Black Panther - tựa phim đang gây sốt cộng đồng mạng trong những ngày vừa qua. Liệu Black Panther của Marvel có thực sự đáng xem như tin đồn? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để phần nào cảm nhận về bộ phim này qua đánh giá của chính khán giả đã tới rạp xem Black Panther nhé!
Vậy là, chỉ còn “Infinity War” và “Ant man and the Wasp” nữa là Phase Three (Giai đoạn ba) của Marvel sẽ đến hồi kết. Phase Three đánh dấu những nỗ lực và tiến bộ không ngừng của Marvel trong việc cải tiến chất lượng của từng bộ phim, và Black Panther, nói không quá, chính là đỉnh cao và trái ngọt của những nỗ lực này.
Một cái tài tiên quyết phải nhắc tới của những nhà lãnh đạo Marvel, là tìm và đẩy những diễn viên, đạo diễn chưa có nhiều đất thể hiện lên một tầm cao mới. Jon Watts (đạo diễn Spiderman - Homecoming) là một ví dụ. Taika Waititi (đạo diễn Thor - Raknarok) là một ví dụ khác. Mà, chẳng nói đâu xa, Robert Downey Jr chỉ thật sự trở thành hiện tượng và trở lại màn ảnh sau Iron Man. Lần này, Marvel lại đưa ra một quyết định hết sức sáng suốt với việc giao cho Ryan Coogler làm người “cầm cân nảy mực" của Black Panther.
Phải nhắc đến Ryan Coogler đầu tiên, vì cái mới lạ thứ yếu của phim luôn bắt đầu từ người đạo diễn. Dù trước đó, sự nghiệp của Coogler chỉ dừng với một bộ phim đáng chú ý là Freed (hai, nếu tính thêm bộ phim indie Fruitvale Station), thì đây chắc chắn là một dấu ấn kế tiếp trong sự nghiệp của đạo diễn 33 tuổi này. Mà, ngay cả ở bộ phim trước đó, Freed, Coogler cũng đã gài gắm một cách khéo léo những mảng màu riêng của bản thân vào một spin-off (hoàn toàn không bị che khuất) của loạt phim đấm bốc đình đám - Rocky. Tương tự, với Black Panther, Coogler đã đem tới một màu sắc khá mới cho dòng phim đầy tính thị trường của Marvel.
Dù vẫn nằm trong khuôn khổ Marvel Cinematic Universe, nhưng bối cảnh của Black Panther nằm ở xa và khác biệt hơn cả. Bộ phim diễn ra không lâu sau sự kiện “Civil War", khi cha của T'challa bị giết, và anh phải thế chỗ ông làm Black Panther, vua và người bảo vệ của Wakanda, một đất nước châu Phi bí ẩn. Tưởng như hẻo lánh và nghèo nàn, nhưng Wakanda thực chất lại sở hữu nền công nghệ hàng đầu thế giới, bắt nguồn từ thứ kim loại “độc quyền" từ vũ trụ - Vibranium. Bộ phim kể lại quá trình lên ngôi của T'chala, những quyết định anh phải làm trên con đường trở thành một vị vua cũng như đối mặt với bóng ma của quá khứ, Killmonger, con của người em đã bị cha T'chala giết.
Ngắn gọn và dường như có phần đơn giản, “một màu" (người viết không (cố tình) viết pun), nhưng cái “tài" và cái “mới" của Ryan Coogler ở Black Panther - cũng như trước đó ở Freed - là đưa được văn hoá của người da đen vào. Ở Black Panther, văn hoá đó nằm xuyên suốt và là một phần không kém quan trọng của phim. Ta thấy được khu người da màu Oakland (nhân tiện, đây cũng là quê nhà của đại diễn Coogler), những người châu Phi cực khổ, bị lừa bán làm nô lệ ở Congo, và những cảnh hoành tráng, hiện đại nhưng vẫn đậm văn hoá Phi châu Wakanda. Ở đó, dù hiện đại đến mấy, người Wakanda vẫn chia làm những bộ lạc, có tiếng nói bình đẳng để thách thức vị vua mới. Ở đó, nền phong kiến tập quyền vẫn còn và, ngạc nhiên thay, phát huy hiệu quả. Những nét văn hoá đậm chất của người da màu, từ cổ xưa như xăm mình, nong môi hay hiện đại như dreadlock, hiphop hay bóng rổ đường phố cũng được đề cập đến xuyên suốt chiều dài phim. Wakanda trong Black Panther đã thực sự trở thành một nhân vật, và có tiếng nói của riêng mình, chứ không chỉ là một “placeholder" để nhân vật chính tự do tự tại thể hiện cốt truyện nữa.
Những nét văn hoá da màu này, nếu đặt vào tay một đạo diễn có màu da khác, chắc hẳn sẽ khó khăn để tường minh và tái hiện hơn nhiều lần. Việc thổi cái hồn vào trong một quốc gia giả tưởng, và gài cho nó đủ màu sắc văn hoá, chính là cái tài của đạo diễn Ryan Coogler. Chính vì vậy, có thể nói mà không ngại, Black Panther vẫn nằm trong Marvel Cinematic Universe, nhưng cũng là bộ phim độc lập nhất từ trước đến nay của nhà Marvel.
Không chỉ dừng lại ở đó, Black Panther còn dành hẳn 6, 7 phút đồng hồ để cô em gái tinh nghịch và thông thái của T'chala, Shuri, giới thiệu những trang thiết bị tân tiến nhất của đất nước này. Chuyện đó với cảnh trong sòng bạc bí mật ở Hàn Quốc và cảnh T'chala lịch duyệt bước vào như một đại gia, hai cô gái xinh đẹp hai bên, còn dễ gợi người xem tới những bộ phim gián điệp phiêu lưu của James Bond. Và, đâu đó những hint nho nhỏ về The Lion King cũng ẩn hiện khắp bộ phim. Nói ra thì spoil mất, nên thôi, hãy coi đó là một điểm sáng tạo và tinh nghịch của Coogler khi lồng ghép những bộ phim kinh điển kia vào Black Panther đã nhé!
Cái điểm “mới lạ" thứ hai mà Coogler “thổi" vào Black Panther, chính là đội ngũ của anh. Người đồng hành của anh phải kể đến nữ quay phim Rachel Morrison, người gần đây đạt giải Oscar cho phim Mudbound. Những cảnh quay góc rộng ở Wakanda thật sự rất xuất sắc, đến mức khó có thể tin được là đoàn làm phim không quay một cảnh nào ở châu Phi (!). Ngoài ra còn phải kể đến Hannah Beachler, thiết kế sản xuất, Michael P. Shawver, chỉnh sửa và nhà soạn nhạc Ludwig Görannson, cũng là những người đồng hành cùng Coogler ở hai phim trước.
Nhân nói về nhà soạn nhạc, phải dừng lại để khen nhạc của Black Panther. Có thể nói, điểm yếu - hoặc chiến lược, của Marvel trước giờ luôn là play safe - “chơi an toàn". Điểm yếu này đến từ bất kì chỗ nào, đặc biệt là phần cốt truyện và nhạc phim, khi Marvel luôn “xào lại" những bản nhạc tương tự và chưa thật sự đặt một dấu ấn trong tâm trí người xem về một đoạn nhạc phim nào. Với Black Panther thì khác. Những nhạc cụ thổ dân hoà chung với những bài rap hiện đại, và những âm beat điện tử quả thực rất hút và hợp lý, kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại của Wakanda. Nhạc phim, với cá nhân người viết mà nói, là ấn tượng nhất trong tất cả các bộ phim Marvel từ trước đến nay.
Và, món ngon luôn dành sau cuối. Có thể dễ dàng thấy, điểm nhấn của phim, Michael B. Jordan (đóng Killmonger) cũng là người đã sánh vai cùng Ryan Coogler ở hai bộ phim trước, Creed và Fruitvale Station. Diễn xuất của anh là luôn để lại cao trào trong phim - đầy năng lượng, đầy nhiệt huyết và đầy xúc cảm. Một nhân vật phản diện, tiên quyết phải có được những thứ đó. Không chỉ với mục đích trả thù, mà còn với mục đích “giải phóng" người da đen, Killmonger đã đem tới một nhân vật phản diện sức sống hơn hẳn những nhân vật phản diện của Marvel trước đó (có lẽ chỉ thua Loki trong Thor, Baron Zemo trong Civil War và Ultron trong Age of Ultron. Phim dù chán dù hay thì ba nhân vật phản diện kia cũng hết sức tiêu biểu). Và, Killmonger đã làm được một việc mà không phải nhân vật phản diện nào của Marvel cũng làm được - bắt nhân vật chính đưa ra quyết định. Có nên đem Wakanda ra trước thế giới không hay giấu nó đi? Phải làm gì với những bóng mà của quá khứ? Vua cha đã sai hay đúng? (Hãy đi xem phim để biết câu trả lời của T'chala nhé).
Có thể nói, lần đầu tiên phim của Marvel xây dựng nhân vật phản diện tốt hơn nhân vật chính, vì diễn xuất của Chadwick Boseman (nhân vật T'chala) rõ ràng có độ gượng, và khai thác nhân vật còn có thể sâu hơn. Lần đầu tiên ngồi trong rạp mà tôi mong muốn nhân vật phản diện thắng nhiều như vậy, vì nhân vật chính tồi quá. Đến đây bắt đầu nói điểm trừ của phim nhé.
Nhân vật chính xuất hiện như một vị thần, giàu có, tài năng và chả hề có một tẹo điểm yếu. Có chăng cũng là gặp bạn gái cũ hay một vài lỗi lầm quá khứ của vua cha. Nhân vật chính hoàn toàn không có gì để thông cảm, không liên kết được với người xem và không có một chút gì thú vị so với những nhân vật trước đó của Marvel. Nhạt nhoà và một màu, diễn xuất của Boseman chưa được thể hiện hoàn toàn trong Black Panther lần này. Một diễn viên nổi bật khác, Forest Whitaker, cũng không thể hiện được nhiều cảm xúc đau khổ đặc trưng của ông. Tương tự với Martin Freeman, trời ơi ông có thể làm tốt hơn thế mà???????? Và nhân vật nữ trong phim cùng lắm cũng chỉ dừng ở plot device, giúp đỡ nhân vật nam chút này chút kia, chứ hoàn toàn không có gì là nổi bật hay xuất sắc như những gì các review trước đó đã nêu. Dù sao thì, đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của người viết vậy.
Điểm yếu khác của phim là diễn tiến không mạch lạc. Có nhiều lúc, người xem thấy rất hoảng loạn, vì nhân vật phản diện đã chiến thắng, công bằng và uy dũng nhất có thể, và mong chờ một plot twist hay ho gi đó của nhân vật chính. Đôi lúc, nhân vật phản diện còn chính hơn cả nhân vật chính, và người xem đòi một nhân vật chính có những lý do chiến đấu tương tự. Nhưng không, chẳng có gì xảy ra cả. Plot liền một mạch, không có điểm nhấn, không có điểm nổi bật, không có gì cả. Người viết đã ngáp dài ở những phân cảnh cuối cùng.
Và, những phân cảnh cuối cùng thì ngập ngụa CGI. Đương nhiên cả phim toàn CGI hết, nhưng Black Panther triển khai CGI HẾT SỨC TỒI TỆ. Có thể nói, trình độ CGI này chỉ đáng để so với Xmen Origin hay râu của Superman trong Justice League. Bạn, nếu chưa xem, hãy để ý con tê giác, ở bất cứ đoạn nào nó xuất hiện, và cảnh quay hang động từ trước mặt bức tượng báo. Ngoài ra, đoạn đánh nhau cuối cùng còn tệ hơn cả phim hài hành động hạng B. Đương nhiên không thể mong chờ hành động từ một phim Rate 13, nhưng ít nhất cũng phải xứng tầm một phim Marvel, chứ đâu có thể pạch pạch ngã bay bay oạch oạch được, đúng không? Phim xử lý những cảnh hành động của đám đông quá tồi, ngược lại với những cảnh đối kháng hai người ở vực suối.
Ngoài ra, đoạn đánh nhau cuối cùng còn tệ hơn cả phim hài hành động hạng B. Đương nhiên không thể mong chờ hành động từ một phim Rate 13, nhưng ít nhất cũng phải xứng tầm một phim Marvel, chứ đâu có thể đấm nhau ngã bay vù vù bịch bịch như phim chưởng Hồng Koong được, đúng chứ? Có đoạn đánh nhua khúc cuối, một nhân vật phụ bị đánh bay, nếu để ý kĩ thì sẽ thấy… khá hài hước, vì cô nàng bay như bị di chuột kéo từ trái qua phải màn hình. Cũng vậy, phim xử lý những cảnh hành động của đám đông quá tồi, ngược lại với những cảnh đối kháng hai người ở vực suối.
Chỉ vực suối thôi, vì ở cảnh hành động cuối cùng, CGI vẫn duy trì sự tồi tệ từ trong trailer trở ra, dù đã sửa đổi vài chỗ. Đánh nhau quá hoạt hoạ, vô nghĩa và tăm tối. Có vẻ, với kinh nghiệm chỉ từ Creed, thì Coogler đúng là đã tập trung tốt hơn vào mảng đối kháng tay đôi không CGI. Đây có thể nói là những thiếu sót không nhỏ của phim vậy.
Tóm lại, Black Panther là một bộ phim khá, trên mức trung bình, đặc biệt khi nó nằm cạnh một bãi hổ lốn nhiều màu sắc là Thor: Raknarok. Thậm chí, không ngoa mà nói, Black Panther là một bộ phim có tiến bộ, có sự đầu tư và mạo hiểm của Marvel lần này (nhưng rõ ràng chưa đầu tư kĩ vào CGI). Nếu phải dùng phép so sánh, thì Black Panther là phim khá nhất trong Phase 3 tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhân vật Black Panther vẫn cần được trau chuốt thêm về nội tâm cũng như hướng phát triển nhân vật. Do đó, mặc dù vẫn chỉ là một bộ phim giải trí không hơn, nhưng Black Panther có thể sẽ đem tới luồng gió mới cho các bạn trong dịp đầu năm này.
>> Xem thêm các bài review phim liên quan:
...