nhiều nguồn ảnh hưởng, từ trường phái Lập thể (cubism) và Vị lai (futurism) của các hoạ sĩ tiên phong Tây Âu đến tranh dân gian của Nga. Bộ phim cũng nói tới những tác động của xã hội lên công việc sáng tác của ông, lúc được tự do sáng tác trong thời kỳ mà Lênin ủng hộ, và điều đáng tiếc xẩy ra khi ông quay lại vẽ tranh Hiện thực (realism) ở cuối đời khi Stalin lên nắm quyền.
Cuộc đời và tác phẩm của những nghệ sĩ tiên phong Nga vẫn luôn là một đề tài vừa hấp dẫn nhưng cũng bi thương. Chỉ vào những thập niên cuối ở thế kỷ trước thì những bảo tàng ở Mỹ và Tây Âu mới thu thập được một số lượng thông tin cần thiết để đưa chúng tới rộng rãi người xem trên thế giới. Sau khi Stalin lên nắm quyền, với sự áp đặt trường phái nghệ thuật “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism), đặc biệt là tranh cổ động, thì nhiều nghệ sĩ đã phải rời bỏ đất nước. Những người ở lại sống trong sự quên lãng. Nghệ thuật ở nước Nga sau đó không còn có tính đột phá như trước nữa. Nhưng điều thú vị đáng nói ở đây là tuy nước Nga đã bỏ lỡ việc duy trì phát triển hai trường phái Siêu việt và Tạo dựng, chúng lại được đón nhận ở các nước Tây Âu. Sự ảnh hưởng này có thể thấy trước tiên tại trường Bauhaus, trong việc giảng dạy ứng dụng nghệ thuật vào cuộc sống, và đặc biệt sau này, Siêu việt và Tạo dựng là nguồn cảm hứng quan trọng cho các kiến trúc sư thuộc trào lưu Giải toả kết cấu (deconstructivism). Đây là một trong ba trường phái kiến trúc có ảnh hưởng nhất trong nửa cuối thế kỷ 20.
Chính nhờ chính trị mà nước Nga đã cho ra đời những tác phẩm kiệt xuất, nhưng cũng vì chính trị mà những người sáng tác ra chúng sống trong cảnh bi thương. Khi một xã hội cho phép con người thể hiện tư tưởng và suy nghĩ của mình, môi trường sáng tạo sẽ thúc đẩy tiến bộ tri thức nhân loại.
Buổi chiếu vào cửa tự do, các bạn đến sớm ít nhất 10 phút để ổn định vị trí ngồi nhé
Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.