Giới thiệu bộ phim: Bruges la Morte (1978, Ronald Chase)

Sự kiện chiếu phim tháng 11/2022: Giới thiệu bộ phim: Bruges la Morte (1978, Ronald Chase)

Thông tin từ ban tổ chức:

Bruges la Morte (1978, Ronald Chase)

THỜI GIAN: 19:00 mở cửa. 19:30-20:30 chiếu phim. Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022

ĐỊA ĐIỂM: the Prism/ Nam Thi House, 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bến Nghé, Quận 1

Vào cửa miễn phí.

Đăng ký trực tuyến: https://bruges-la-morte.eventbrite.com

-------------------------

Một bộ phim của đạo diễn Ronald Chase. Phác thảo: Một người đàn ông sống trong ảo tưởng, tiếc nhớ người vợ đã khuất, tình cờ tìm thấy bản sao của cô; anh mơ một giấc mộng bí ẩn, và choàng tỉnh - và cất quá khứ đi. Một câu chuyện tưởng như đơn giản gói đựng bên trong một chiếc hộp cầu kỳ - nếu bạn say sưa với chủ nghĩa biểu tượng, liêu trai truyện, stop motion của anh em nhà Quay, Tarkovsky, mộng ảnh, thành phố Bruges, những xúc cảm u ám, thế lực siêu nhiên, Hermann Hesse, tranh James Ensor, những suy tư về bản sao song song - người giống người, một bộ phim có hai cách diễn giải xoay quanh chủ đề mất mát, từ chối thực tại và ảo tưởng.

Là một nhánh trổ từ chùm ClassiXX trình chiếu - biểu diễn tác phẩm cổ điển TK20 trong tháng 11, Bruges la Morte (Ronald Chase, 1978) là chuyển thể cùng tác phẩm văn học kinh điển thuộc trường phái Biểu tượng cùng tên, Bruges la Morte (1892) của Georges Rodenbach, mà vở opera Die tote Stadt của E. W. Korngold (chiếu vào ngày 18.11 https://www.facebook.com/events/494740366036459/) cùng khai thác - để rồi chúng ta còn có Vertigo (1958) của bậc thầy Alfred Hitchcock, hay ít nổi tiếng hơn là Brugge, die stille (1981) của Roland Verhavert.

Ở thời điểm ra đời, bộ phim là một tiên phong trong sự kết hợp điện ảnh với sân khấu biểu diễn, các thước phim của Bruges la Morte được đặt hàng để “chiếu” trên bản dựng Die tote Stadt lừng lẫy ở New York Opera bởi đạo diễn Frank Corsaro.

Bộ phim của Ronald Chase phản ánh giấc mơ theo cả hai nghĩa. Nghĩa đen nằm qua những trường đoạn giấc mơ xảy ra trong vô thức, còn nghĩa bóng thể hiện biểu thị của giấc mơ lem, thậm chí lẹm, vào cuộc sống bao trùm dằn vặt của nhân vật chính về người vợ - khi giấc mơ ập vào và chiếm lấy hiện thực.

Tác giả Georges Rodenbach cho rằng: “Hồn cốt của nghệ thuật ưu nhã thật sự chính là giấc mơ, và giấc mơ ấy chỉ ngự ở chốn xa xăm, khuyết vắng, bất khả chạm vào.” Trường phái phân tâm Vienna đương thời mà nhà soạn nhạc E. W. Korngold chịu ảnh hưởng cho rằng, cắt nghĩa giấc mơ không chỉ đơn thuần đối phó với những tác động ngoại giới, mà còn giúp con người khám phá những bí mật thuộc phần sâu thẳm bên trong.

Với From Alpha to Opera, sân khấu và đặc biệt sân khấu opera (nhạc kịch cổ điển), trước điện ảnh, có thể là kiến tạo gần nhất và sống động nhất của con người đối với trí tưởng tượng. Có người còn xem một tác phẩm opera và một tác phẩm điện ảnh mới đủ thỏa mãn trọn vẹn được lý tưởng Gesamtkunstwerk (tác phẩm toàn bích, trọn vẹn) của nhà soạn nhạc R. Wagner.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện