Chương trình: "Lục Tỉnh Cầm Ca" | Giới thiệu Diễn Xướng Nam Bộ

“Người trong Nam (từ Đồng Nai tới Quảng Nam) thì hát lý hay hơn cả; còn thơ, phú, ca, vịnh thì người miền Bắc; còn việc hò thì tại nơi kinh kỳ (Huế)”, (trích Trương Vĩnh Ký trong giáo trình Hát, Lý, Hò An Nam, 1886). Từ những năm 1620, đất Đồng Nai – Gia Định (với hàm nghĩa là toàn cõi miền Nam) trở thành vùng đất mới với lưu dân đến lập nghiệp đa phần là cư dân Thuận Quảng. Vì lẽ đó, văn hóa Thuận Quảng là hạt giống đầu tiên gieo trồng trên vùng thổ ngơi mới này và cũng là cơ sở của văn hóa Nam Bộ.

Theo dòng lịch sử đó, vùng đất sông nước Đồng Nai, Gia Định (vốn là đất cũ của người Khmer, với văn hóa tương đối khác với lưu dân Thuận Quảng) bắt đầu tiếp nhận thêm các làn sóng văn hoá mới: từ cộng đồng Minh Hương tìm đường tị nạn đến văn hóa phương Tây do người Pháp mang tới. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận Quảng thì không muộn hơn là bao là sự giao lưu với văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Âu Tây. Đến đầu thế kỷ XX, văn hóa Nam Bộ đã trở thành một phức thể mang tính chất tổng hợp và baroque rõ rệt.

Cá tính văn hóa của vùng đất này mang tính chất mở: nó thâu hóa tất cả những gì từ nơi khác hội tụ về đây. Thêm vào địa thế của nơi đây là một ngã ba đường luôn nối được với các luồng thông thương chủ yếu với thế giới bên ngoài, với sự giao lưu không ngừng của những con người, những tư tưởng, những luồng tư bản, những hàng hóa, những xu hướng khác nhau… Do đó, nên hầu như không có một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu (và cả thị hiếu) văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định. Chúng luôn luôn và nhanh chóng đổi mới, đáp ứng nhu cầu của từng thời đại. Từ nhạc lễ đến ca nhạc tài tử, từ hát bội đến ca kịch cải lương, hiện tượng “tân cổ giao duyên” xảy ra một cách phổ biến trong hầu hết mọi loại hình văn hóa nghệ thuật, kể cả trong dạng thức văn hóa vật chất. Hệ quả là trên bề mặt của sinh hoạt văn hóa nối bật tính thời thượng và tính hiếu kỳ trong thị hiếu văn hóa của người dân nơi đây.

Nếu như ở chương trình Diễn Xướng Nam Bộ kỳ 1: Khảy Nhịp Tình Tang, khán giả đã được giới thiệu sơ lược về các loại hình Diễn Xướng Nam Bộ thông qua phim tài liệu và lới bình của Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng thi lần này, CCD xin trân trọng giới thiệu chương trình diễn xướng đặc biệt LỤC TỈNH CẦM CA, Giới thiệu và trình diễn một số trích đoạn minh hoạ tiến trình hình thành và phát triển của diễn xướng Nam Bộ.

THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ SỰ KIỆN:

Thời gian: Thứ 7, 08 Tháng 12 2018 (07:30 PM - 09:30 PM)

Địa điểm:  Sân Khấu Idecaf - 28 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh

Hát ru theo điệu thức “Lý bốn mùa”.

Tư khi chào đời, câu hát ru đưa nôi đã nuôi dưỡng cho tâm hồn của chúng ta. Những người mẹ, người bà chắt lọc trong vốn liếng ca dao, dân ca những câu hát hay nhất, mùi mẫn nhất để ru con, ru cháu mình.

Hò trong lao động (Hò chào hỏi và Hò đố - đáp)

Từ câu hát ru du dương, những đứa con ngấm dần nhịp điệu và lời ca; mai đây lớn lên, con lại mang lời ca tiếng hát ấy vào đời sống lao động khi ra đồng. Ấy là khi hò - lý vang lên trên khắp nẻo đường ở Nam Bộ. Câu hò, điệu lý là chất liệu trợ hứng, giữ nhịp điệu trong các buổi lao động như cấy lúa, chèo ghe, giã gạo,.. Từng nhịp nhặt khoan của các lớp xướng, xô giúp cho ngày dài lao động trở nên thoái mái hơn, người nông dân quên đi cái mệt và những đôi trai gái có dịp tìm hiểu nhau qua các vế hò.

Các bàn lý miền Nam: Lý Cấy, Lý đất giồng.

Nếu như hò có quy tắc chặt chẽ khi ca lên thì lý lại là hình thức diễn xướng đơn thuần vì nghệ thuật. Không có nơi nào trên đất nước Việt Nam, các bản lý lại đa dạng và phong phú như ở Nam Bộ. Người ta có thể đưa bất kỳ sự vật nào vào trong lý như “Lý cấy”, “Lý đất giồng” khi lao động, “Lý con khỉ”, “Lý con cúm núm”, “Lý con cóc”, “Lý cây bông”, “Lý cửa chùa”,…

Đờn ca tài tử: Bản Nam Xuân

Theo dòng lịch sử đổi dời, những thầy đờn cung đình Huế đã đến miền đất Nam Bộ, mang theo vốn liếng về dòng nhạc lễ cung đình. Tiếp thu nền văn hóa bản địa cùng với sự cải biên, sáng tạo của mình; những vị thầy đờn đã hình thành nên hệ thống nhạc lễ Nam Bộ. Từ nhạc lễ Nam Bộ, kết hợp với các yếu tố dân gian ẩn tàng trong câu hò, điệu lý, kèm đó là thú mê đờn ca hát xướng của dân xứ này; “Đờn ca tài tử” đã được sinh thành. Hình thức đờn ca giữa những người tri âm - tri kỷ đã “làm mưa làm gió” khắp xứ Nam kỳ. Đi đến đâu, người ta cũng bắt gặp tài tử hòa đờn, hòa ca cùng nhau.

Ca ra bộ, cải lương.

”Đờn ca tài tử” làm mưa làm gió ở Nam Bộ đã lâu, khán giả mộ điệu lại bắt đầu ưa thích những sự cải tiến mà trong đó yếu tố diễn xuất được để ý. Những tài tử miền Nam không chỉ sáng tạo bản đờn mà còn thêm thắt điệu bộ, cử chỉ khi ca; từ đó tạo nên hình thức “ca ra bộ” - là tiền thân của nghệ thuật sân khấu cải lương về sau này. Đặc biệt, cùng với sự ra đờn của bản “Vọng cổ”, cộng với ảnh hưởng của lối diễn ước lệ của hát bội (hát tuồng) và kịch nghệ Tây phương, hình thức diễn xướng tổng hợp “cải lương” chính thức có mặt.

Hoà đờn – hoà ca của lớp cổ nhạc Lục Tỉnh Cầm Ca: Lưu – Bình – Kim

”Lục tỉnh cầm ca” xác định mục tiêu của mình trong việc bày ra các sự lựa chọn về văn hóa cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trong nửa cuối năm 2018, BTC đã tổ chức các sự kiện giới thiệu sơ nét về đờn ca tài tử và nhận được sự ủng hộ của quý vị khán giả. Lớp đờn kìm, lớp ca cổ đã ra đời bằng sự yêu thích của các bạn trẻ và đam mê theo nghề của các cô chú nghệ sĩ. Tiết mục hòa tấu - hòa ca “Lưu - Bình - Kim” (Lưu thủy đoản, bình bán vắn, kim tiền Huế) tiếp theo đây sẽ do chính các bạn học sinh của hai lớp này thực hiện. Tin chắc rằng dòng chảy của diễn xướng Nam bộ, của văn hóa xứ này sẽ còn được lựa chọn để tiếp tục chảy trôi.

Mời khán giả tập ca các bản vắn.

Chương trình được thực hiện với sự tham gia của Ban nhạc Đờn ca tài tử Sáu Hưng, ca sĩ Tánh Linh và các học viên trong lớp đờn kìm, lớp ca cổ của Ban Đờn ca tài tử Sáu Hưng. Ngoài ra, BTC sẽ có những tiết mục bí mật, sẽ được giới thiệu đặc biệt trong chương trình.

Update thêm thông tin tại trang sự kiện

( Nguồn Fanpage Thư Quán Cội Việt)