Bộ phim hoạt hình "Aladdin và Cây đèn thần" lần đầu ra mắt khán giả vào năm 1992 đã nhanh chóng gây được tiếng vang lớn, thành công khắc họa lên những tượng đài mang tên Aladdin, Jasmine, Thần đèn, Jafar,... Liệu phiên bản người đóng ALADDIN 2019 có thể truyền tải thành công linh hồn của các nhân vật? Hay chúng ta sẽ được đón nhận thêm một "thảm họa" nữa của dòng phim chuyển thể (live action)?
Xem thêm các bài review phim trong năm 2019:
_____________________
Phiên bản người đóng lần này của Aladdin - một bộ phim hoạt hình nổi tiếng từ Disney, có lẽ là điều mà chẳng có mấy người mong đợi từ đầu. Thời gian gần đây có thể Disney đang thiếu ý tưởng, nên họ đang tung một loạt phim người đóng từ hoạt hình và phần phim mới, như trước đây là Dumbo, và sắp tới lại là Lion King và Toy Story 4. Nhưng vì Aladdin là bộ phim hoạt hình góp phần lớn vào tuổi thơ tôi, nên sau khi xem xong, tôi quyết định xem lại phiên bản hoạt hình, để tìm được những thay đổi hay những gì được giữ trong phần phim này.
Về khung cảnh của bộ phim, vương quốc Agrabah được dựa trên Namibia, một quốc gia ở Nam Phi giáp biển, là vương quốc nơi thuyền và bè liên tục cập bến không ngừng nghỉ. Về mốc thời gian thì tôi nghĩ là khoảng năm 800 sau công nguyên, có thể thấy khi đêm xuống thì khu chợ vẫn tấp nập như ban ngày, người dân trao đổi vật chất, đồng bạc đồng vàng để đổi lấy những loại vải, gia vị,… Tuy nhiên, một điều có thể thấy là sự phân hoá giàu nghèo, khi những con người kém may mắn phải sống len lút trong dòng người khá giả hơn, không một sự quan tâm dành cho họ, hay nói cách khác, như những con chuột trên đường.
Tuy nhiên, khác với không khí vui vẻ, trong sáng, khi Sultan (Quốc vương) vẫn còn có thể cười đùa, bộ phim người đóng lần này đã mang sự nghiêm túc, một màu sắc tối hơn. Biện pháp chiến tranh vẫn được sử dụng để giải quyết mâu thuẫn, và con gái quốc vương lấy chồng không chỉ để tìm người nối ngôi, mà còn để lập liên minh quân sự cho những cuộc chiến sắp tới. Jafar, tên phản diện quen thuộc của bộ phim này, là bộ mặt đại diện cho các vương quốc xứ Ả Rập thời ấy. Hắn muốn đánh chiếm những vương quốc khác, nhằm chứng tỏ quyền lực của bản thân.
Nói về các nhân vật, ta hãy nói về nhân vật chính, Aladdin. Anh vẫn giữ nhân cách là một "viên ngọc bên trong đá", một con người tốt bụng nhưng bị cái vẻ ngoài nghèo khổ làm điều khiến mọi người phân biệt anh. Tuy anh có sự thông minh, dũng cảm, thật thà, nhưng vì tình yêu với công chúa Jasmine mà giả làm hoàng tử, để rồi ta thấy sự dày vò của anh trong việc lựa chọn có nên tiết lộ thân phận thật hay không. Nhân vật Aladdin tôi đánh giá ở mức tròn vai, vì suy cho cùng thì anh vẫn diễn đúng như nhân vật ở bản gốc, không có thay đổi gì. Thậm chí có lúc lời thoại của anh hơi gượng, nhiều câu đùa không có sự tự nhiên, như khi anh nói đùa về mấy cái hũ mứt. Tạo hình của Aladdin cũng khá là già so với hình ảnh một chàng trai trẻ liều lĩnh ở bản hoạt hình.
Tiếp theo là công chúa Jasmine, một trong những nhân vật mà tôi cảm thấy bất ngờ nhất. Tôi khuyên các bạn nên xem bản phụ đề để chứng kiến khả năng diễn xuất của Naomi Scott một cách trọn vẹn nhất. Trong thân phận một công chúa phải ở trong sự bảo vệ của hoàng cung, không có quyền lên tiếng và lấy chồng để cha có người nối ngôi, Jasmine là một công chúa mong muốn điều còn hơn cả tự do. Cô muốn nối ngôi cha mình, trở thành quốc vương tiếp theo, và lấy một người chồng cùng suy nghĩ bảo vệ người dân như mình. Cô không chấp nhận biện pháp dùng chiến tranh của tên Jafar và hướng đến cách giải quyết ôn hoà hơn. Bản người đóng lần này có sự xuất hiện của bài hát mới, "Speechless", bày tỏ nỗi lòng và quyết tâm được đứng lên bày tỏ quan điểm của mình. Nó không mang giai điệu vui vẻ như "Prince Ali" và "Friend like me", cũng không có sự huyền bí của "Arabian Night", nhưng nó có sự mạnh mẽ, cương quyết, biến nó thành một bài hát hay. Naomi Scott đã thực sự làm tốt vai diễn này, gợi cho tôi vì sao các công chúa Disney lại được yêu quý: sự mạnh mẽ và quyết tâm làm nên điều phi thường.
Đương nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Thần Đèn Will Smith, ngôi sao của bộ phim. Bất cứ cảnh nào có ổng đều là một cảnh hay, và Will Smith đã trổ hết tài năng của mình vào vai diễn này. Khi tạo hình của thần Đèn được giới thiệu, chả ai thích nó hết, và thậm chí nó còn trở thành meme nữa. Nhưng sau bộ phim này, đây là vai diễn mà tôi thích nhất. Thần Đèn này đùa duyên, tự nhiên, nhưng cũng giàu cảm xúc trong những cảnh cần sự cảm động. Hey, thậm chí ổng còn có cái reference "It’s rewind time!" hồi đóng trong Youtube Rewind nữa.
Tuy nhiên về mặt cốt truyện, đó là sự xây dựng thực sự không ổn. Để góp phần thay đổi cốt truyện gốc, đã có hai nhân vật được thêm vào: người hầu công chúa Dalia và tên đứng đầu của đám lính, Hakim. Cả hai đều không có một sự xây dựng nhân vật đàng hoàng nào, nhưng bằng cách nào đó lại có khoảnh khắc quan trọng. Trong bản người đóng, Dalia có tình cảm với thần Đèn, lúc này là người theo cùng "hoàng tử Ali", và sau này khi thần Đèn được tự do, cô cưới ổng và có hai đứa con… What? Sao điều này lại được quăng vào một cách ngẫu nhiên vậy? Cả hai mới cảnh trước thể hiện tình cảm được tầm hơn 10 phút, rồi đến lúc sau cùng đã có con à? Disney, why??
Hakim thì đỡ hơn một chút. Ở bản gốc thì khi này anh còn nhỏ, là một người hầu trong cung, xuất hiện trong tập đặc biệt nào đó của Disney về các công chúa. Trong bộ phim này, anh là người đứng đầu các bảo vệ, coi luật pháp là trên hết. Tuy nhiên trong phim anh này có một khoảnh khắc khá buồn cười với tôi.
Trong cảnh quốc vương bị Jafar dùng điều ước thần Đèn cướp ngôi, anh phải quay qua tuân lệnh quốc vương mới. Nhưng sau cái cảnh Jasmine la hét bài "Speechless" cùng một đám người biến mất như vừa bị Thanos búng tay, cô đã lôi cái tuổi thơ hồi nhỏ của Hakim và nói điều gì đó về sự lựa chọn. Thế là bùm! Vừa 5 phút trước Hakim còn đang tuân lệnh Jafar, anh đã quay qua "Đmm Jafar! Quốc vương ơi, em xin lỗi, chúng ta còn là anh em chứ?", một quả character development to chưa từng thấy. Wtf Disney?
À nhắc đến Jafar, đây là màn thể hiện phản diện khá dở. Những lúc tên này thể hiện sự độc ác thì tôi lại thấy tức cười, trong mắt tôi chỉ là một thằng điên mới được thả ra đường từ lâu vậy mà đã tái phát chứng rồi. Tôi biết Marwan Kenzari đã rất cố gắng trong vai này, nhưng nó vẫn chưa thực sự đạt. Tên Jafar trong bản hoạt hình là một kẻ chỉ cần nhìn, ta đã thấy sự xảo quyệt và độc ác của hắn. Jafar phiên bản 2019 này, theo tôi, vẫn còn hiền và hơi cố. Điều này tôi thậm chí đã nghĩ từ khi xem trailer, thấy tạo hình của Jafar, và nó thật sự tệ vì tên này là một trong những phản diện tôi thích nhất trong Disney. À và con vẹt Iago lắm mồm đâu rồi? Con này là con tào lao nào khác chứ đâu phải vẹt Iago mà tôi biết.
Nhưng sau cùng, cái thực sự đáng nói ở đây phải là âm nhạc. Như tôi đã nói, các bài hát luôn mang một tính chất riêng, như sự huyền bí của xứ Ả Rập về đêm trong "Arabian Night", sự điên rồ trong "Prince Ali", hay sự lãng mạn, nhẹ nhàng trong "A whole new world". Nhưng những cảnh ảo thuật không thể kỳ diệu bằng bản hoạt hình được. Bạn sẽ không thể tái lập lại dàn vũ công nhảy múa và nhịp điệu dồn dập của chú voi Abu bằng bản gốc, hay sự bao quát cả thế giới trong tầm tay chỉ qua hành trình của chiếc thảm bay, hoặc đủ loại màu sắc, sự điên rồ diễn ra trong hang Kỳ Quan. Tôi biết nhà sản xuất đã rất cố gắng trong việc dựng lại một xứ sở Ba Tư đầy nhiệm màu, nhưng họ sẽ không thể tái lập được những phép màu chỉ qua hoạt hình trong bản 1992.
Tóm lại, đây là phiên bản người đóng tương đối hay, và là phiên bản hay nhất của Disney tính đến thời điểm này, nội trong năm 2019. Cái ngăn nó trở thành một bom tấn đó là vấn đề trong kịch bản cùng với cách tạo hình, xây dựng nhân vật còn thiếu xót. Nhưng nhìn chung, đây là một chuyến tàu trở về tuổi thơ rất đẹp của những người muốn sống lại không khí của vùng đất Ả Rập, và là một trải nghiệm thú vị cho những em nhỏ. Sắp tới sẽ là live action của The Lion King. Liệu cuộc hành trình của Simba có tiếp nối được chuyến tàu này?